Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

Tầm quan trọng của quản lý, chăm sóc đường truyền trị liệu trong bệnh viện

Truyền dịch trị liệu là kỹ thuật thường quy trong công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Trong thực tế lâm sàng có rất nhiều những tình huống xảy ra với đường truyền trị liệu, từ việc thực hành kỹ thuật đến quản lý chăm sóc và các biến chứng.

Hội thảo “Quản lý và Chăm sóc đường truyền trị liệu trong Bệnh viện” được Bệnh viện Bạch Mai tổ chức vừa qua đã mang đến nhiều thông tin hữu ích.

Đường truyền trị liệu, yếu tố then chốt trong điều trị bệnh

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối của cả nước, thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh khó, người bệnh có tình trạng bệnh lý phức tạp, nguy kịch. 80% người bệnh nhập viện được chỉ định thiết lập các đường truyền trị liệu. Và ước tính trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện có hàng ngàn mũi tiêm/truyền được thực hiện cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Việc đặt đường truyền thành công ngay từ lần đầu cho người bệnh luôn là thách thức đối với các bác sĩ và điều dưỡng. Bên cạnh đó, quản lý và chăm sóc hàng ngày đường truyền như thế nào tránh biến chứng cho người bệnh, đảm bảo hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị cũng là một bài toán nan giải.

Thiết lập đường truyền trị liệu cho người bệnh thường chỉ mất từ 3 - 5 phút, tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng gặp không ít những trường hợp khó, kéo dài 15 - 30 phút và phải làm đi làm lại nhiều lần. Tình trạng đặt đường truyền khó dẫn đến việc điều trị bị trì hoãn và ảnh hưởng tới hiệu quả. Người bệnh đau đớn, ám ảnh kim tiêm, mất niềm tin vào y tế và tăng nguy cơ tổn thương, nhiễm khuẩn.

Tăng tỷ lệ đặt đường truyền thành công ở lần đặt đầu tiên là rất cần thiết, nhằm đảm bảo chất lượng chăm sóc và nâng cao hiệu quả điều trị, kinh tế cũng như sự hài lòng của người bệnh. Do đó, kỹ thuật và nhân sự triển khai, thực hiện rất quan trọng.

PGS. TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu khai mạc chương trình và tặng hoa chúc mừng các báo cáo viên

“Truyền dịch trị liệu là kỹ thuật thường quy trong công tác chăm sóc người bệnh nhằm mục đích đưa dịch, dinh dưỡng, thuốc, hoá chất… vào cơ thể người bệnh để đạt được hiệu quả điều trị. Tuỳ thuộc vào mục đích, thời gian điều trị và thể trạng người bệnh mà cân nhắc việc lựa chọn đường truyền phù hợp. Đặt đường truyền trị liệu theo bất kỳ đường nào, nếu không tuân thủ thực hành chuẩn trong đặt và quản lý chăm sóc đều có nhiều biến chứng liên quan như viêm mạch, thoát mạch, cơ thể nhiễm khuẩn huyết, tràn khí màng phổi, thuyên tắc khí… Cấp thiết cần có các cán bộ, nhân viên y tế được đào tạo bài bản, chuyên sâu về tĩnh mạch trị liệu”. PGS. TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.

Những cập nhật mới trong lựa chọn, thiết lập đường truyền

Từ câu chuyện vào viện không thể lấy được ven, thiết lập được đường truyền, gây ám ảnh cho người bệnh, căng thẳng cho cán bộ nhân viên y tế, đặt ra đòi hỏi về kỹ thuật, chất lượng thực hiện, mức độ an toàn trong tạo dựng và chăm sóc đường vào mạch máu.

Đường vào mạch máu không đơn thuần là đường ven. Đường vào mạch máu gồm: tĩnh mạch, động mạch, là những trị liệu, theo dõi rất quen thuộc, thường sử dụng trong bệnh viện. Đường truyền tĩnh mạch có chức năng chính là trị liệu để đưa thuốc, dịch, các chế phẩm máu vào người bệnh, là đường để lọc máu, ECMO (tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể). Đường truyền động mạch để thăm dò, đo huyết áp xâm lấn, đo cung tim…

TS.BS Nguyễn Hữu Quân và ThS Lê Quang Trí, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn đặt đường truyền lòng mạch sử dụng máy siêu âm

Phụ thuộc vào mục tiêu trị liệu và tình trạng người bệnh để lựa chọn đường truyền phù hợp. Với các điều trị ngắn ngày, trong khoảng 3 ngày, sử dụng thuốc không kích ứng, truyền các dịch đảng trương, độ PH trung tính, số lần dùng thấp… chỉ đùng đường truyền tĩnh mạch ngoại vi. Sử dụng đường truyền trung tâm để truyền hoá chất, dinh dưỡng tĩnh mạch, thuốc vận mạch, dịch hồi sức, dịch kích thích, thời gian dài trên 7 ngày, lấy máu tiêm truyền nhiều lần. Đặc biệt, khuyến cáo các bệnh nhân truyền hoá chất nên qua đường trung tâm.

Tuy nhiên, với kỹ thuật truyền thống, đường truyền trung tâm thường gây ra nhiều biến chứng, dễ nhiễm trùng, khó xử lý khi xảy ra chảy máu, thời gian duy trì ngắn và kỹ thuật đặt phức tạp. Trước thực trạng đó, đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại vi PICC, kết hợp cả ngoại vi và trung tâm, là một trong những kỹ thuật hồi sức, cấp cứu hiện đại, mang lại những lợi ích cho người bệnh.

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Quân, PGĐ Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai: PICC đã được công nhận như một thiết bị tiếp cận tĩnh mạch trung tâm đáng tin cậy, với khả năng xảy ra biến chứng thấp hơn catheter tĩnh mạch trung tâm. Quy trình đặt và rút PICC đơn giản, không gây ra các biến chứng như: Nguy cơ bị tràn khí màng phổi và có thể lưu từ 1 tuần đến 3 tháng. PICC sử dụng được cho bất kỳ dịch truyền có độ thẩm thấu, độ PH, thành phần và các tính chất hóa học khác của các dung dịch hoặc thuốc, có thể được thực hiện bởi điều dưỡng, nhân viên y tế đã qua đào tạo, dễ dàng bảo trì, bảo quản, thuận tiện trong sinh hoạt, các vận động của người bệnh.

Các phương pháp hiện đại, mang đến trải nghiệm điều trị tốt hơn, nhưng những trường hợp khó vẫn luôn xảy ra và khá phổ biến, chiếm đến 39% người bệnh, trong đó 30% người lớn và 50% trẻ em. Điều này khiến cả người bệnh lẫn đội ngũ y tế đều áp lực, căng thẳng. Khuyến cáo của các tổ chức y tế thế giới chỉ ra, khi đối mặt với các trường hợp có đường truyền tĩnh mạch khó nên sử dụng máy siêu âm để xử trí.

“Trước khi thiết lập một đường truyền cho người bệnh theo chỉ định bác sĩ, việc đầu tiên người thực hiện cần đánh giá, lập kế hoạch lựa chọn thiết bị truy cập mạch máu để phù hợp nhất, số lần đặt ít nhất, đáp ứng mục tiêu. Cụ thể, dựa vào bản chất của thuốc dịch truyền, thời gian dự kiến sử dụng, chỉ định trị liệu tĩnh mạch, tình trạng người bệnh, tình trạng mạch máu, đường truyền gặp khó hay không, các yếu tố nguy cơ, tiếp đó dựa vào cơ sở vật chất, năng lực nhân sự để lựa chọn thiết bị phù hợp, đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi thông thường hay MIDLINE, PICCLINE. Khi có những đánh giá đó, việc đặt đường truyền sẽ rất hiệu quả, an toàn, nâng chất lượng điều trị cho người bệnh, cải thiện hiệu suất làm việc của điều dưỡng, nhân viên y tế. Hơn thế, đặt đường truyền các thiết bị trong lòng mạch dưới hướng dẫn của siêu âm, tỷ lệ thành công là 90%”. ThS. Lê Quang Trí, Điều dưỡng trưởng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm triển khai đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi PICC và đường truyền có độ dài trung bình MIDLINE, TS.BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Dưới hướng dẫn, hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã triển khai đường truyền PICC từ 2022, đường truyền MIDLINE từ 10/2024. Số lượng ca tăng dần theo thời gian. Mở rộng từ nhóm cấp cứu đến hồi sức tích cực, ung thư, huyết học, nội trú. PICC/MIDLINE là đường truyền thay thế an toàn, hiệu quả, được chỉ định rộng rãi, không có chống chỉ định tuyệt đối. Đường truyền có nhiều ưu điểm so với các phương pháp khác về tính thẩm mỹ, thời gian lưu kéo dài, hạn chế nhiễm khuẩn, ít biến chứng, người bệnh dễ dàng sống chung. 100% kỹ thuật do điều dưỡng thực hiện do đó giảm thiểu áp lực cho bác sĩ”.

Cũng tại chương trình, TS.BS Trương Anh Thư, Trưởng khoa Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ những cập nhật dự phòng nhiễm khuẩn huyết liên quan tới các thiết bị trong lòng mạch. Hội thảo “Quản lý và Chăm sóc đường truyền trị liệu trong Bệnh viện” thu hút hơn 200 điều dưỡng, bác sĩ tham dự trực tiếp.

 Bài, ảnh: Nguyên Hà - Thế Anh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image