Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Tăng cường quản lý chất lượng trang thiết bị trong chạy thận nhân tạo

Ngày 22-11, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống máy lọc thận với sự tham gia của hàng trăm học viên đến từ các đơn nguyên chạy thận nhân tạo của các cơ sở y tế.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định, hiện nay ngành y tế đã được đầu tư nhiều trang thiết bị đắt tiền nhưng công tác quản lý, vận hành và bảo trì vẫn còn nhiều vấn đề. Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm trang thiết bị y tế nhưng chưa thật sự nhiều và chất lượng vẫn còn đang bàn cãi. Vì thế, hầu hết các vật tư, trang thiết bị y tế phải nhập ngoại.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc quản lý, sử dụng và bảo hành các trang thiết bị này chưa thật sự được coi trọng ở các cơ sở y tế. Một số nơi không có người chuyên trách về vật tư thực hiện công tác giám sát bảo quản. “Với số tiền đầu tư lớn cho những máy đắt tiền, nếu không có người quản lý có chuyên môn hoặc đang lập lờ về việc người quản lý thì rất nguy hiểm cho sức khỏe con người” - Thứ trưởng nói.

Riêng trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo, một lần nữa, Thứ trưởng cho biết sự cố tai nạn y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình làm tám người tử vong là một bài học cho toàn ngành y tế. Vì thế, vai trò của Vụ Trang thiết bị và công trình y tế hết sức quan trọng để quản lý về lĩnh vực này.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 20 nghìn bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 30-40 nghìn người phải chạy thận nhân tạo. Nước ta đã triển khai kỹ thuật này về tới các tuyến huyện và tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai tới tuyến phường.

Khoa thận nhân tạo là đơn vị sử dụng nhiều máy móc trang thiết bị y tế nhất. Vì thế, đây cũng là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra sự cố từ sự vận hành máy móc, thiết bị lọc máu cho người chạy thận.

TS Dũng nhận định, hiện nay cơ sở vật chất nhiều đơn nguyên chạy thận không được đầu tư xây mới mà chủ yếu cơi nới thêm nên tiềm tàng nhiều yếu tố nguy cơ. Nhiều nơi bố trí lối ra vào chưa hợp lý, dễ là nơi lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Đa số các đơn nguyên chạy thận đều tự bảo hành trang thiết bị. TS Dũng đặt câu hỏi “Có rất ít nơi được các hãng sản xuất máy móc bảo trì. Vậy khi có sự cố xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, trong khi bác sĩ chỉ là người thực hiện điều trị?”.

Nhấn mạnh yếu tố con người trong việc vận hành trang thiết bị, TS Dũng chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ từ việc cần phải kiểm soát các chất qua màng lọc, kiểm soát nguồn nước, màng RO, bồn nhựa chuyên dụng, hệ thống đường ống... Và quan trọng nhất, trong quá trình bảo trì thường kỳ, TS Dũng đề nghị các cơ sở y tế phải hết sức thận trọng khi sử dụng vận hành máy móc sau bảo trì để tránh những tai biến có thể xảy ra như sự cố y khoa vừa rồi tại Hòa Bình.

Chỉ ra những yếu tố nguy cơ tiềm tàng của việc sử dụng trang thiết bị y tế dùng trong kỹ thuật chạy thận nhân tạo, TS Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế cho biết sự cố sẽ xảy ra nếu máy thận nhân tạo không được bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định theo quy định của nhà sản xuất hoặc quy định quốc tế; quả lọc thận được dùng lại nhiều lần và chưa được kiểm tra sau rửa; tự pha dịch thẩm tách cô đặc; nước dùng cho chạy thận nhân tạo không đúng tiêu chuẩn.

Do đó, để tăng cường quản lý chất lượng trang thiết bị trong lĩnh vực này, TS Hải đề nghị các cơ sở y tế cần bảo dưỡng, bảo trì, kiểm định theo quy định của nhà sản xuất. Với quả lọc thận, việc sử dụng lại phải theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Các cơ sở pha dịch thẩm tách cô đặc tại các cơ sở có đủ điều kiện sản xuất và cần tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn nước dùng cho chạy thận nhân tạo.

Nguồn Nhandan.com.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image