Y tế cơ sở là nơi gần dân nhất, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần giảm tải cho tuyến trên, nhưng thời gian qua, y tế cơ sở chưa được người dân đánh giá cao, người bệnh vẫn vượt tuyến khám, chữa bệnh. Để người dân được cung ứng số lượng, chất lượng dịch vụ tốt hơn tại tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế đang xây dựng, sửa đổi một số quy định liên quan đổi mới hoạt động của trạm y tế xã, phường.
Cán bộ Trạm y tế xã Bản Hon, Tam Đường (Lai Châu) kiểm tra sức khỏe cho người bệnh.
Kết quả giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ ra chênh lệch trong việc tiếp cận dịch vụ y tế tại các tuyến y tế qua tỷ lệ chi từ quỹ BHYT. Tỷ lệ chi cho khám, chữa bệnh BHYT ở tuyến cuối nhiều hơn so với các tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu (tuyến xã, huyện): tuyến tỉnh là 44,9%, tuyến trung ương là 28,3%, tuyến huyện và xã là 26,7%. Chi khám chữa bệnh nội trú chiếm khoảng 60% tổng chi khám chữa bệnh, tuyến cơ sở chiếm 50%. Điều này đi ngược với xu thế của thế giới khi hơn 60% quỹ khám, chữa bệnh được chi cho y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Một bất cập khác là, phần lớn những người thu nhập khá mới có điều kiện lên tuyến trên điều trị, do đó, vô hình trung tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ BHYT cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đã “hỗ trợ ngược” cho người có điều kiện. Cùng với nguồn quỹ hạn hẹp, y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã, phường còn nhiều hạn chế về năng lực cán bộ, trang thiết bị, chưa được người dân đánh giá cao.
Từ thực tế nêu trên, đổi mới y tế cơ sở được các ngành y tế, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Trên cơ sở Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ Y tế đang sửa đổi nhiều quy định nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Như Dự thảo Thông tư bổ sung danh mục kỹ thuật cho Thông tư số 43/2013/TT-BYT sẽ khắc phục tình trạng một số dịch vụ kỹ thuật được áp dụng tại tuyến xã không được quỹ BHYT thanh toán. Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, dự kiến sẽ không giới hạn việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật tại các tuyến, từ y tế cơ sở, tuyến tỉnh đến tuyến trung ương. Thông tư cũng chuẩn hóa cả tên dịch vụ và giá dịch vụ, nhằm giúp các cơ sở khám, chữa bệnh làm thủ tục đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại cơ quan bảo hiểm xã hội qua hệ thống giám định điện tử. Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc BHYT tại cơ sở y tế xã, huyện để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại y tế cơ sở. Theo đó, danh mục thuốc được BHYT chi trả tại tuyến xã tăng lên so với hiện nay, tránh tình trạng người bệnh vượt lên tuyến trên chỉ để khám, chữa những bệnh thông thường, nhận thuốc định kỳ cho các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, huyết áp, tim mạch.
Từ danh mục kỹ thuật chung, các cơ sở khám, chữa bệnh đăng ký thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo năng lực, điều kiện của cơ sở mình và cơ quan chức năng sẽ thẩm định về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để cho phép thực hiện, với yêu cầu bảo đảm an toàn, sức khỏe người bệnh đặt lên hàng đầu. Riêng tại tuyến xã, các danh mục dịch vụ, thuốc sẽ được quy định tại gói dịch vụ y tế cơ bản và bắt buộc các trạm y tế xã, phường phải cung cấp đầy đủ cho người bệnh. Theo ban soạn thảo, quan điểm xây dựng Thông tư Quy định chi tiết về gói dịch vụ y tế cơ bản có sự thay đổi từ xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản chung các tuyến sang chỉ xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản cho trạm y tế xã, phường và bác sĩ gia đình để phù hợp khả năng đáp ứng của y tế cơ sở, khả năng chi trả của quỹ BHYT và giảm tải cho tuyến trên, giảm chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Tất cả các trạm y tế xã, phường, phòng khám bác sĩ gia đình bắt buộc phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để bảo đảm cung ứng đầy đủ dịch vụ thiết yếu cho người dân tại gói dịch vụ y tế cơ bản, tránh tình trạng nơi đáp ứng được, nơi không. Qua đó, người dân sẽ được cung ứng, chất lượng dịch vụ tốt hơn tại tuyến xã so với hiện nay.
Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất bỏ quy định giao quỹ cho cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu để đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở. Lâu nay, việc giao quỹ cho cơ sở khám, chữa bệnh tính trên số tiền đóng BHYT của người đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu nhằm kiểm soát việc sử dụng dịch vụ của người bệnh. Tuy nhiên, từ 1-1-2016, quy định thông tuyến có hiệu lực, người bệnh có thể tự do khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến huyện cho nên mục tiêu kiểm soát không thực hiện được. Trong khi các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu được giao quỹ phải cân nhắc các chỉ định cho người bệnh thì các cơ sở không bị ràng buộc giao quỹ ở tuyến trên lại chỉ định rộng rãi các dịch vụ kỹ thuật, gây lãng phí quỹ BHYT. Theo Vụ trưởng vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm, sẽ điều chỉnh Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC theo hướng không giao quỹ khám, chữa bệnh cho cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, thay vào đó là cơ chế kiểm soát việc sử dụng dịch vụ y tế bằng cách xác định tổng mức thanh toán cho tổng số các trường hợp đến khám, chữa bệnh trong năm theo từng chuyên khoa, hạng bệnh viện. Định mức sử dụng quỹ BHYT tại trạm y tế xã cũng được xem xét sửa đổi. Với định mức số tiền tối đa sử dụng tại trạm y tế xã là 20% quỹ khám chữa bệnh như hiện nay đã hạn chế hoạt động chuyên môn, quyền lợi người bệnh và không phù hợp xu hướng tăng cường dịch vụ y tế tuyến xã. Một số danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc đã có trong danh mục được quỹ BHYT chi trả nhưng cơ sở y tế tuyến xã không thể thực hiện được vì không có tiền. Xu hướng sẽ không quy định mức quỹ BHYT được sử dụng tại trạm y tế mà áp dụng cơ chế tính tổng mức thanh toán các trường hợp đến khám, chữa bệnh trong năm như các cơ sở y tế khác để kiểm soát việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật của thầy thuốc và người bệnh, phát triển chuyên môn và bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.
Theo các chuyên gia y tế, nếu đầu tư cho tuyến y tế cơ sở thì hiệu quả sẽ gấp mười lần đầu tư cho tuyến trên bởi vì y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, đầu tư cho tuyến trên bao nhiêu cũng không giải quyết được tình trạng quá tải. Để y tế phát triển, công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa các bệnh thông thường cần phải chuyển về cho tuyến cơ sở, ở tuyến trên chỉ nên tập trung phát triển kỹ thuật cao và tư duy quản trị bệnh viện.
Nguồn Nhandan.com.vn