Nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh
Từ năm 2015 đến nay, thay vì phải thường xuyên ra Hà Nội để điều trị căn bệnh ung thư tuyến vú, bà Nguyễn Thị Chiên (60 tuổi) ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã được điều trị ngay tại Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (UB và YHHN), Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh. “Với hoàn cảnh đơn thân, không có người chăm sóc, từ khi được chữa bệnh tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, tôi giảm được nỗi lo về chi phí do không phải ra Hà Nội để điều trị như trước. Các y, bác sĩ ở đây tận tình, chu đáo, máy móc và các kỹ thuật cũng hiện đại, không khác gì ở BV tuyến trên, khiến tôi rất yên tâm”, bà Chiên tâm sự.
Theo bác sĩ Võ Văn Phương, Trưởng Khoa UB và YHHN (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh), đội ngũ y, bác sĩ Khoa UB và YHHN đã được Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) đào tạo cơ bản, chuyên sâu và được trang bị các máy móc chuyên ngành hiện đại như máy CT 64 dãy 128 lát, máy Spect 2 đầu thu… hỗ trợ hiệu quả công tác khám, chẩn đoán, điều trị bệnh. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị liệu, sinh thiết cắt lạnh tức thì… cũng phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu điều trị mà trước đây người bệnh phải chuyển lên tuyến T.Ư mới thực hiện được. Theo Đề án “Bệnh viện vệ tinh”, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh triển khai ở sáu lĩnh vực: Ngoại chấn thương, ung bướu, phụ sản, nội tiết, tim mạch và nhi khoa. Đến nay, hơn 70 kỹ thuật được đào tạo, chuyển giao thành công, trong đó có nhiều kỹ thuật mới, ngang tầm BV T.Ư được thực hiện thường xuyên như: phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật ung thư, hóa trị liệu điều trị ung thư… Theo bác sĩ Trần Thị Dung, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, sau 5 năm tham gia Đề án “Bệnh viện vệ tinh”, năng lực khám và điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến chỉ còn khoảng 5%.
Tại Nghệ An, năm 2009, BV Bạch Mai đã cử 16 bác sĩ, chuyên gia thuộc các chuyên ngành: Khám bệnh, huyết học, mắt, thần kinh, nội tiết - đái tháo đường, cơ xương khớp, truyền nhiễm, tế bào - tổ chức học, huyết học… vào công tác tại BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Trong thời gian 48 tháng, các bác sĩ BV Bạch Mai đã tận tình hướng dẫn cho từng bác sĩ, kỹ thuật viên (KTV), từng khoa phòng chuyên môn... Cũng trong thời gian này, BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cử 53 lượt bác sĩ, KTV ra học tập tại BV Bạch Mai, thông qua những lớp đào tạo ngắn, dài hạn. Với rất nhiều chuyên ngành được đào tạo: Hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, thận nhân tạo, can thiệp mạch, điều trị ung thư… các cán bộ khi quay về đã triển khai tốt những chuyên môn kỹ thuật mà mình học được. Nhờ đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật của BV không ngừng được nâng cao, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Nghệ An và một số tỉnh lân cận. Nhờ “đà” từ Đề án “Bệnh viện vệ tinh”, BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục phát triển những kỹ thuật mới, thành lập nhiều khoa chuyên sâu. Tiếp nối thành công, các BV ở Nghệ An như: BV Ung bướu Nghệ An, BV Sản Nhi Nghệ An đã phối hợp bài bản, toàn diện với các BV tuyến T.Ư, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bác sĩ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc BV Sản Nhi Nghệ An cho biết: “Sau khi trở thành BV vệ tinh, được chuyển giao kỹ thuật, các bác sĩ thực hiện thường quy thành công nhiều ca phẫu thuật tim cho trẻ nhỏ. BV cũng làm chủ được nhiều lĩnh vực: Can thiệp tim mạch, nong van tim hẹp...”. Chỉ tính riêng năm 2017 và tám tháng đầu năm 2018, BV Sản Nhi Nghệ An thực hiện thành công 49 ca phẫu thuật tim hở và 129 ca can thiệp tim mạch cho bệnh nhi, làm chủ gần như hoàn toàn phẫu thuật và can thiệp tim.
Nhân rộng mô hình BV vệ tinh
Trong những năm qua, hoạt động BV vệ tinh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, cấp ủy chính quyền địa phương. Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, TS Dương Đình Chỉnh cho biết: Việc triển khai BV vệ tinh là cơ hội để ngành y tế Nghệ An thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận các kỹ thuật cao, chuyên sâu; được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải ở tuyến trên, giảm chi phí cho chính người bệnh,… Một trong những dấu mốc quan trọng của ngành y tế hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là cuối năm 2017, đầu năm 2018, có thêm năm đơn vị “cấp 2” trở thành BV vệ tinh của BV Bạch Mai và BV E (Hà Nội). Đó là, BV Đa khoa Cửa Đông, Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An); BV đa khoa huyện Hương Sơn, huyện Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Đặc biệt, năm đơn vị nêu trên là những cơ sở y tế cấp huyện đầu tiên và BV Đa khoa Cửa Đông là một trong hai BV thuộc khối ngoài công lập trong cả nước trở thành BV vệ tinh. Bước tiến này là cơ hội để các y, bác sĩ, KTV được đào tạo liên tục, nâng cao về trình độ, chuyên môn và chất lượng khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, thực tế triển khai BV vệ tinh còn một số vấn đề đặt ra. Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Tĩnh) Trần Đại Chiến cho rằng, bên cạnh số lượng những BV trên địa bàn được tiếp nhận là đơn vị vệ tinh của các BV hạt nhân tuyến T.Ư còn ít thì nguồn lực bảo đảm cho việc triển khai hiện gặp nhiều khó khăn. Bất cập nhất là đội ngũ bác sĩ, cơ sở vật chất, kinh phí còn thiếu thốn. Hiện nay, các BV tuyến huyện phần lớn thiếu bác sĩ ở những khoa, phòng, nhất là các khoa chuyên sâu. Để cử cán bộ đi học tập, chuyển giao kỹ thuật, đơn vị phải bố trí cán bộ trực liên tục, làm thêm giờ để bảo đảm hoạt động. Bên cạnh đó, do cơ sở vật chất phục vụ cho BV vệ tinh ở một số địa phương còn thiếu và nghèo nàn nên chưa thể tiếp nhận và triển khai một số phương pháp, kỹ thuật điều trị chuyên sâu. Việc tiếp thu và lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu của một số ngành, lĩnh vực đòi hỏi cần có thời gian, công sức và bảo đảm tốt giữa lý thuyết và thực hành. Trong khi đó, sau khi công bố quyết định công nhận BV vệ tinh cho ba BV tuyến huyện ở Hà Tĩnh, đến nay, Đề án “Bệnh viện vệ tinh” ở các cơ sở y tế này vẫn chưa được thông qua, ảnh hưởng tiến độ, hiệu quả của đề án trong giai đoạn năm 2013 - 2020 tại địa phương.
Theo TS Dương Đình Chỉnh, thời gian tới, ngành y tế sẽ tham mưu xây dựng Đề án “Bệnh viện vệ tinh” trên địa bàn tỉnh Nghệ An để trình UBND tỉnh phê duyệt. Trước mắt, Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo các BV tuyến tỉnh chịu trách nhiệm hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật theo chuyên ngành cho các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, căn cứ điều kiện thực tế tại đơn vị để xây dựng kế hoạch tiếp nhận, chuyển giao những kỹ thuật cao từ các BV tuyến tỉnh. Ngành Y tế cần tiếp tục duy trì Đề án “Bệnh viện vệ tinh”, đưa các BV tuyến tỉnh tham gia vào hệ thống BV vệ tinh. Tăng cường, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đề án, hỗ trợ kinh phí, nâng cao năng lực tuyến dưới thông qua việc tăng cường hoạt động chỉ đạo tuyến nhằm hướng dẫn hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật. Chuyển giao những gói kỹ thuật cao, chuyên sâu bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành là cơ hội “vàng” để các cơ sở y tế phát triển đột phá trong khám, chữa bệnh chất lượng cao. Vì vậy, không dừng lại ở con số năm, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình BV vệ tinh để sớm trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ.