Gác hết việc nhà, giao lại nhiệm vụ sắm Tết cho chồng, chị Trần Thị Dung, cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai tăng cường, phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương thổ lộ: "Tết năm nay thật đặc biệt và tôi sẽ không bao giờ quên".
Có dịp trò chuyện cùng người phụ nữ nhỏ bé trong bộ đồ bảo hộ màu trắng, khuôn mặt in những vết hằn vì đeo khẩu trang trong thời gian dài. Chúng tôi phần nào hiểu thêm về câu chuyện của chị khi phải gác lại những nỗi niềm riêng, đón Tết nơi tuyến đầu chống dịch.
Nhớ lại ngày nhận được quyết định cấp tốc chi viện Hải Dương, chị Dung bồi hồi: "Sáng sớm 28/1, trong lúc chồng tôi đi trực Đại hội Đảng, chỉ có hai mẹ con ở nhà, nhận được tin công tác, tôi vội vã gọi con dậy vệ sinh cá nhân rồi đưa cháu đi học".
Sau khi xuống Hải Dương, chị Dung và đoàn công tác nhanh chóng tiến vào điểm nóng Chí Linh để khảo sát tình hình. Vì là bệnh viện hạng 2 nên công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở đây vô cùng thiếu thốn, lúc này chị Dung và đoàn công tác nhận được chỉ đạo ở lại Hải Dương để rà soát, tư vấn hỗ trợ cho 2 bệnh viện dã chiến.
"Tôi hoang mang vô cùng không biết là phải gửi con ở đâu, chồng tôi lại không thể ra khỏi đơn vị, tôi cũng không mang bất kỳ đồ đạc gì theo… hàng trăm câu hỏi hiện ra trong đầu tôi lúc bấy giờ. Cuối cùng, ông bà ngoại cách nhà tôi khoảng 30km ra đón cháu về chăm sóc, khi đấy tôi mới yên tâm phần nào".
Tối muộn 28/1, chị Dung được tạo điều kiện quay về Hà Nội sắp xếp chút đồ dùng cá nhân để chuẩn bị bước vào cuộc "trường kỳ" chưa biết ngày về. Với chị, đó là một buổi tối thật nhiều cảm xúc, vì để giữ an toàn cho người nhà, chị không thể gặp ai để chào tạm biệt, một mình lầm lũi dọn đồ trong nỗi nhớ con da diết.
Chị Dung nghẹn ngào: "Chồng tôi xác định phải một thời gian rất lâu nữa mới được gặp vợ, muốn tranh thủ về nhà cùng tôi chuẩn bị đồ nhưng điều kiện không cho phép. Sáng sớm hôm sau hai vợ chồng chỉ có thể đứng từ xa nhìn nhau tạm biệt mà chưa biết ngày gặp lại".
Trên đường về lại Hải Dương, trong lòng chị nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn, bởi lẽ chủng virus lần này là biến thể mới chủng Anh, khả năng lây lan nhanh và….chị sẽ phải ở lại Hải Dương rất lâu.
"Lúc đấy trong đầu tôi thoáng nghĩ qua có khả năng năm nay sẽ không được đón Tết ở nhà, vậy thì ai là người giúp ông bà hai bên sửa soạn sắm Tết? Công việc bận rộn đã khiến tôi quên cả việc cúng rằm tháng Chạp, tự nhủ đến ngày ông Táo sẽ có một mâm cỗ đủ đầy dâng lên gia tiên, nhưng với tình hình hiện tại chồng chị trực tại đơn vị chắc ban thờ cũng không có ai lo lắng" – chị Dung bồi hồi.
26 Tết, khi cả đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai họp báo cáo tình hình để phân bổ lại lực lượng hỗ trợ cho các điểm nóng khác, trong lòng chị Dung vô cùng phân vân, không biết nên ở hay xin về.
Nhớ lại giây phút quyết định, chị Dung kể: "Tôi cảm thấy không yên tâm khi về Hà Nội trực chiến bởi lẽ ở đây nhân lực mỏng, hầu hết từ các viện khác sang hỗ trợ, nếu không trực tiếp giám sát, tôi không thể chắc chắn rằng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn liệu có hiệu quả hay không. Hơn nữa, trong viện còn có quá nhiều khu vực điều trị bao gồm cả hồi sức và cấp cứu trong khi nhân lực giám sát chỉ có 2 người chạy đi chạy lại không xuể."
Chị Dung quyết tâm ở lại "trường kỳ kháng chiến" cùng Bệnh viện dã chiến 2, xem Bệnh viện làm được những gì và cần giúp những gì. Ít nhất cho tới khi không có bệnh nhân nào phải chuyển lên khoa hồi sức tích cực thì mới có thể phần nào yên tâm.
Tâm sự về chút nỗi niềm riêng ở hậu phương, chị Dung kể: "Từ ngày gửi cháu về ông bà, ngày nào mẹ con cũng trò chuyện qua video. Cháu cứ luôn miệng hỏi: Mẹ đang ở đâu đấy, tối mẹ về ngủ với con. Con kéo tay mẹ ngủ với con, mẹ kể chuyện cho con nghe đi…Thi thoảng đang gọi, con gái lại khóc nhớ mẹ, thế rồi mẹ khóc, con khóc, không thể kìm nén được cảm xúc".
Những câu hỏi vô tư của cô con gái bé bỏng khiến chị càng thêm nhớ con da diết và chỉ có thể đè nén lại cảm xúc động viên: "Mẹ đi Hải Dương bắt con virus, khi nào mẹ bắt được mẹ về với con".
Chia sẻ thêm về cô con gái vừa rồi đón sinh nhật 4 tuổi với ông bà ngoại mà không có cả bố lẫn mẹ ở bên. Chị chỉ kịp gọi về dặn dò ông bà chuẩn bị quà bánh, đồ chơi cho cháu, nhìn thấy khuôn mặt rạng rỡ của con khi nhận được quà qua màn hình điện thoại, chị như được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành công việc.
Tâm sự thêm về cô con gái nhỏ, chị kể: "Mọi việc sinh hoạt, ăn uống của con hàng ngày đều do tôi đảm nhận, lần này đi công tác xa đành phải nhờ đến bà ngoại. Hôm đầu tiên ngủ với bà, bé trằn trọc không ngủ được, liên tục quấy khóc hỏi mẹ đâu."
Bữa cơm nơi tuyến đầu mặc dù được lãnh đạo bệnh viện quan tâm, có đủ hương vị ngày Tết, nhưng chị Dung ăn chưa bao giờ thấy ngon miệng vì nhớ chồng, nhớ con. Từ ngày chị đi công tác, chồng ở nhà chỉ ăn cơm hộp, có nấu cơm thì cũng chỉ là món mỳ tôm, mỗi lần gọi điện về cho chồng chị đều rất buồn.
Mọi năm, cứ đến những ngày sát Tết, chị đều lo toan việc nhà, từ quét dọn, sắm sửa đồ đạc, bày biện bàn thờ… Năm nay chị đi công tác xa, không biết ở nhà chồng có làm được không, ngày nào chị cũng gọi điện về nhà để hỏi thăm anh, hỏi thăm tình hình chuẩn bị Tết ở nhà.
Mọi người ở nhà hay hỏi khi nào thì về, mỗi lần như vậy chị chỉ biết cố gắng kìm nén cảm xúc trả lời "Em sẽ về sớm nhất có thể", bởi sâu trong thâm tâm chị cũng không biết bao mình mới có thể về nhà, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, chị chẳng dám nói trước điều gì.
Ngày hôm nay chị rất vui vì nghe tin đã có 30 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, ít nhất cũng đã đạt được 1/5 số bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện. Chị tin rằng chỉ trong khoảng thời gian ngắn nữa thôi chúng ta sẽ chiến thắng đợt dịch lần này, chị không dám nói chắc chắn điều gì nhưng niềm tin vào giây phút đoàn tụ đang đến gần vẫn luôn là sức mạnh giúp chị vượt qua những khó khăn trong những ngày chiến đấu tại tâm dịch.
Chia sẻ về những người đồng nghiệp, những y bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai, chị bảo, nhiều khi thấy chị buồn, mọi người đều động viên an ủi để chị bớt cảm thấy cô đơn, trong công việc vì là con gái cho nên chị cũng thường xuyên được các anh em giúp đỡ. Đó thưc sự là một điều may mắn đối với bản thân chị trong khoảng thời gian này.
Trong thời khắc Tết Nguyên đán đang đến gần, chị Dung và những y bác sĩ công tác tại tâm dịch Hải Dương vẫn chăm chỉ cống hiến chút sức lực nhỏ bé với hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi và cả gia đình lại được đoàn tụ, đón một cái Tết "bù" ấm áp.
Nguồn: https://giadinh.net.vn