Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Thực phẩm bẩn và hiểm họa đối với sức khỏe

Thực phẩm không an toàn vừa đe dọa trực tiếp nguồn cung cấp năng lượng, dinh dưỡng nuôi cơ thể, vừa tác động chất lượng giống nòi. Các chất có hại trong thực phẩm bẩn không chỉ gây ngộ độc cấp tính khi ăn nhiều mà còn có thể gây ngộ độc mạn tính. Khi sử dụng nhiều lần hoặc kéo dài, những chất độc hại đó sẽ tích tụ lâu năm trong cơ thể, dẫn tới các tổn thương hoặc bệnh ở các cơ quan khác nhau hoặc ung thư.

Đây là nhận định các bác sĩ cùng đưa ra trước thực trạng thực phẩm bẩn xuất hiện tràn lan trên thị trường, len lỏi vào mâm cơm của từng gia đình cũng như bữa ăn của các trường học và khu công nghiệp.

Ngộ độc do thực phẩm bẩn

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, từ ngày 17-12-2015 đến ngày 17-9-2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 100 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm hơn 3.000 người bị ngộ độc, trong đó chín trường hợp tử vong. Đầu năm 2016, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện hàng trăm kg rau, củ, quả và thịt không rõ nguồn gốc đang được chuyển tới bảy trường mầm non và tiểu học tại quận Tây Hồ. Mới đây, trong tháng 12-2016, hơn 120 công nhân của Công ty TNHH Yakin Sài Gòn (Khu Công nghiệp Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đã nhập viện trong tình trạng buồn nôn, ói, chóng mặt, ngất xỉu, nghi do ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ca tối. Ngoài ra, gần 130 người dân tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng bị ngộ độc do ăn phải bánh mì nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

BS thăm khám cho BN bị ngộ độc thực phẩm

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhìn nhận, trong phần lớn các vụ ngộ độc tập thể gần đây, có nguyên nhân được phát hiện là do vi sinh vật. Đây là nhóm nguyên nhân dễ thấy nhất do các biểu hiện cổ điển, tương đối dễ xác định. Vi khuẩn sinh sôi trong thực phẩm bẩn hoặc trong quá trình chế biến, bảo quản không bảo đảm vệ sinh. Với các biểu hiện như đi ngoài, ói, sốt, đau bụng,...người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, khiến sức lao động bị suy giảm. Thông thường, hầu hết các trường hợp bị ngộ độc cấp tính sẽ nhanh hồi phục sau ít ngày điều trị. Tuy nhiên, trường hợp bị nhiễm khuẩn rất nặng có thể tử vong.

“Các nguyên nhân ngộ độc xuất phát từ hóa chất lại phức tạp hơn rất nhiều vì có quá nhiều loại hóa chất, thường xuyên có thêm hóa chất mới, biểu hiện ngộ độc của mỗi hóa chất khác nhau, có thể rầm rộ và rõ ràng nhưng có thể kín đáo, năng lực xét nghiệm xác định chất độc không theo kịp,…nên chẩn đoán rất khó khăn”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Một phần ba các loại ung thư ở người là do vấn đề dinh dưỡng

Mối nguy hại của thực phẩm bẩn không chỉ dừng lại ở các ca ngộ độc, hay nói cách khác, ngộ độc chỉ là bề nổi của tảng băng chìm muôn hình vạn trạng. Các chuyên gia y tế có thể kiểm nghiệm mức độ độc hại cụ thể của một điếu thuốc đối với cơ thể người, nhưng đối với thực phẩm bẩn thì hết sức khó khăn vì các chất độc hại trong thực phẩm bẩn xâm nhập cơ thể người dưới nhiều góc độ, từng ngày từng giờ, mọi nơi mọi chỗ.

Cho rằng vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng trở nên "nóng" hơn, GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng, tại nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, đã dẫn số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, trong năm năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 0,5 tỷ USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật. Hằng năm, chúng ta nhập tới 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 4.100 loại khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học. Nhiều loại chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitor, Kelthane,... dẫn tới hậu quả là nhiều nông sản bị ô nhiễm.

Trước thực trạng này, GS, TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết: “Hiện nay, ở Việt Nam vẫn còn tình trạng sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật mà thế giới đã cấm. Những thuốc đó rất độc hại, là tác nhân gây nhiều căn bệnh, trong đó có ung thư. Mặt khác, những thuốc kích thích tăng trưởng cũng có thể gây bệnh ác tính vì loại thuốc này khiến rau thu hoạch được ngay, rõ ràng đây là điều bất thường trong tiến trình phát triển tự nhiên của thực vật. Khi con người đưa vào cơ thể sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi bị kích thích tăng trưởng, tăng trọng quá nhanh, đột biến gien có thể xảy ra, kéo theo nhiều bệnh, dĩ nhiên có cả ung thư. Đó là chưa kể đến khâu chế biến, bảo quản không phù hợp, để thực phẩm bị ôi thiu, bị cháy cũng làm tăng tỷ lệ mắc căn bệnh hiểm nghèo”.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành ung thư, tại Việt Nam, mỗi năm có thêm khoảng 126 nghìn ca mới mắc, mỗi ngày có hơn 200 người tử vong do căn bệnh quái ác này. Đáng chú ý, theo GS, TS Nguyễn Bá Đức, các nghiên cứu về dịch tễ học và thực nghiệm cho thấy, có tới 35% các loại ung thư ở người là do dinh dưỡng không bảo đảm và không hợp lý gây ra. Thực phẩm bẩn có thể gây nhiều loại ung thư, nhưng có lẽ nhiều nhất là ung thư bộ phận trực tiếp hấp thu thực phẩm, đầu tiên là hệ tiêu hóa. Chất độc trong thực phẩm bẩn không chỉ dừng lại ở đường tiêu hóa mà còn thấm vào máu và có khả năng đi khắp cơ thể, cho nên bất cứ bộ phận nào cũng có thể mắc ung thư.

Có cùng quan điểm này, bác sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng Khoa Điều trị A, Bệnh viện K khẳng định, thực phẩm không an toàn có thể chứa nhiều chất sinh ung thư khác nhau. Một chất sinh ung thư có thể gây nhiều ung thư và tương tự một loại ung thư có thể do nhiều chất sinh ung thư khác nhau gây nên. Không phải tất cả các trường hợp sử dụng thực phẩm không an toàn đều bị ung thư, mà còn phụ thuộc vào liều lượng độc chất cũng như thời gian, cơ quan, tuổi phơi nhiễm và hệ gen của từng người. Thí dụ, Arsen là một chất tự nhiên có hai dạng hữu cơ và vô cơ; các dạng vô cơ độc hại hơn dạng hữu cơ. Sử dụng nguồn nước hoặc ăn cây trái, rau quả tại vùng đất có hàm lượng Arsen cao hoặc thực vật nhiễm Arsen từ dư lượng thuốc trừ sâu, nếu phơi nhiễm với hàm lượng lớn và kéo dài, sẽ làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, da, phổi, đường tiêu hóa, gan, thận và hệ tạo huyết.

Điều thật sự đáng lo ngại là thực phẩm không an toàn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp năng lượng, dinh dưỡng nuôi cơ thể mà còn tác động đến chất lượng giống nòi. Bởi vì, dân tộc khỏe mạnh phải xuất phát từ những con người khỏe mạnh và nòi giống khỏe mạnh phải xuất phát từ thế hệ bố mẹ khỏe mạnh.

Phòng ngừa ung thư bằng chế độ ăn uống

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1/3 loại ung thư có thể dự phòng được, trong đó vấn đề dinh dưỡng an toàn, hợp lý, môi trường sống trong lành đóng vai trò then chốt. Kiểm soát, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các vấn đề về dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả, thuốc kích thích tăng trọng trong chăn nuôi, các hóa chất, phụ gia sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm… sẽ góp phần dự phòng và giảm tỷ lệ mắc ung thư cũng như nhiều bệnh lý khác. Song, đây là vấn đề hoàn toàn không dễ dàng trong bối cảnh công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta đang còn hết sức khó khăn và gặp nhiều thách thức.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh nạn thực phẩm không an toàn gây nhức nhối toàn xã hội, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên lưu ý lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín; giảm tối đa dùng thực phẩm không an toàn, có sử dụng các chất độc hại sinh ung thư trong quá trình sản xuất, bảo quản và chế biến. Ngoài loại bỏ những thực phẩm có chất sinh ung thư, cần tăng cường sử dụng thực phẩm có các yếu tố bảo vệ sức khỏe có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Mặt khác, người dân cần bảo đảm cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, duy trì cân nặng lý tưởng, tránh ăn quá nhiều chất béo hoặc uống nhiều rượu, đồ uống có gas. Đặc biệt, rau quả và một số thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như các loại rau xanh, trà xanh, đậu nành, tỏi, gừng, nghệ... được chứng minh trên thực nghiệm có chất kháng u.

Hoàng Hà/Báo Nhân dân

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image