Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Thờ ơ với nhiễm khuẩn bệnh viện

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng nhiễm khuẩn tại các bệnh viện ở nước ta hiện nay là khoảng 8%. Đây là tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Đối với các nước phát triển, tỉ lệ này dưới 5%. Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể dẫn đến các hậu quả tồi tệ như: làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, tăng số ngày điều trị, tăng chi phí chữa bệnh và tăng sự kháng thuốc...

Thờ ơ với nhiễm khuẩn bệnh viện

Nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn do người bệnh mắc phải trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện mà vào thời điểm nhập viện không phát hiện thấy có yếu tố nhiễm khuẩn hay ủ bệnh nào có liên quan; chúng thường xuất hiện sau 48 đến 72 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện và trong vòng 10 ngày sau khi bệnh nhân xuất viện. 

Một nghiên cứu của Bộ Y tế được thực hiện trên 9.345 người bệnh của 10 bệnh viện trong thời gian mới đây cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8%, trong đó viêm phổi đứng đầu, chiếm 55,4%. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khảo sát trên khoảng gần 4.000 bệnh nhân tại các khoa Hồi sức tích cực của 15 bệnh viện trên cả nước cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 29,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn bệnh viện tuyến cơ sở. Nguy hiểm hiện nay là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị dao động trong khoảng 50% đến 75%.

Ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết nhiễm khuẩn thường xảy ra ở đường hô hấp, vết mổ, đường tiết niệu, đường tiêu hóa, đường máu và các loại nhiễm trùng khác, chủ yếu tập trung vào 3 loại là nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng tiết niệu. Thực tế, đã có không ít trường hợp tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện như người mổ đẻ bị nhiễm khuẩn bệnh viện nên bị hậu sản, phải cắt bỏ dạ con hoặc tử vong; nhiều người cũng bị nhiễm khuẩn bệnh viện nên thời gian điều trị kéo dài, chi phí chữa trị gia tăng, đặc biệt mức độ gây biến chứng và tử vong của nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn nhiễm khuẩn cộng đồng. 

Theo TS.BS Trương Anh Thư- Phó trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ sơ sinh là đối tượng nhiễm khuẩn cao nhất. Đặc biệt, khi mắc nhiễm khuẩn, trẻ sơ sinh nhất là trẻ sơ sinh thiếu tháng có tỷ lệ tử vong cao, chiếm 50% do hệ thống miễn dịch của các bé chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng. 

Vẫn theo BS Trương Anh Thư, vi khuẩn trước khi vào cơ thể gây nhiễm khuẩn sẽ nằm ngay chính trên cơ thể bệnh nhân chứ không phải trong không khí hay luồng gió. Vì vậy, việc phòng ngừa phải được thực hiện từ trước khi bước vào buồng bệnh chứ không phải khi làm thủ thuật mới vô khuẩn.

Ngoài ra, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn của nhân viên y tế đã tốt nhưng vẫn cần sự hợp tác từ phía người nhà vì chỉ cần một sơ suất nhỏ như không rửa tay thì lồng ấp, giường bệnh bị nhiễm khuẩn. Theo BS Thư, hiện nay tỷ lệ rửa tay của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 50% trong khi thế giới là 90%. Rất ít người có thói quen này và là một trong những lỗ hổng, cơ hội để vi khuẩn gây bệnh. Để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, việc đầu tiên phải giảm được lượng vi khuẩn định cư ngoài môi trường, từ đó giảm vi khuẩn định cư trên cơ thể người bệnh. 

Kiểm soát thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng nhiễm khuẩn bệnh viện không mới, được nói tới quá nhiều, nhưng vẫn là câu chuyện nóng của ngành y tế trong những ngày gần đây. Có hai luồng dẫn tới nhiễm khuẩn bệnh viện là nhiễm khuẩn từ bệnh viện tuyến dưới chuyển đến và nhiễm khuẩn tại chính bệnh viện đang điều trị. Tất cả các tuyến đều có nguy cơ như nhau. Nhưng, nơi nào quá tải bệnh nhân nặng, các bệnh nhân được xử lý can thiệp nhiều trước đó đều có nguy cơ nhiễm khuẩn. Ông cũng cho rằng, môi trường bệnh viện của chúng ta quá chật chội, quá tải.

Trên thế giới, một ca kháng kháng sinh phải cách ly phòng riêng nhưng Việt Nam vẫn 5-6 người/phòng. Các cơ sở y tế không muốn bị nhiễm khuẩn bệnh viện vì quá tải bệnh nhân, không thể không điều trị nên nguy cơ lây chéo giữa bệnh nhân có thể xảy ra.

Phân tích thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhận định: Thời tiết Việt Nam mưa ẩm, gió mùa, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển. Song nguyên nhân chủ yếu là hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh chưa hoàn thiện đầy đủ theo quy định. Cả nước còn tới 16,2% bệnh viện có số giường bệnh trên 150 giường chưa thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; 26,3% bệnh viện đã thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng chưa bổ nhiệm Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; 24,1% lãnh đạo khoa, tổ kiểm soát nhiễm khuẩn không phải đào tạo từ ngành y, hoặc có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ học. Hệ thống quản lý kiểm soát nhiễm khuẩn còn chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong việc triển khai, điều hành các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn. 

Nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu: Đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách. Hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện đều thiếu nhân lực so với quy định lại chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách do vậy chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục các loại nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp và giám sát các vi khuẩn đa kháng kháng sinh... 

Nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chi phí cho kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được chi đúng, chi đủ. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng vào công tác giám sát bao gồm giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. 

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, Tổ chức Y tế Thế giới đã quy định, một chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn hoàn chỉnh gồm 8 cấu phần.

Đó là kế hoạch hành động kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm việc xác định mục tiêu rõ ràng, sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo, hoàn thiện hệ thống tổ chức nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn và vi sinh; hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp áp dụng tại đơn vị; giáo dục và đào tạo; giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện; chiến lược đa phương thức; giám sát, đánh giá việc tuân thủ, đổi mới của tổ chức và cá nhân; xác định khối lượng công việc, nhân sự và số giường bệnh được sử dụng và thiết lập môi trường bệnh viện an toàn.     

Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở các nước phát triển khác nhau dao động trong khoảng 3,5% - 12%. Hiện tỷ lệ hiện nhiễm ở các nước châu Âu trung bình là 7,1%. Số liệu về nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia chậm và đang phát triển rất hạn chế, thường có chất lượng thấp và không có sẵn.

Tuy nhiên, phân tích gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy các ca nhiễm khuẩn bệnh viện thường xảy ra với tần xuất cao hơn do hạn chế nguồn lực so với các nước phát triển. 

Nguồn Daidoanket.vn

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image