Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ tuyến dưới trong điều trị sốt xuất huyết

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chỉ đạo Bệnh viện đầu ngành là BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cần thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ tuyến dưới điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH), phân tuyến điều trị để giảm tải ở BV tuyến Trung ương.

 

Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu năm 2017 đến nay đã điều trị nội trú 944 trường hợp mắc SXH, trong đó, số ca SXH thuộc các quận của thành phố Hà Nội là 798 ca (chiếm 85%).

85% bệnh nhân nhập viện điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đến từ các quận của Hà Nội. Ảnh: H.Hải
85% bệnh nhân nhập viện điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đến từ các quận của Hà Nội. Ảnh: H.Hải

Cụ thể, bệnh nhân từ quận Đống Đa là 218 ca (chiếm 27,9 %); Quận Hoàng Mai 207 ca (chiếm 26,3%) ; Quận Thanh Xuân 63 ca; Quận Bà Trưng 54 ca.

Theo đánh giá của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sau khi kiểm tra bệnh án cho thấy có nhiều ca bệnh thuộc tuyến điều trị tại bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố.

Vì thế, để tránh tình trạng quá tải SXH nội trú tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện tiếp tục củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng trong bệnh viện cho phù hợp, ngăn nắp, gọn gàng thuận tiện cho người bệnh khi đến khám, điều trị.

Xem xét, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh để sàng lọc, sắp xếp bệnh nhân điều trị ngoại trú, nội trú theo đúng phân tuyến điều trị bảo đảm tiếp nhận, điều trị người bệnh SXHD nặng kịp thời, giảm tử vong.

Tăng cường công tác tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải, cố gắng không để nằm ghép. Đối với người bệnh đã ổn định tư vấn, giải thích để người bệnh ra viện hoặc chuyển người bệnh về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc.

Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh SXHD. Sẵn sàng hỗ trợ tại chỗ cho tuyến dưới khi có yêu cầu, khi chuyển viện không an toàn.

Đặc biệt cần tăng cường công tác chỉ đạo tuyến về bệnh SXH đối với y tế các tỉnh theo khu vực đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công. Chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức và hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt là hỗ trợ trong chẩn đoán, điều trị các trường hợp SXH có diễn biến phức tạp, các trường hợp có biến chứng nặng trong khu vực được phân công.

Từ thực tế này, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, tổ chức phổ biến, tập huấn về hướng dẫn, điều trị SXH tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế quản lý.

Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bệnh viện trong hệ thống khám, chữa bệnh SXHD. Chỉ đạo các bệnh viện này bố trí khu vực dành cho điều trị SXHD, bảo đảm về nhân lực, trang thiết bị, thuốc dịch truyền theo dự báo tình hình dịch.

Chỉ đạo các Bệnh viện xem xét, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXH. Bố trí từng ca bệnh SXH nội trú tại khoa phù hợp với tình hình bệnh. Bảo đảm việc tiếp nhận, sàng lọc, phân loại, điều trị, chuyển tuyến đúng, kịp thời để giảm tai biến và giảm tử vong.

Đối với các trường hợp vượt khả năng của bệnh viện khi chuyển tuyến phải thông tin trước cho bệnh viện chuyển người bệnh đến để hội chẩn trước khi chuyển tuyến và ghi chép đầy đủ các thông tin về bệnh nhân theo quy định tại Giấy chuyển viện SXH bảo đảm việc chuyển tuyến an toàn.

Củng cố đường dây nóng để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết với bệnh viện tuyến trên.

Tăng cường công tác truyền thông để học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc các trường, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể và người dân trên địa bàn Hà Nội biết được bệnh viện nào thuộc Sở Y tế có nhiệm vụ khám, điều trị SXH.

Theo Dân trí

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image