Thứ 3 ngày 11/6/2019, Câu lạc bộ Người bệnh Sa sút trí tuệ lần 3/2019 đã diễn ra dưới sự chủ trì của TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng Phòng điều trị Tâm thần người già, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Buổi sinh hoạt đã thu hút trên 50 tham dự viên gồm những người quan tâm tới bệnh lý sa sút trí tuệ, bệnh nhân và người nhà.
Tuổi thọ của con người ngày một tăng cao, đi kèm với đó là các bệnh lý tuổi già. Tại Mỹ cứ 100 người trong độ tuổi từ 65-74 thì có 7 người được chẩn đoán mắc Alzheimer, con số này tăng lên 53/100 trong nhóm tuổi 75-84. Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, tuổi thọ trung bình của người dân hiện đang ở mức 73,6 tuổi và đang có xu hướng tăng thêm. Với mục đích cung cấp kiến thức để người bệnh và người nhà người bệnh được can thiệp sớm nhất ngay từ khi có những biểu hiện suy giảm trí nhớ rất nhẹ, ThS. Bùi Văn San đã thuyết trình về “Sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer: phát hiện sớm và những sự chuẩn bị cần thiết”. Khi người thân của bạn có những biểu hiện như suy giảm trí nhớ ngắn hạn (quên tên người hàng xóm nhưng vẫn nhận biết được họ là hàng xóm của mình), khó thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc, gặp vấn đề với ngôn ngữ hay suy giảm khả năng phán đoán, đặt nhầm vị trí của đồ đạc, gặp khó khăn trong theo dõi công việc hoặc cuộc trò chuyện …. là lúc bạn nên đưa họ tới thăm khám tại một trong các chuyên khoa như Tâm thần, Thần kinh, Lão khoa để được theo dõi điều trị sớm bệnh sa sút trí tuệ.
Cũng trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ Người bệnh Sa sút trí tuệ lần 3 này, ThS. Lê Thị Phương Thảo đã hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh Alzheimer tập trung vào cách sắp xếp không gian nơi ở phù hợp. Không gian sống cần được thiết kế đơn giản, an toàn, dễ sử dụng, yên tĩnh, quen thuộc, ánh sáng và nhiệt độ vừa phải, có màu sắc riêng biệt. Đối với từng không gian cụ thể như nhà bếp, chúng ta đề cao việc an toàn: các vật sắc nhọn cần được cất cao và khóa lại; đồ ăn cần được thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng để loại bỏ các thực phẩm quá hạn nhằm đảm bảo sức khỏe với người bệnh. Người nhà bệnh nhân Alzheimer cũng cần để một lượng thức ăn vừa đủ tại nơi dễ thấy để bệnh nhân có thể dễ dàng ăn khi đói. Yêu cầu đối với không gian phòng tắm lại là tránh ngã, phòng tắm nên có thảm nhựa chống trơn trượt, có tay vin để người già đứng lên ngồi xuống dễ dàng. Phòng ngủ cần đặc biệt chú ý tới ánh sáng, ánh sáng đều không tạo bóng sẽ giúp bệnh nhân giảm sợ hãi, ngủ ngon giấc. Phòng khách lại cần thiết kế cửa ra vào có màu giống tường hoặc treo các bức tranh để người bệnh khó nhận biết nhằm giảm nguy cơ ra khỏi nhà bỏ đi…
Buổi sinh hoạt câu lạc bộ Bệnh nhân sa sút trí tuệ lần 3 khép lại với trò chơi ghép tranh bằng sỏi cùng những tràng pháo tay cảm ơn của toàn thể bệnh nhân, người nhà người bệnh bởi những kiến thức được cung cấp kỳ này hết sức cụ thể và thiết thực.
Câu lạc bộ Bệnh nhân Sa sút trí tuệ lần 4/2019 sẽ sinh hoạt vào thứ ba ngày 23/7/2019, tham dự câu lạc bộ, hội viên sẽ được khám sàng lọc miễn phí bệnh sa sút trí tuệ đồng thời được các chuyên gia cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc. Để đăng ký tham dự xin liên hệ bác sĩ Phương Thảo: 097.153.6618 hoặc email: phuongthao2781990@gmail.com
Tin và ảnh: Minh Nhâm