Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

THOÁT VỊ BẸN: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Thoát vị bẹn (TVB) là một bệnh lý khá phổ biến. Thoát vị bẹn nghẹt biến chứng thường gặp hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi với tỷ lệ mắc ở những người trên 60 tuổi là 9,8%.

Trong 2 năm vừa qua, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu xử trí khá nhiều ca bị thoát vị bẹn nghẹt biến chứng. Nhằm cung cấp cho độc giả những kiến thức liên quan đến bệnh lý phổ biến này, chúng tôi có phỏng vấn TS.BS Trần Quế Sơn, Khoa Ngoại Tổng hợp về dấu hiệu nhận biết, tỷ lệ mắc và phương pháp điều trị bệnh lý thoát vị bẹn.

PV: Xin bác sĩ cho biết thế nào là bệnh thoát vị bẹn? Dấu hiệu để nhận biết bệnh gồm những gì, thưa bác sĩ?

TS.BS Trần Quế Sơn: Thoát vị bẹn là hiện tượng các tạng trong ổ bụng chui qua ống bẹn hay điểm yếu của thành bụng vùng bẹn trên dây chằng bẹn ra dưới da hay xuống bìu. Tỷ lệ xuất hiện thoát vị bẹn là 27–43% ở nam giới và 3–6% ở nữ giới. Trẻ nhỏ và người trên 50 tuổi là những nhóm tuổi mắc thoát vị bẹn cao nhất.

Các triệu chứng của thoát vị bẹn bao gồm:

  • Khối phồng ở một hoặc hai bên bẹn, tăng nhiều khi ho, hoặc đứng lên và biến mất khi nằm. Ở nam giới có thể thấy bìu bị sưng to, đau.
  • Cảm giác khó chịu hoặc đau, đặc biệt là khi mang vác vật nặng, tập thể dục. Triệu chứng đau có thể giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi.
  • Tạng thoát vị chui xuống ống bẹn có thể bị thắt nghẹt gây ra các triệu chứng của thoát vị bẹn nghẹt như khối phồng không thể đẩy lên được, sờ nắn rất đau. Nguyên nhân do các tạng trong ổ bụng như như ruột non, mạc nối bị thắt nghẹt, thiếu máu cục bộ và có thể dẫn đến hoại tử ruột. Thời gian của các biến chứng xảy ra không thể dự đoán được.


PV: Thưa bác sĩ, thoát vị bẹn có nguy hiểm không?

TS.BS Trần Quế Sơn: Biến chứng nguy hiểm và phổ biến nhất là thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột đặc biệt là ruột non có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đây là trường hợp các tạng (ruột và mạc treo của ruột) không di chuyển trở lại ổ bụng được, bị thắt nghẹt tại cổ bao thoát vị gây thiếu máu và hoại tử tạng thoát vị.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp còn gặp biến chứng thoát vị kẹt do tạng thoát vị chui vào túi thoát vị, dính với nhau mà không thể đẩy lên ổ bụng được. Thoát vị kẹt thường gây ra cảm giác vướng, đau và khó chịu cho người bệnh.

Tỷ lệ mắc thoát vị bẹn nghẹt thay đổi từ 0,29 đến 2,9%. Tỷ lệ tử vong cũng dao động từ 2,6 đến 9%, trì hoãn mổ sau 12 giờ làm tăng đáng kể tỷ lệ cắt ruột. Thoát vị nghẹt thường gặp hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi và tỷ lệ hiện mắc ở những người trên 60 tuổi đã được báo cáo là 9,8% so với 1,8% ở những bệnh nhân trẻ tuổi; tỷ lệ mắc bệnh và tử vong tăng lên ở độ tuổi trên 65 lần lượt là 55% và 15%.

PV: Như bác sĩ chia sẻ, biến chứng khi thoát vị bẹn nghẹt có thể dẫn đến tử vong. Vậy bác sĩ có thể cho biết nhóm người có nguy cơ mắc thoát vị bẹn là ai, thưa bác sĩ?

TS.BS Trần Quế Sơn: Những người có nguy cơ mắc thoát vị bẹn là: người cao tuổi có các cơ thành ổ bụng yếu, những người hay làm việc nặng nhọc, người táo bón kéo dài, bí đái hoặc đái khó do u phì đại tiền liệt tuyến do áp lực thường xuyên tại ổ bụng tăng cao....Ngoài ra, những người mắc các bệnh như nang thừng tinh, cổ chướng... có nguy cơ cao mắc thoát vị bẹn cao hơn những người bình thường.

PV: Bác sĩ có thể cho biết các phương pháp điều trị phẫu thuật thoát vị bẹn?

TS.BS Trần Quế Sơn: Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn là một trong những phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất trên toàn thế giới với hơn 20 triệu ca mỗi năm. Kể từ ca phẫu thuật phục hồi thành bụng do thoát vị bẹn đầu tiên được Bassini mô tả vào năm 1888, hơn 100 kỹ thuật khác nhau để sửa chữa thoát vị bẹn và đùi đã được báo cáo. Cho đến nay, nhiều phương pháp phẫu thuật mới và cải tiến đã được áp dụng để điều trị thoát vị bẹn nhưng vẫn có một tỉ lệ tái phát nhất định tuỳ theo độ tuổi cũng như phương pháp mổ.

Thoát vị bẹn tái phát là thoát vị xảy ra tại một thời điểm nào đó sau khi người bệnh được phẫu thuật thoát vị bẹn. Khối thoát vị xuất hiện ở gần hoặc tại vị trí của lần phẫu thuật trước. Theo một số nghiên cứu, tỉ lệ tái phát vào khoảng 3,8-5,5%, thậm chí tới 10% sau 12 năm theo dõi.

Trên thực tế, một số lượng lớn các yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng tái phát của thoát vị bẹn bao gồm yếu tố liên quan đến người bệnh, yếu tố liên quan đến kinh nghiệm của phẫu thuật viên và yếu tố liên quan đến đặc điểm kỹ thuật mổ.


 

Hình ảnh thoát vị bẹn nghẹt ruột hoại tử

PV: Là phẫu thuật viên đã có nhiều năm làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, xin bác sĩ cho người bệnh một lời khuyên: khi nào cần đến bệnh viện?

TS.BS Trần Quế Sơn: Nghiên cứu hồi cứu 39 trường hợp được mổ tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/2019 đến 12/2021. Kết quả cho thấy: nam/nữ = 37,4, tuổi trung bình 55,2 (dao động 27 – 85) tuổi; Thời gian được mổ < 6 tiếng, 6 – 24 tiếng và >  24 tiếng lần lượt là 92,3%, 5,1% và 2,6%. Tỷ lệ cắt đoạn ruột non là 2,8%. Biến chứng tụ máu bẹn bìu, nhiễm khuẩn vết mổ lần lượt là 5,1% và 7,7%. Kết quả tốt, khá và trung bình lần lượt là 82,1%, 10,2% và 7,7%. Thời gian nằm viện 5,2±1,7 (dao động, 2 – 9) ngày. Không có mối liên quan giữa tuổi, phân loại ASA, thời gian nhập viện đến khi mổ, vị trí thoát vị và thể thoát vị với tỉ lệ cắt đoạn ruột (p > 0,05). Như vậy, nếu người bệnh đến trong tình trạng thoát vị bẹn nghẹt thì mổ mở là phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn, kể cả trường hợp ruột nghẹt bị hoại tử.

Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo người bệnh thoát vị bẹn nên được đến bệnh viện khám và được tư vấn về các phương pháp mổ khi ở giai đoạn chưa có biến chứng với các kỹ thuật mổ nội soi như mổ nội soi đặt tấm lưới trước phúc mạc (TEP) hoặc đặt lưới trước phúc mạc đường vào qua ổ phúc mạc (TAPP).

Khi có những dấu hiệu lâm sàng của bệnh thoát vị bẹn, chúng ta cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Nếu đúng là mắc thoát vị bẹn thì việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều đặc biệt là phẫu thuật mổ nội soi ít xâm lấn được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Bạch Mai như mổ nội soi đặt tấm lưới trước phúc mạc (TEP hoặc TAPP) để tránh được biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Người bệnh có nhu cầu thăm khám có thể liên hệ:

TS.BS Trần Quế Sơn, Khoa Ngoại Tổng hợp - BV Bạch Mai

Tel: 0904.760.919 hoặc Hotline khoa Ngoại tổng hợp: 0869.587.719

Diệu Hiền thực hiện

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image