Thịt heo được bày bán ở Quảng Châu, Trung Quốc, nơi đang phát triển ổ siêu khuẩn
“Siêu khuẩn” (superbug) hung hãn này xuất phát từ Trung Quốc, quốc gia ngay sát nước ta.
Xa nhưng lại gần
Siêu khuẩn Đan Mạch đáng sợ vì người ta phát hiện trên nó gen kháng thuốc MCR1, một gen dễ dàng được vi khuẩn sao chép và “trao tặng” lẫn cho nhau trong thế giới vi khuẩn. Do vi khuẩn đề kháng với tất cả kháng sinh, nên bệnh nhân thương hàn xem như hết thuốc chữa. Lần đầu tiên châu Âu biết đến chuyện này.
Điều đáng nói là sau đó giới chức Đan Mạch phát hiện siêu khuẩn này đã xâm nhập vào nước họ từ các mẫu thịt gà nhập Trung Quốc qua ngả nước Đức. Người ta sợ rằng đây có thể là khởi đầu của một dịch bệnh toàn cầu về những căn bệnh nhiễm trùng bất trị.
Thông tin trên thật đáng lo vì giữa tháng 11/2015 trên tạp chí Lancet Infectious Diseases, chính các khoa học gia Trung Quốc thừa nhận họ đã phát hiện gen vi khuẩn kháng thuốc MCR1 trong thịt heo bày bán ở Quảng Châu, và những bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng tại hai bệnh viện của tỉnh Quảng Đông và Chiết Giang.
Những địa phương này không xa biên giới Việt Nam. Một cán bộ (giấu tên) của trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nhận định: “Nếu đi xa được nửa vòng trái đất, siêu khuẩn Trung Quốc hoàn toàn có thể đi gần hơn đó là xâm nhập vào nước ta, đặc biệt trong tình hình giao thương quá dễ dàng giữa hai nước như hiện nay”. Tuy nhiên, các cơ quan trách nhiệm nước ta từ ngành y tế cho đến nông nghiệp chưa thấy nói gì về chuyện này, chỉ thấy giới truyền thông lên tiếng.
GS.BS Trần Tịnh Hiền, giám đốc chuyên môn đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford (OUCRU) Việt Nam, cho biết siêu khuẩn là tên gọi chung để gọi các vi khuẩn hay virút có tính kháng thuốc cao như tụ cầu vàng kháng methicilline hay vancomycin, vi khuẩn đường ruột kháng carbapenem. Ông nói: “Vi khuẩn Klebsiella kháng carbapenem có gen NDM1 cũng gọi là siêu khuẩn, bây giờ thì đến vi khuẩn thương hàn kháng colistin có gen MCR1”.
Nhưng hiện tại colistin là kháng sinh mới nhất và mạnh mẽ sau cùng của con người. Khi nó không còn hiệu quả, phía sau là một khoảng trống mênh mông bởi nhân loại không còn “vũ khí huỷ diệt” nào trong tay, tình trạng mà tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là “thời kỳ hậu kháng sinh”, đồng nghĩa với việc con người có thể tử vong vì bất kỳ căn bệnh nhiễm trùng thông thường nào.
Tự phòng vệ là chính
Câu chuyện siêu khuẩn xuất hiện ngay thời điểm lần đầu tiên từ trước đến nay WHO tổ chức Tuần lễ nhận thức kháng sinh nhằm nâng cao nhận thức của con người về việc sử dụng đúng kháng sinh. Ở nước ta, sự kiện được tổ chức rầm rộ, nhưng cơ quan chức năng chưa nói gì đến… siêu khuẩn.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến kháng kháng sinh được cho là tình trạng “cuồng kháng sinh”. TS.BS Lê Thanh Toàn, giảng viên trung tâm Đào tạo bác sĩ gia đình – đại học Y dược TPHCM, cho biết khi kê đơn thuốc nếu bác sĩ không kê kháng sinh, nhiều bệnh nhân tỏ ra không tin bác sĩ cho dù thực tế bệnh của họ không cần dùng loại thuốc này.
Không chỉ Việt Nam, một đất nước rất phát triển như Anh quốc cũng có tình trạng này. Một khảo sát vừa công bố trong tháng cho thấy ở Anh nếu bác sĩ kê toa kháng sinh ít hơn 25%, bệnh nhân sẽ không mấy hài lòng bác sĩ. Trước thực tế này, không ít bác sĩ đã kê kháng sinh như một cách lấy lòng bệnh nhân, lâu dài dẫn đến nguy cơ lờn thuốc.
Ở nước ta, một khảo sát của bộ môn dược lâm sàng – đại học Dược Hà Nội, cho thấy có đến 50% hồ sơ bệnh án sử dụng kháng sinh. TS Nguyễn Thị Liên Hương, trưởng bộ môn trên nói: “Trong nhiều bệnh án chúng tôi không tìm thấy lý do nào để bác sĩ kê kháng sinh. Nhiều khi bệnh nhân mới ho, sốt, chưa thấy dấu hiệu nhiễm khuẩn nào bác sĩ cũng cho kháng sinh”.
Ngoài lạm dụng trong trị bệnh cho người, kháng sinh còn bị lạm dụng trong chăn nuôi, điều được thế giới đặc biệt lo âu. Nghiên cứu công bố tại Trung Quốc về sự xuất hiện gen kháng thuốc MCR1 cho thấy một số mẫu gia súc và thịt sống bày bán ở 27 siêu thị của thành phố Quảng Châu có nhiễm vi khuẩn E. coli và Klebsiella pneumoniae. Điều này được lý giải Trung Quốc là một trong những nước sản xuất kháng sinh colistin lớn nhất thế giới và lạm dụng thuốc này trong nông nghiệp và thú y.
GS.BS Trần Tịnh Hiền nói: “Càng sử dụng kháng sinh bừa bãi trên người và súc vật thì hậu quả cho con người ngày càng xấu. Cứ vài năm hay vài tháng người ta sẽ phát hiện được một siêu khuẩn mới”. Làm thế nào để đối phó với tình trạng này, đặc biệt khi ngành chức năng chưa nhận ra nguy cơ nào từ đây? GS.BS Trần Tịnh Hiền nói thêm: “Khó kêu gọi người dân không lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, vì ngay cả các bác sĩ là người có hiểu biết còn chưa làm được chuyện này trong trị bệnh”.