Hiện nay, nhiều bà mẹ có con 9-10 tuổi đã dậy thì đang rỉ tai nhau về thuốc “trì hoãn lớn” giúp trẻ “quay về tuổi thơ”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, thuốc nội tiết rất nguy hiểm đối với sự phát triển của trẻ, không phải cứ muốn là dùng.
Sốc vì con 9 tuổi đã thành “phụ nữ”
Chị Nguyễn Hoàng Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đang lo đứng lo ngồi vì con gái mới học lớp 4 đã có kinh nguyệt. Chị cho biết, khoảng hơn 1 năm trước, chị đã nhận ra con gái lớn nhanh nhưng cứ nghĩ quá trình đó cũng phải mất 2-3 năm. Nào ngờ, cuối năm 2016, khi con chị vừa khai giảng lớp 4 thì đã có kinh nguyệt. “Cháu cao ngang mẹ nhưng vẫn còn ngây ngô, dại dột. Coi như đã thành “thiếu nữ” nhưng mọi việc thay giặt, vệ sinh mẹ đều phải làm hộ hoặc thúc giục thì con mới để ý. Cháu thấy mình “chảy máu” thì cũng rất xấu hổ, ngại ngần với bạn. Khi đến lớp cứ co ro, không hòa đồng. Trưởng thành sớm khiến cháu mất cả tuổi thơ” – chị Hoàng Anh chia sẻ.
Trẻ cần sớm được giáo dục giới tính để tự chăm sóc và bảo vệ bản thân.
Chị Hoàng Anh cho biết, khi đi họp phụ huynh, nhiều bà mẹ cũng to nhỏ vì việc con dậy thì quá sớm. Nhất là những bà mẹ có con vẫn còn lùn dưới 1m55. Các chị đều sợ con dậy thì sớm thì sẽ lùn nên rỉ tai cho biết, hiện đang có thuốc tiêm để ức chế dậy sớm. Chỉ cần mỗi tháng tiêm cho con 1 liều là có thể khiến con ngừng kinh nguyệt. Đợi đến 2-3 năm nữa sẽ ngừng thuốc thì con sẽ lại phát triển bình thường. Trong khoảng thời gian đó, con sẽ cao thêm. “Tôi cũng đang dự định đưa con đi tiêm. Không chỉ muốn con cao thêm mà tôi cũng muốn con có thêm thời gian sống hồn nhiên, thoải mái. Chứ bây giờ cháu còn dại dột, khờ dại lắm, không biết chăm sóc bản thân mình” – chị Hoàng Anh nói tâm sự.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – chuyên gia nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, con gái chị H.A nếu 10 tuổi, cao đến 1m57 thì đứa trẻ phát triển hoàn toàn bình thường, không phải là dậy thì sớm bệnh lý để cần điều trị.
“Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng dùng thuốc ức chế dậy thì sẽ giúp trẻ tăng chiều cao mà có thể còn gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ. Do đó, các bà mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua và tiêm cho con. ” – PGS Dũng cho biết.
8-9 tuổi dậy thì là bình thường
Theo PGS Dũng, đối với cha mẹ, con mới 8-9 tuổi hoàn toàn chỉ là đứa trẻ ngây thơ nên rất “khó chấp nhận” việc các con đã phát triển thành thiếu niên, thiếu nữ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, độ tuổi dậy thì bình thường của trẻ là từ 8 tuổi trở lên đối với nữ và sau 10 tuổi đối với nam. Vì vậy, các phụ huynh chỉ nên lo lắng khi con dậy thì sớm hơn trước tuổi này. Đồng thời, muốn xem con có dậy thì sớm hay không cần phải đưa con đi khám chuyên khoa ở các bệnh viện. Các bác sĩ sẽ tiến hành nhiều chẩn đoán phức tạp như định lượng hoóc - môn, chụp X.quang xương, thậm chí chụp CT não để xem trẻ có bị u não kích thích tuyến yên phát triển hay không. Nếu là u não thì phải phẫu thuật cắt bỏ khối u để cứu tính mạng của trẻ. Còn nếu trẻ thực sự dậy thì sớm thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc ức chế hoóc - môn.
Còn bác sĩ Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, phần lớn các trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn chứ không phải là dậy thì sớm do bệnh lý. Do đó không cần phải điều trị. Tuổi dậy thì bình thường của trẻ em gái là từ 8 tuổi, trẻ em trai là trên 9-10 tuổi. Còn đối với trẻ dậy thì sớm hơn có thể do một số bệnh lý có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra dậy thì sớm như nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp. Ở một số bé gái có thể là do gia tăng lượng estrogen đưa vào cơ thể từ bên ngoài qua thức ăn, đồ nhựa…
Theo bác sĩ Thủy, dậy thì sớm sẽ khiến các khớp xương của trẻ bị “khóa” sớm, do đó trẻ sẽ không cao lên được nữa. Ngoài ra, dậy thì sớm cũng khiến trẻ chưa kịp trưởng thành về mặt tâm lý để đón nhận sự thay đổi của cơ thể. Tuy nhiên, cha mẹ không vì thế mà tự ý dùng thuốc bắt trẻ “ngừng lớn”. /.
Theo Dân Việt