Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Thuốc lá điện tử: Cai nghiện chưa thấy, độc hại vẫn còn

Thuốc lá điện tử từng được kỳ vọng sẽ giúp cai được thuốc lá truyền thống và giảm các tác hại, nhưng thực tế lại đang gây nghiện cho giới trẻ. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, hút thuốc lá điện tử vẫn có nguy cơ gây ung thư và không giúp cai nghiện thuốc lá dạng điếu mà nhiều người nhầm tưởng.

Là một trong những người hút thuốc lá điếu suốt 10 năm qua, mới đây anh Nguyễn Văn Thành (37 tuổi, Hà Nội) đã chuyển qua hút thuốc lá điện tử vì nghĩ sẽ ít độc hại hơn. Theo lời anh Thành: “Lúc đầu mới được giới thiệu tôi cũng không dám hút, nhưng thấy đám bạn dùng và nói có thể cai dần được thuốc lá điếu nên tôi cũng thử.

Thử một vài lần lại thấy hay hơn thuốc lá điếu, thơm mùi shisa, mùi hoa quả rất dễ chịu nên hút dần thành quen. Bây giờ không hút lại thấy thiếu và một ngày không hút không chịu được”. Anh Thành cho biết, đầu tư mỗi bộ hút thuốc lá điện tử có giá 2- 5 triệu đồng, tùy loại. Những điếu thuốc này hoạt động bằng cách đun nóng một loại chất lỏng đặc biệt mang hương thơm của các loại hoa quả thành hơi để có thể hít vào, giống như thuốc lá thông thường.

3018 1. Ynh hut thuYc la YiYn tY Ynh minh hYa

Thuốc lá điện tử vẫn có nguy cơ gây ung thư (Ảnh minh họa).
Và cũng theo lời anh Thành, việc hút thuốc lá điện tử khá tốn kém, ngoài việc đầu tư bộ hút thuốc, thì còn phải mua thêm tinh dầu. Trong đó, tinh dầu để hút thuốc lá điện tử chia thành nhiều nhóm như: The, thuốc lá và trái cây. Giá tầm 300 nghìn đồng/chai 30ml. Ngoài ra, tùy nhu cầu của từng người, nhiều cửa hàng còn có loại tinh dầu đặc biệt tự pha (giá 200- 500 nghìn đồng/chai 50ml).

Không chỉ anh Thành mà nhiều người nghĩ rằng thuốc lá điện tử không đốt cháy sợi thuốc lá, nên không nặng mùi lại ít độc hại, bởi vậy nhiều người chuyển từ thuốc lá điếu truyền thống sang thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Theo PGS.TS.BS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, nghiện thuốc lá được cấu thành bởi 3 yếu tố: Nghiện thực thể, nghiện thói quen, hành vi và nghiện tâm lý. Việc sử dụng thuốc lá điện tử không giải quyết được vấn đề nghiện thành thói quen hành vi và nghiện tâm lý.

Đồng thời, trong tinh dầu của thuốc lá điện tử vẫn có lượng nicotine (chất gây nghiện) nhất định. Bởi vậy, khi sử dụng thuốc lá điện tử nếu không có sự kiểm soát, sẽ không cai được thuốc lá, vẫn phụ thuộc vào nicontine. Và dần dần khi nồng độ nicotine trong thuốc lá điện tử không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của cơ thể thì người hút sẽ quay trở lại với thói quen hút thuốc lá đốt thông thường.

Theo lý giải của bác sĩ Phương, hiện nay rất ít người biết đến thành phần có trong tinh dầu thuốc lá điện tử do có rất nhiều chủng loại, xuất xứ cũng khác nhau và có cả những người “chơi” pha trộn nhiều loại với nhau. Một số chất mà người ta đã tìm ra có trong thuốc lá điện tử là Propylene Glycol thường được dùng trong các máy tạo khói hoặc sương mù nhân tạo trên sân khấu, có thể gây kích ứng phổi và mắt, cũng có thể gây hại cho những người bị bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản.

Đặc biệt, tinh dầu trong thuốc lá điện tử còn có các chất tạo mùi rất độc hại. Hiện nay, các hãng sản xuất cũng không công bố thành phần chi tiết của các chất tạo mùi này với lý do đó là “bí mật thương mại”. “Theo nghiên cứu tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard mới đây thì trong 75% trong số 51 loại tinh dầu thuốc lá điện tử có chứa diacetyl – một chất gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đáng lo ngại hơn, người ta tìm thấy cả các kim loại nặng, độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như: Thiếc, chì, thủy ngân.

Hay chất Diethylene Glycol – một hóa chất độc hại được sử dụng trong chất chống đông”, bác sĩ Phương thông tin. Ngoài ra, khi hút thuốc lá điện tử, làm nóng tinh dầu và bay hơi sẽ sinh ra một số hóa chất độc hại như: Formaldehyde, acetaldehyde là chất có thể gây ung thư; Acrolein là chất có thể gây tổn thương phổi và góp phần gây bệnh tim mạch ở những người hút thuốc.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Lê Văn An, Nguyên Viện trưởng Viện 51 đặc khu Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, rất khó để quản lý chất lượng tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử. “Không loại trừ nguy cơ, để thu hút khách hàng nhiều chủ cửa hiệu còn lọc thêm tinh dầu có chứa heroin loại đặc biệt, gây nghiện cho người hút thì còn nguy hại hơn. Bởi vì hiện nay, heroin biến tấu thành rất nhiều loại, có những loại cực độc và khó phát hiện”, bác sĩ An phân tích.

Đặc biệt, việc hút thuốc lá điện tử không chỉ gây hại cho chính người hút thuốc, mà những người thụ động hít phải khỏi của thuốc lá điện tử cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi theo các chuyên gia y tế, khói của thuốc lá điện tử vẫn chứa rất nhiều chất hóa học có hại cho người hít phải.

Thứ nhất, nicontine qua thuốc lá điện tử vào cơ thể con người vẫn là nicontine giống thuốc lá điếu. Gây cho thần kinh trung ương hưng phấn, từ hưng phấn chuyển thành ức chế. Nếu người nào thần kinh yếu, sức khỏe kém,…khói thuốc lá điện tử làm cho mất tỉnh táo, xơ hóa thần kinh từ từ và dẫn đến gây nghiện cũng như phát sinh bệnh tật về tim mạch, phổi…

Đặc biệt, các chất hóa học trong tinh dầu thuốc lá điện tử nhằm tạo mùi, tạo khói và tạo cảm giác sảng khoái được phả ra ngoài môi trường có thể chứa kim loại nặng. Theo bác sĩ Phương: “Các chất này sẽ không mất đi mà vào cơ thể con người qua làn khói, có thể là nơi khởi phát ung thư giống như Acrolein khi được hít sâu vào phổi.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong khói thuốc lá điện tử vẫn chứa fomaldehyde, benzene và nitrosamines-chất đặc biệt có trong thuốc lá và gây ung thư, vì vậy người hít phải khói thuốc lá điện tử thụ động cũng giống như người hút trực tiếp, đều có nguy cơ mắc phải các loại bệnh tật”.

Theo các chuyên gia y tế thuốc lá dù là điện tử hay thuốc lá truyền thống đều không được khuyến khích hút ở những nơi công cộng. Không có lý do nào để thử thuốc lá điện tử bởi nó có chứa nicotine và cũng sẽ gây nghiện. Đồng thời, nó cũng không phải là sản phẩm có thể giúp cai được thuốc lá điếu truyền thống.

Nguồn: http://laodongthudo.vn

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image