Một thống kê gần đây tại Mỹ cho thấy khi tiêm ngừa virus HPV (Human Papilloma Virus - virus gây u nhú ở người, hơn 35.000 phản ứng phụ trong đó 200 trường hợp tử vong đã được báo cáo cho chính phủ vào giữa tháng 3/2015. Tính đến tháng 3/2013, Mỹ phải chi gần 6 triệu USD bồi thường cho 49 nạn nhân của văcxin HPV.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Hiệp hội sản phụ khoa Mỹ khẳng định, đã có hơn 60 triệu liều HPV được tiêm và chưa ghi nhận tác dụng phụ, chỉ có tác dụng nhẹ như sưng hay đỏ chỗ tiêm và tự hết. Chưa ghi nhận có ca tử vong nào do tiêm văcxin HPV tại nước này.
Theo Hiệp hội sản phụ khoa Mỹ, HPV có thể được ngăn ngừa thông qua tiêm văcxin phòng bệnh. Hiện có 3 loại văcxin: nhị giá (ngừa 98,1% HPV 16, 18), tứ giá (ngừa 100% bệnh liên quan HPV 6, 11, 16, 18 và ngăn 90,4% bệnh sinh dục ngoài ở nam giới), cửu giá (ngừa trên 90% bệnh liên quan HPV 6, 11, 16, 18 và 96,7% bệnh liên quan HPV 31, 33, 45, 52, 58).
Tại Việt Nam, vài năm trước cũng dấy lên nhiều tranh cãi văcxin HPV liệu có an toàn, sau cái chết của một cô gái trẻ. Tháng 6/2013, một cô gái 18 tuổi đến Trung tâm Y tế dự phòng quận 9 TP HCM tiêm văcxin Cervarix ngừa ung thư cổ tử cung (mũi thứ hai). Mũi đầu được tiêm trước đó một tháng. Về đến nhà, cô than mệt do đi đường xa và ngủ, không ăn trưa, chiều đi làm. Sau đó mọi người phát hiện cô nằm bất động trong phòng tắm nên đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ xác định bệnh nhân đã ngưng tim ngưng thở, toàn thân tím tái, không thể cứu được.
Kết luận của Hội đồng khoa học Sở Y tế TP HCM sau đó cho thấy, propranolol xuất hiện trong máu, dạ dày và nước tiểu cao hơn nồng độ có thể gây chết người. Giám định mẫu văcxin không phát hiện bất thường nên không đủ cơ sở để xác định cô gái tử vong liên quan đến văcxin. Bệnh nhân được cho là có thể tử vong do đã dùng thuốc trị tim mạch có chứa propranolol trước đó.
Tiến sĩ Bùi Chí Thương, giảng viên Đại học Y dược TP HCM cho biết ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ hai ở phụ nữ. Trên thế giới ước tính cứ 2 phút có một phụ nữ chết vì căn bệnh ung thư phụ khoa này. Bệnh chủ yếu do virus HPV gây nên. Trong đó HPV tuýp 16 và 18 gây khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài ra các tuýp khác như 31, 33, 45, 52, 58 cũng gây ung thư cổ tử cung nhưng ít hơn.
Đa số mọi người có thể nhiễm HPV nhưng không phải tất cả đều phát bệnh. HPV rất dễ lây và chủ yếu lây lan qua quan hệ tình dục như giao hợp, quan hệ bằng miệng, quan hệ ngoài... Thông thường hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tự chống lại HPV. Tuy nhiên nếu nhiễm kéo dài, lặp lại nhiều lần làm gia tăng nguy cơ ung thư. HPV tuýp 6, 11 có thể gây ra mụn cóc sinh dục ở nam. Các loại HPV khác có thể gây ung thư hoặc u sùi ở dương vật, hậu môn, thanh quản, âm hộ, âm đạo....
Theo bác sĩ Thương, tuổi tiêm văcxin là từ 9 đến 26, tốt nhất từ 11 đến 12 tuổi, không quan tâm có quan hệ tình dục hay chưa. Tuy nhiên thuốc đạt hiệu quả cao nhất khi chích trước khi có quan hệ tình dục lần đầu tiên. Trước đây việc chích ngừa HPV chỉ được khuyến cáo cho trẻ nữ. Hiện Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đề nghị chích ngừa cho trẻ nam nếu có điều kiện. Thực hiện tiêm 3 mũi theo phác đồ 0, 1, 6 hay 0, 2, 6 tháng. Không cần xét nghiệm HPV trước tiêm.
Bác sĩ Thương lưu ý, văcxin không phòng ngừa được tất cả các tuýp HPV. Do đó dù đã tiêm ngừa, phụ nữ vẫn phải được tầm soát ung thư bởi xét nghiệm Papmears định kỳ. Hiện nay xét nghiệm HPV có thể phát hiện sớm ung thư cổ tử cung để có hướng xử trí kịp thời.
Nguồn Suckhoe.vnexpress.net