Tôi là Đặng Như Ngọc (31 tuổi) sống tại Hà Nội. Đầu năm 2020, tôi kết hôn và sau đó có bầu. Tháng 9, tôi đang mang thai tuần thứ 38 và chờ ngày sinh.
Những tuần cuối, tôi vẫn đi siêu âm đều đặn. Cân nặng của con đo được là 3,4 kg. Vì sức khỏe của tôi tốt, bác sĩ khuyên sinh thường. Điều mà gia đình tôi lo lắng nhất là tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại. Bởi vậy, chúng tôi phải rất cẩn thận khi đi khám thai và chuẩn bị sinh con.
Gần nhà có hồ rộng, hàng ngày, chúng tôi đều dành một tiếng để đi bộ ở đây. Vận động rất tốt cho phụ nữ mang thai, vừa giúp giữ sức khỏe, vừa thuận lợi khi sinh con.
Do mắc tiểu đường thai kỳ, ngoài việc uống nước lọc, tôi bổ sung thêm nước lá vối.
Nhân ngày được nghỉ ở nhà, chồng tôi mang quần áo của con đi giặt. Để an tâm, anh giặt tất cả bằng tay rồi tự mình phơi phóng.
Đồ đạc chuẩn bị đi sinh gồm rất nhiều thứ: quần áo, bỉm tã, sữa viên, máy vắt sữa,… Sợ bị nhầm lẫn hoặc mang thiếu đồ, tôi bày mọi thứ ra giường, kiểm tra lại thật kỹ lưỡng rồi chia làm các túi nhỏ.
Ngày thứ 2 của tuần 38 thai kỳ, bụng bắt đầu nặng hơn khiến tôi gặp khó khăn khi nằm. Tôi thường ngồi dựa vào chồng mỗi tối, đợi cơn buồn ngủ tới rồi mới nằm xuống.
11/9 - ngày thứ 5 của tuần 38 thai kỳ - 7h sáng, tôi thấy đau bụng và bắt đầu có biểu hiện của việc chuyển dạ. Tôi đặt taxi để vào viện ngay.
Do có bệnh nền, tôi chọn sinh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Những ngày này, Bệnh viện Bạch Mai hạn chế người ra vào. Mọi người đều tuân thủ đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và rửa tay bằng nước sát khuẩn. Vì số lượng người chăm bệnh bị hạn chế, chỉ có chồng ở lại cùng tôi.
Đợi từ sáng đến chiều, cường độ cơn co của tôi không tăng lên đáng kể. Các bác sĩ liên tục chẩn đoán tim thai, thăm khám, đo độ mở…
Vận động giúp giảm đau khi những cơn co xuất hiện. Vì vậy, tôi cùng chồng đi lại thường xuyên. Những lúc thấy tôi bị đau, anh ấy vỗ về rồi động viên: “Vợ cố lên nhé! Chồng ở ngay cạnh vợ đây rồi”. Do vậy, tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều.
Đến 19h, những cơn đau dữ dội đến ngày một nhiều. Thỉnh thoảng đang đi bộ, tôi phải dừng lại, bám tay vào thành lan can cho vững. Bác sĩ vừa khám cho tôi cách đây 10 phút, dự kiến đêm nay tôi sẽ sinh.
Ngay khi nhận thông tin từ bác sĩ, mẹ tôi vào viện. Có lúc thấy tôi đau quá, bà đã khóc vì lo lắng. Lúc đó, tôi rất thương mẹ. Trước kia, lúc sinh chị em tôi, có lẽ bà cũng trải qua những cơn đau như thế.
Đến 20h30, tôi được cho vào phòng đẻ. Tôi hồi hộp. Điều này làm cho nhịp tim của em bé cũng tăng lên. Có lẽ, nhờ sợi dây vô hình nào đó, mẹ con tôi đã kết nối.
Là lần đầu tiên sinh con, mặc dù đã đọc qua nhiều sách hướng dẫn trước đó, tôi vẫn không có kinh nghiệm thực tế. Các bác sĩ, hộ sinh hướng dẫn tôi kỹ càng từ việc lấy hơi, đạp chân, co tay, cong người…
Gần 2 tiếng trong phòng đẻ, tôi vẫn chưa thể sinh. Tôi đuối dần và phải thở oxy. Xung quanh tôi, mọi người vẫn liên tục động viên tinh thần: “Không sao, em rất mạnh mẽ mà. Cố thêm chút nữa rồi em và con sẽ được gặp nhau”. Đúng 22h55, tiếng khóc đầu tiên của con cất lên.
Bác sĩ đặt con lên bụng của tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được sự ấm áp đến từ thiên thần bé nhỏ ấy. Tôi cảm thấy hạnh phúc ngập tràn.
Tôi ngắm nhìn thiên thần nhỏ bé trước mặt. Có lẽ cả cuộc đời tôi cũng không thể quên được giây phút đầu tiên thấy con. Chỉ có thể run run, tôi cất tiếng: “Chào bé con của mẹ”.
Sau khi làm thủ thuật và vệ sinh, hai mẹ con được di chuyển sang phòng hậu sinh. Mọi người được phép vào thăm một lúc.
Chồng tôi cười tươi, anh hôn lên trán tôi và nói: “Em làm được rồi, em giỏi quá”. Anh cũng không quên đưa tay xoa lên mũ của cậu con trai bé bỏng. Đồng hồ đã điểm 0h, vậy là sang ngày mới, mở ra một cuộc sống mới cho gia đình nhỏ hạnh phúc của chúng tôi.
Chúng tôi đặt tên cho con là Hà Huy Khôi và gọi tên ở nhà là Vít để cùng nhớ rằng đã sinh con trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.