Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là căn bệnh thường gặp và dễ lây lan, bùng phát thành dịch. Nếu phát hiện trễ và không điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm như viêm màng não.
Những chia sẻ PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp các phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh tay chân miệng cũng như cách phòng tránh.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. |
Thưa PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, tay chân miệng là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, ông có thể cho biết những nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này?
Tay chân miệng do nhóm virus đường ruột gây ra, (2 chủng virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71), dễ phát triển thành dịch và trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…
Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết như nước bọt, nước mũi hoặc chất thải (phân) của người bệnh. Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu chữa bệnh mà chủ yếu là điều trị các triệu chứng.
- Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nhận biết như thế nào thưa PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng?
Biểu hiện của bé bị bệnh tay chân miệng thường là sốt nhẹ một vài ngày, sau đó bắt đầu nổi nốt phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân và vết phát ban có bọng nước. Da bé có thể gồ lên theo từng vết ban. Miệng sẽ xuất hiện vết loét, khác với nhiệt miệng là có vết loét nhỏ, đơn lẻ thì trong trường hợp này, bệnh sẽ tạo thành những vết loét rộng, nhiều và loang lổ do từ các vết ban có bọng nước bị vỡ ra tạo thành.
Biểu hiện chính của bệnh tay chân miệng là sang thương da niêm dưới dạng bọng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và gối. |
- Khi trẻ không may bị bệnh tay chân miệng các bậc phụ huynh nên làm gì để con nhanh khỏi bệnh thưa bác sĩ?
Khi bị tay chân miệng, ngoài việc nghỉ ngơi, cách ly ít nhất 10 ngày, cần bổ sung những loại thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng; vitamin A để tăng cường hệ miễn dịch; thực phẩm giàu kẽm để bổ sung dinh dưỡng, giúp trẻ nhanh hồi phục. Nhiều trẻ loét trong miệng nên bị đau và kém ăn, chính vì vậy bố mẹ hãy nấu những thức ăn dạng lỏng, không nên nấu mặn quá, cho trẻ uống thêm sữa.
Đặc biệt, nếu trẻ bị sốt, cha mẹ nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ chứ không được tự ý lạm dụng truyền nước hay truyền dịch sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
- Nhiều gia đình có con nhỏ bị tay chân miệng nhưng vẫn cho con đi học bình thường vì nghĩ bệnh có biểu hiện nhẹ không quá nghiêm trọng, bác sĩ nhận định như thế nào về điều này?
Dù trẻ chỉ bị nhẹ và vẫn khỏe mạnh nhưng các bậc cha mẹ cũng không nên cho con mình tiếp tục đi học để tránh lây bệnh cho các trẻ khác khi tiếp xúc với con em của mình. Phải cho trẻ ở nhà để theo dõi và phát hiện kịp thời khi biến chứng xảy ra.
Nhiều người cho rằng, bệnh tay chân miệng chỉ xảy ra với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nhưng trên thực tế thì cả người lớn cũng có thể mắc chứng bệnh này. Bên cạnh đó, bệnh này có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm chứ không chỉ vào những khoảng thời gian chuyển mùa.
- Do bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch, vậy các bậc cha mẹ cần phải làm gì để phòng tránh bệnh này cho con em mình thưa PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng?
Để phòng bệnh tay chân miệng, việc đầu tiên cần làm là giữ sạch môi trường xung quanh như đồ chơi, nhà cửa. Việc rửa tay cho trẻ cũng quan trọng, chúng ta phải dậy cho trẻ con cách rửa tay đúng cách; thậm chí là rửa cả đồ chơi cho trẻ. Bố mẹ nên vệ sinh cá nhân trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Hạn chế lau khăn chung, ăn chung vì nó làm bệnh lây lan nhanh. Tránh cho con em mình tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng. Cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho bé để tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng và miễn dịch. Đồng thời, theo dõi phát hiện sớm để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly và điều trị, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Cảm ơn PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng vì những thông tin rất hữu ích!
Theo Đời sống và Pháp lý