Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Trẻ bị viêm phổi do virus tăng đột biến

Tin từ Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh (Bệnh viện Nhi T.Ư), hiện khoa đang điều trị cho khoảng 60 ca viêm phổi do virus RSV trong tổng số 200 ca điều trị. Virus lây qua tiếp xúc nên các bác sĩ khuyến cáo nên hạn chế hôn hít trẻ.

Bác sĩ Trịnh Thị Thu Hà - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Sơ sinh, số lượng bệnh nhi sơ sinh mắc viêm phổi nặng do nhiễm virus RSV đang tăng đột biến. Hiện Khoa đang điều trị cho 60 ca viêm phổi do nhiễm virus RSV trong tổng số 200 ca hiện đang điều trị tại khoa.

tre bi viem phoi do virus tang dot bien hinh anh 1

Viêm phổi do virus RSV rất nguy hiểm với trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đẻ non (Ảnh tại khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh - Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Khánh Chi)

Mỗi ngày bệnh viện phải sàng lọc 80-120 bệnh nhân làm test RSV, 30-40% trong số đó nhiễm virus RSV. Bệnh nhân phải nhập viện chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Theo bác sĩ Hà, virus hợp bào hô hấp (RSV – respiratory syncytial virus) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan rất mạnh. Nhiễm RSV là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh có thể gặp quanh năm nhưng tập trung vào các thời điểm giao mùa.

Triệu chứng khi nhiễm virus RSV thường rất giống và dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường như: Chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém… Trường hợp nặng trẻ có thể thở nhanh, khò khè, khó thở, tím tái, bỏ bú, ngừng thở…. Hầu hết viêm phổi do RSV khỏi hoàn toàn sau 1 -2 tuần, ho có thể kéo dài hơn.

Bác sĩ Hà cũng cho biết, virus này có thể gây bệnh nặng cho trẻ sơ sinh nhưng tỷ lệ không cao. Những trẻ dễ mắc bệnh và có nguy cơ tử vong cao bao gồm: Trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân (suy dinh dưỡng bào thai), trẻ bị mắc các bệnh tim bẩm sinh và các bệnh mãn tính.

Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có kế hoạch điều trị kịp thời. “Tránh trường hợp rất nhiều cha mẹ khi thấy con khò khè, khó thở đã vội vàng đưa ngay con lên tuyến trung ương. Chính điều này lại vô tình khiến con nặng thêm do trẻ có thể suy hô hấp trên trên đường vận chuyển. Bên cạnh đó, khi các gia đình đổ dồn về tuyến trung ương, bệnh nhi quá đông như hiện nay sẽ không tránh khỏi tình trạng lây nhiễm chéo, ảnh hưởng đến bệnh nhi khác cũng như chính bản thân trẻ đang mắc bệnh.” – bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Biện pháp phòng ngừa

Virus RSV lây truyền dễ dàng từ người sang người qua tiếp xúc chạm phải chất dịch hoặc hít phải không khí có nhiễm virus… Virus có thể sống vài giờ trên các bề mặt bàn, ghế, đồ chơi, tay… do đó việc kiểm soát nhiễm khuẩn là vô cùng quan trọng.

-Tránh để trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi.

-Rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ.

-Tránh hôn hít trẻ.

-Tránh đưa trẻ đến nơi đông người. Giữ cho môi trường sống của trẻ trong lành, tránh khói bếp, khói thuốc lá.

Diệu Linh/Dân Việt

 

 

 

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image