Gần một tuần qua, thời tiết ở miền Bắc giá rét liên tục khiến cho sức khỏe người già và trẻ em bị ảnh hưởng, nhất là lượng trẻ nhỏ bị nhiễm khuẩn hô hấp tăng cao.
Người dân đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày cơ sở tiếp nhận gần 2.000 trẻ tới khám, điều trị. So với thời gian trước lượng bệnh nhân không tăng, song bệnh nhân nhập viện do các bệnh lý đường hô hấp tăng nhẹ so với thời gian trước với các bệnh chủ yếu như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa...
Còn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, theo bác sỹ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi, mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 200 đến 250 bệnh nhi, trong đó bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp chiếm khoảng 30 đến 50%. Phổ biến nhất trong thời điểm này là trẻ nhập viện vì các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi.
Theo bác sỹ Nam, trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ đổ bệnh khi xảy ra rét đậm hoặc giá rét kéo dài do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế và dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.
Để phòng bệnh cho trẻ nhỏ trong thời tiết giá rét, bác sỹ Nam khuyến cáo, điều quan trọng nhất là phải chú ý giữ ấm cho trẻ, nhất là lúc đi ra ngoài. Nên cho trẻ vui chơi nơi kín gió, không nên cho trẻ ra ngoài chơi khi nền nhiệt ngoài trời dưới 15 độ C, có gió, mưa ẩm hay buốt giá.
Cũng theo bác sỹ Nam, những bà mẹ có con nhỏ phải giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất, hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cảm cúm, sốt vi rút hay hắt xì hơi chảy nước mũi.
Không chỉ trẻ em mà trong thời tiết giá rét kéo dài, bệnh nhân là người cao tuổi đổ bệnh, phải nhập viện cũng có xu hướng tăng cao. Trong đó, nhiều nhất là bệnh nhân nhập viện liên quan đến các bệnh lý tim mạch. Nguy cơ đột quỵ ở người mắc bệnh tim mạch trong thời tiết giá rét cũng cao hơn.
PGS Phạm Gia Khải, nguyên chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, mùa đông các bệnh về hô hấp, tai biến tim mạch tăng cao. Do người cao tuổi sức đề kháng yếu nên gặp thời tiết giá rét hay mắc viêm họng mạn tính kéo dài, hoặc viêm mũi mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi cấp tính… Tuy nhiên, khi thời tiết lạnh, người cao tuổi thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm, đến khi vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng.
Ngoài ra, theo PGS Khải, một số bệnh mạn tính kéo dài ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh ở người cao tuổi.
Để phòng bệnh hô hấp ở người cao tuổi trong mùa lạnh, theo PGS Khải, người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh vừa chuyển sang rét đậm thì người cao tuổi nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm.
"Có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động cơ thể ở trong nhà, không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh, nhất là lúc đang có gió mùa. Tuyệt đối không mặc áo phong phanh khi tập thể dục buổi sáng sớm vì rất dễ bị nhiễm lạnh", PGS Khải khuyến cáo.
Nguồn Baohaiquan.vn