Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Trời lạnh sâu, cha mẹ nên biết quy tắc “4 ấm”

Miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh khiến nhiệt độ xuống rất thấp. Kiểu thời tiết như hiện nay gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng còn kém nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Để con đến trường tránh bệnh tật, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ ấm đúng cách cho trẻ.

Sai lầm khiến trẻ ốm khi đến trường ngày lạnh

Những ngày này miền Bắc đang trong đợt rét buốt, nền nhiệt độ phổ biến ở đồng bằng từ 13-15 độ, miền núi nhiều nơi dưới 12 độ. Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn đợt rét đậm, rét hại lần này sẽ kéo dài và dự kiến Hà Nội sẽ rét sâu vài ngày nữa.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với thời tiết giá lạnh như hiện nay, người già và trẻ nhỏ rất dễ mắc phải nhiều bệnh. Tình trạng trẻ nhỏ nhập viện tăng cao do sức đề kháng của nhiều trẻ không đủ chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt. Khi nhiệt độ giảm sâu, trẻ rất dễ bị ốm, nhiễm lạnh, mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhất là với những trẻ phải đến trường trong ngày lạnh.

Bởi vậy, điều quan trọng nhất với trẻ đi học trong buổi sáng rét mướt là phải giữ ấm toàn thân cho trẻ. Điều đáng nói, nhiều trẻ lại nhiễm lạnh, mắc bệnh “oan” vì sai lầm của cha mẹ. Khi đưa trẻ đến trường, nhiều cha mẹ mặc ấm nhưng không đeo khẩu trang, mũ giữ ấm đầu. Ngược lại nhiều cha mẹ lại ủ ấm quá kỹ với suy nghĩ “càng kín càng tốt”.

Việc làm này đôi khi lại có thể gây thêm bệnh cho trẻ. Bởi thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn rất nhạy cảm với những thay đổi thời tiết đột ngột. Khi mặc quá kín, ủ quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, ngực, đầu rồi ngấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi... Việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, viêm nhiễm trên da khiến trẻ bứt rứt, khó chịu.

Có cha mẹ khi đưa trẻ đến trường lại cho con ngồi trước xe máy. Dù trang bị kín trẻ vẫn có khả năng bị viêm nhiễm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản hay viêm phổi do gió lạnh. Việc trẻ ngồi trước còn hít phải khói, bụi gây khởi phát các cơn hen phế quản, viêm mũi, đặc biệt ở những trẻ cơ địa dị ứng và có sức đề kháng kém. Bởi vậy, khi ra ngoài trời, cha mẹ nên để bé ngồi sau xe đeo đai an toàn.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thời tiết lạnh còn có thể kèm theo mưa rét buốt, thậm chí mưa rào nặng hạt. Vì thế, cha mẹ cố gắng đảm bảo trẻ không bị ướt, quần áo không bị ngấm nước mưa khi đưa trẻ đến trường. Ngoài quần áo mưa, cha mẹ có thể chuẩn bị túi nilon để chùm tay và chân cho trẻ. Trong những ngày thời tiết lạnh sâu, cha mẹ cần chủ động theo dõi nhiệt độ thời tiết trong ngày qua bản tin thời sự để cân nhắc có nên đưa trẻ tới trường hay không.

Nguyên tắc khi chăm sóc trẻ những ngày lạnh sâu

Để giữ cho trẻ được ấm áp, theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trẻ ra ngoài khi trời lạnh để đến trường, các bậc cha mẹ nên:

+ Cho con mặc đủ ấm

Cho trẻ mặc từ 3-5 lớp áo giúp giữ ấm cơ thể. Lớp áo trong cùng nên là một áo giữ nhiệt làm bằng chất liệu cotton thoáng khí, dễ thấm mồ hôi. Lớp thứ hai là áo len hoặc áo nỉ giữ nhiệt ấm áp. Ngoài cùng là áo khoác để giữ ấm, nếu có khả năng cản gió, chống thấm nước thì càng tốt. Khi bé vui chơi, cơ thể nóng lên, có thể cởi bớt ra.

Quần cha mẹ có thể trang bị cho bé một chiếc quần len hoặc nỉ giữ nhiệt bên trong, bên ngoài là quần có khả năng cản gió, chống thấm nước để bé ấm áp hơn khi di chuyển ngoài trời rét.

+ Đeo khẩu trang, mũ len:

Khẩu trang cũng rất cần nếu bé đi ngoài trời lạnh, nên chọn loại mềm mại bằng cotton, che kín tai và mũi cho bé nhưng vẫn dễ thở. Mũ len nên chọn loại trùm kín đầu, bao gồm cả phần tai để gió không lọt qua. Ngoài ra, nên cho bé đi giày để giữ ấm cho đôi chân.

+ Trang bị thêm đồ:

Trẻ cấp 1 và nhất là ở mầm non, cha mẹ hãy lưu ý chuẩn bị cho bé từ 2 đến 3 đôi tất, tốt nhất là cotton hoặc len lông cừu, với cổ cao có thể kéo lên cẳng chân của bé. Găng tay nên chọn loại cao cổ, có thể kéo lồng lên qua cổ tay áo để đảm bảo gió không lùa qua.

Bên cạnh việc mặc ấm, cha mẹ cũng cần chú ý bảo đảm dinh dưỡng, cung cấp đủ các chất đạm, bổ sung vitamin, cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau xanh giúp tăng sức đề kháng của cơ thể chống đỡ với bệnh. Để phòng chống viêm phổi cho trẻ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm.

Các chuyên gia nhi khoa khuyên, trước khi cho trẻ ra ngoài nên giữ ấm cơ thể cho trẻ bằng cách ăn uống đầy đủ. Khi cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cơ thể sẽ được giữ ấm bởi quá trình đốt cháy calo. Ngược lại, cơ thể thiếu chất quá trình trao đổi chất chậm lại, để sinh nhiệt giữ ấm cơ thể sẽ sinh ra phản ứng run rẩy. Bạn cũng có thể cho trẻ uống ít nước gừng ấm để tăng nhiệt độ cho cơ thể khi ra ngoài trời lạnh.

Ngoài ra, cha mẹ hãy dạy cho trẻ tự biết cách bảo vệ mình ở trường như: Không chơi ngoài sân trường trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, có mưa phùn, gió mạnh. Khi chạy nhảy, chơi đùa mồ hôi ra nhiều thì phải lau khô ngay, tránh để mồ hôi thấm ngược trở lại.

“Hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa cảm lạnh. Vì vậy, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ để bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh. Khi trời lạnh, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ với quy tắc “4 ấm” là giữ ấm bụng, chân, tay và lưng. Đặc biệt chú ý đến những bộ phận này vì đó là những vùng nhạy cảm, khi bé nhiễm lạnh sẽ dễ bị cảm, ốm. Hơn nữa, đây cũng là những vùng dễ bị ra mồ hôi nếu quấn kín mít. Hãy lưu ý kiểm tra thường xuyên, nếu thấy trẻ có mồ hôi cần đưa trẻ vào chỗ ấm, kín gió, tìm cách để lau khô mồ hôi trước khi cởi bớt đồ”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn Giadinh.net.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image