Ngày 9/7, tại Trung tâm y tế huyện Đan Phượng (Hà Nội), Bộ Y tế đã tổ chức "Khoá đào tạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các bệnh mạn tính tại tuyến ban đầu theo nguyên lý y học gia đình" cho 64 học viên. Đây là khoá đầu tiên trong chương trình nâng cao chất lượng đào tạo điểm cán bộ y tế tuyến ban đầu của Bộ Y tế gồm 20 khóa học. Mỗi Khoá học diễn ra trong 5 ngày.
Phát biểu khai mạc Khoá đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, từ khoá đào tạo đầu tiên này Bộ Y tế chính thức khởi động chương trình đào tạo mới của Bộ để nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai giảng Khóa đào tạo
Theo Bộ trưởng, người dân cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay tại cơ sở từ khi chưa bị bệnh. Tuy nhiên, muốn làm được việc này phải có nguồn nhân lực và tài chính. Hiện toàn bộ tuyến y tế cơ sở chiếm đến 70% tổng số khám chữa bệnh nhưng ngân sách do BHYT chi trả chỉ chiếm có 30%. Trạm y tế hiện đang thực hiện tiêm chủng, tư vấn dinh dưỡng... tuy nhiên việc khám phát hiện sớm bệnh, theo dõi và điều trị tiểu đường, tăng huyết áp... còn kém. Thực tế cho thấy, hiện bệnh nhân không tin tưởng y tế cơ sở nên chưa đến thăm khám vì trạm y tế hiện nay thiếu thuốc, nhân lực thiếu, BHYT chi trả còn hạn chế...
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ khi chưa bị bệnh thì cần phải chuẩn hoá hoạt động của y tế cơ sở. Bộ Y tế đã và đang xây dựng thí điểm 26 trạm y tế đạt chuẩn tại 8 địa phương, trong đó Hà Nội có 3 trạm. Theo đó, mô hình trạm y tế đạt chuẩn phải có nguồn nhân lực tốt để bên cạnh tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe, tiêm chủng, thăm khám ban đầu thì phải làm được châm cứu, bấm huyệt, cần thiết có thể xã hội hoá ghế làm răng và một số dịch vụ khác.
Trạm y tế đạt chuẩn phải làm được siêu âm, điện tim… khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình và bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… mới thu hút được người dân.
Thăm khám cho người dân tại trạm y tế xã Đồng Thịnh- huyện Yên Lập- tỉnh Phú Thọ
“Tới đây, ngoài việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, tại các trạm y tế sẽ có bác sĩ tuyến trên từ huyện, tỉnh, đặc biệt có cả bác sĩ TW về tư vấn, cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế tuyến cơ sở để tạo niềm tin cho người dân đến y tế cơ sở thăm khám. Các bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới sẽ tập trung vào chuyên khoa nội, gần gũi với mô hình bệnh tật tuyến đầu”- Bộ trưởng thông tin.
Hướng đổi mới tiếp theo là đào tạo bác sĩ định hướng chuyên khoa y học gia đình cho các trạm y tế.
Đối với nhóm giải pháp về tài chính cho y tế cơ sở sẽ theo hướng, bỏ giới hạn trần thanh toán 20% chi phí khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tê, điều chỉnh tăng mức đầu thẻ BHYT cho tuyến xã. Đồng thời hướng đến thực hiện thanh toán theo đúng thực thanh thực chi, những dịch vụ ngoài BHYT thanh toán thì người dân mới phải chi trả. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển, Bộ Y tế sẽ ban hành các văn bản thực hiện thanh toán định suất và đảm bảo đủ thuốc cho trạm y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đồng chí lãnh đạo các Vụ/Cục/ Bệnh viện/ Viện/Trường tham gia giảng dạy cho Khóa đào tạo chụp ảnh cùng các học viên đến từ các trạm y tế của huyện Đan Phượng
Cùng với đó, Bộ trưởng cho biết, khuyến khích áp dụng mô hình khám chữa bệnh ban ngày nhằm giảm điều trị nội trú tại bệnh viện huyện, tăng cường khám chữa bệnh và chăm sóc tại nhà; Song song với triển khai mạnh mẽ việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, coi đây là phương pháp quan trọng giúp phát hiện sớm và đưa vào quản lý các bệnh không lây nhiễm…
Bộ trưởng cũng cho hay, để cán bộ y tế cơ sở yên tâm làm việc thì lương phải điều chỉnh và phải tăng theo hướng khoán định suất…
“Phải làm tốt cả dự phòng và điều trị ngay tại tuyến cơ sở để người dân không phải vất vả lên tuyến trên. Ngành y tế vươn đến phục vụ toàn diện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng cả chuyên sâu và bình thường, cả dự phòng và điều trị, cả y tế cơ sở và tuyến trên”- Bộ trưởng nêu rõ.
Phát biểu tại đây, TS Jun Nakagawa - đại diện Tổ chức y tế thế giới nêu rõ, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra 380,000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam, tương đương với 73% của tổng số tử vong. Điều đáng buồn là hơn 40% trong số tử vong này xảy ra ờ những người dưới 70 tuổi.
“Một lý do quan trọng là hầu hết người bệnh không lây nhiễm không được điều trị chủ yếu là do thiếu các dịch vụ cho bệnh không lây nhiễm tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chúng ta phải thừa nhận rằng chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam cần dược cải cách”- TS Jun Nakagawa nói.
Dẫn chứng của WHO cho thấy, một nghiên cứu báo cáo rằng chất lượng dịch vụ ở cấp cơ sở thấp. Ví dụ dưới 55% các bác sĩ trạm y tế xã có khả năng điều trị đúng tăng huyết áp độ 1. Việc thiếu các thuốc và vật tư thiết yếu tại các trạm y tế xã cũng góp phần quan trọng làm cho chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế này còn thấp.
Tuy nhiên đại diện WHO cũng nhấn mạnh, việc quản lý tốt hơn các bệnh không lây nhiễm chỉ có thể làm được khi chúng ta nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở. Từ kinh nghiệm thực tiễn thu được khi hỗ trợ điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế xã, đại diện WHO cũng lưu ý cần coi dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm là một chương trình không chỉ về đầu mối quản lý mà cả về ngân sách. Điều này có nghĩa là các tỉnh được phép tập trung nguồn kinh phí từ trung ương và địa phương cho một số ưu tiên của tỉnh mình, hơn là phân bổ kinh phí dàn trải, vụn vặt cho tất cả các cấu phần của chương trình bệnh không lây nhiễm, mỗi cấu phần một phần rất nhỏ.
Việc quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã cần phải trở thành bắt buộc phải thực hiện. Hơn thế nữa, các chỉ số về quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã cần được đưa vào bộ chỉ số quốc gia. Đồng thời, cần có qui định rõ ràng về cơ chế tài chính từ nguồn thu khám chữa bệnh cho nhân viên y tế tại trạm y tế xã để khuyến khích họ làm việc…
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn