Bệnh nhân sử dụng thuốc trong một thời gian dài có thể tới vài tuần, thậm chí có bệnh nhân uống thuốc cả tháng rồi mới xuất hiện biểu hiện dị ứng. Việc điều trị dị ứng thuốc khó khăn, thậm chí có người tử vong.
Chia sẻ tại buổi Giao lưu trực tuyến Kiểm soát chất lượng dược liệu, do Bộ Y tế phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức vào chiều 19/9, TS. BS Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong quá trình công tác ở chuyên ngành dị ứng miễn dịch lâm sàng, ông từng gặp những bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc Nam có biểu hiện dị ứng nặng.
Thậm chí, có những trường hợp có biểu hiện nhiễm độc da dị ứng (TEN) điều trị rất khó khăn, có người tử vong.
Theo TS Thông, việc sử dụng thuốc nam có thể gây ra các biểu hiện dị ứng cho người bệnh từ nhẹ như: Mề đay, mẩn ngứa, ban đỏ da đến những trường hợp nặng như hội chứng TEN.
Những trường hợp dị ứng do thuốc Nam nặng thường gặp với tỷ lệ rất thấp. Bệnh nhân bị biểu hiện nặng là do đây là loại hình dị ứng chậm. Bệnh nhân sử dụng thuốc trong một thời gian dài có thể tới vài tuần, thậm chí có bệnh nhân uống thuốc cả tháng rồi mới xuất hiện biểu hiện dị ứng và khi xuất hiện thì dị ứng tiến triển rất nhanh, do lượng thuốc bệnh nhân đã sử dụng khá nhiều.
Cũng liên quan đến vấn đề dị ứng thuốc, TS Thông cho hay, phần lớn các trường hợp dị ứng chỉ có biểu hiện sẩn ngứa và mày đay. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp biểu hiện ngoài da của dị ứng nặng nề hơn như nổi bóng nước, hoại tử thượng bì da, loét các góc tự nhiên và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, như gan, thận,… cho dù tỷ lệ mắc các trường hợp này rất ít.
“Bất kể tự dùng thuốc hay dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, đúng bệnh, đúng liều lượng thì dị ứng thuốc vẫn có thể xảy ra” – TS Thông khẳng định.
Bởi theo TS Thông, nguyên nhân cơ bản của dị ứng thuốc là do người bệnh có cơ địa dị ứng. Những người bệnh này khi tiếp xúc với thuốc (dị nguyên), cơ thể sẽ sản xuất ra các kháng thể, khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên lần thứ hai, kháng thể sẽ kết hợp với kháng nguyên trên bề mặt tế bào mastocyte làm giải phóng ra các hoạt chất trung gian hoá học tác động vào các cơ quan, gây ra các biểu hiện dị ứng trên lâm sàng.
Để phòng tránh dị ứng thuốc, người bệnh cần phải tránh lạm dụng thuốc, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng, chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ trước khi kê đơn thuốc cho người bệnh cần phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng, tránh sử dụng lại những thuốc đã gây dị ứng cho người bệnh.
Chia sẻ quan điểm về việc một số sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm quảng bá là nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, tuyệt đối an toàn cho sức khỏe, theo TS Thông là không đúng.
“Không biết những quảng cáo này dựa trên các cơ sở khoa học nào, nhưng theo tôi, để có những kết luận như vậy, cần phải có những nghiên cứu có kiểm chứng với số lượng đối tượng nghiên cứu đủ lớn thì mới đưa ra khuyến cáo” – TS Thông nêu quan điểm.
BS Thông cũng khuyến cáo, thuốc nào cũng có thể gây dị ứng cho người bệnh, kể cả những thuốc được sử dụng để chữa dị ứng. Do đó, việc thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược hoàn toàn có thể gây dị ứng cho người bệnh mặc dù tỷ lệ có thể không cao.
Theo khuyến cáo của PGS.TS Trần Hồng Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế, nhiều cá nhân quảng cáo việc mua bán dược liệu trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là những dược liệu có giá trị cao trong điều trị hoặc bảo vệ sức khỏe. Khi sử dụng người dân cần quan tâm đến nguồn gốc của dược liệu đó.
Người dân có thể vào website của Cục Quản lý y dược cổ truyền để tìm hiểu những cơ sở được nhập khẩu chính ngạch. Ngoài ra, đối với thuốc đông dược (những thành phẩm từ dược liệu) thì khi lưu hành bắt buộc phải có số đăng ký của Bộ Y tế nên những thuốc đông dược mà không có số đăng ký thì không sử dụng.
Để tránh các tai biến do dùng thuốc nam, bác sĩ khuyên người dân không nên dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được chất lượng; thuốc của các ông lang bà mế chưa được cấp phép hành nghề.
Để tránh mua phải và sử dụng các thuốc đông dược có thể bị trộn thêm thuốc tân dược, cần tránh mua những thuốc đông dược đã được chế biến thành dạng viên, những thuốc được bán kèm với những gói thuốc bột trắng có thể chứa thuốc tân dược. Tốt nhất là nên mua thuốc dạng thang sắc thì có thể tránh được việc bị trộn thuốc.
Báo GĐXH