Chiều ngày 23/9, Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực làm trưởng đoàn cùng các lãnh đạo của Trung tâm đã có buổi làm việc và khai mạc 2 lớp học “Xử trí cấp cứu ban đầu và kiểm soát đường thở”, “Hướng dẫn điều dưỡng trợ giúp đặt nội khí quản và chăm sóc bệnh nhân COVID” tại Bệnh viện Quận 8, TP. HCM.
Tại buổi làm việc, BSCKII. Trần Quốc Hùng - Giám đốc bệnh viện Quận 8 chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là đầu tháng 8 thì tình hình dịch COVID-19 quá sức tưởng tượng của người dân TP.HCM. Toàn ngành y tế của Thành phố rơi vào khủng hoảng, gần như đứng hình, vì số ca nhiễm và bệnh nhân tử vong tăng một cách chóng mặt. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế, của Thành phố cũng như sự hỗ trợ của các y bác sĩ từ phía Bắc vào hỗ trợ cho TP.HCM, hiện tình hình dịch đã phần nào giảm nhiệt. Tại Bệnh viện Quận 8 và Bệnh viện dã chiến số 1, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện giảm gần 60-70 %, và quan trọng hơn là các ca bệnh nặng và tỉ lệ tử vong cũng giảm đi khá nhiều.
BS. Trần Quốc Hùng cũng gửi lời cảm ơn tới GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cùng toàn thể y bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian qua đã tích cực đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho y bác sĩ của BV Quận 8 và các BV khác. Theo BS Hùng: Đa số các bác sĩ ở BV Quận 8 điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều không phải là các bác sĩ chuyên khoa, hồi sức cấp cứu mà là các bác sĩ đa khoa, do vậy chưa có kinh nghiệm xử trí đối phó với dịch COVID. Nhưng được sự giúp đỡ hỗ trợ tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm, hội chẩn trực tuyến đã giúp trình độ các anh em nâng lên rất nhiều, điều trị đã bài bản hơn.
Chia sẻ với sự mất mát nặng nề của người dân tại TP.HCM, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực nhấn mạnh: Đó cũng là lý do để gần 1.500 y bác sỹ, nhân viên y tế, sinh viên Trường Cao đẳng y Bạch Mai có mặt tại TP. HCM. Vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu, chúng ta đã chuyển từ chủ động chỉ chống đỡ sang chủ động tấn công, bắt đầu khoanh vùng và dập được dịch. Dựa trên các số liệu thống kê và thực tế tại Trung tâm HSTC Bệnh viện Bạch Mai thì số lượng bệnh nhân nặng và người tử vong đều giảm. Đây là tín hiệu đáng mừng. Những thành công đó đầu tiên phải nghĩ đến vắc xin, thứ hai khi quá tải bệnh viện người bệnh không được chăm sóc kịp thời, đúng lúc, đặc biệt khi chuyển nặng không được điều trị hồi sức tích cực ngay. Thứ ba là thuốc để điều trị cho bệnh COVID. Thứ tư là các tổ chăm sóc cho bệnh nhân. Đó chính là bốn yếu tố quan trọng để dập dịch. Khi thành lập Trung tâm HSTC bên cạnh các chuyên khoa HSTC, chúng tôi còn thành lập thêm Khoa Tim Mạch, Khoa Nội Tiết Đái Tháo Đường vì 80% bệnh nhân nằm ở Trung tâm HSTC đều có bệnh lý về tim mạch và đái tháo đường, nhờ đó đã cải thiện rõ rệt chất lượng điều trị bệnh nền cho bệnh nhân.
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Trung tâm HSTC trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai và BV Quận 8 đã khai giảng 2 lớp đào tạo “Xử trí cấp cứu ban đầu và kiểm soát đường thở” và “Hướng dẫn Điều dưỡng đặt nội khí quản và chăm sóc bệnh nhân COVID”. Các chuyên gia chia sẻ: COVID-19 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, do vậy xử trí ban đầu chính là xử trí các rối loạn về hô hấp. Trong đó, đặt ống nội khí quản, theo dõi điễn biến của bệnh nhân cực kỳ quan trọng. Để thực hiện một ca cấp cứu như vậy, không thể một, hai người làm được, mà phải là một nhóm gồm trưởng nhóm và mọi người phối hợp, hết sức quan trọng chính là các điều dưỡng. Đây chính là kỹ năng, kiến thức chuyên môn cơ bản để giúp chúng ta hoàn thành tốt cấp cứu khi bệnh nhân trở nặng.
Tin, ảnh: Thành Dương