Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Tư vấn "Cách đơn giản phòng bệnh tay chân miệng"

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh dễ lây lan do tiếp xúc, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh minh họa
Từ đầu năm tới nay, trên cả nước có hơn 40 nghìn ca mắc bệnh tay chân miệng, bệnh có chiều hướng gia tăng ở các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, tại miền Bắc, số ca mắc bệnh đã xuất hiện rải rác trong cộng đồng, riêng trong tháng 9 và tháng 10, số ca mắc bệnh tăng hơn so với các tháng trước.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh dễ lây lan do tiếp xúc, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên gần đây đã xuất hiện các ca bệnh là người lớn, thậm chí ở người cao tuổi. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng, nên phòng bệnh là biện pháp tối ưu nhất.

Dấu hiệu nào cho thấy một người mắc bệnh tay chân miệng? Bệnh có thể gây biến chứng gì? Khi nào cần đưa người bệnh đến điều trị tại các cơ sở y tế? Người dân cần làm gì để phòng tránh mắc bệnh? Cần bổ sung dinh dưỡng như thế nào để người bệnh chóng bình phục? 

Những nội dung này sẽ được các chuyên gia giải đáp đầy đủ trong buổi tư vấn truyền hình trực tiếp với chủ đề “Cách đơn giản phòng bệnh tay chân miệng”:

Bạn đọc:
Thưa bác sĩ, xin ông có thể định nghĩa chính xác bệnh tay chân miệng?

ThS. BS nội trú Nguyễn Quốc Thái - Phòng cấp cứu Khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai:

Bệnh tay chân miệng là bệnh có  tổn thương mụn nước ở tay chân miệng. Nó thường kèm theo các biến chứng nguy hiểm như viêm não, phù phổi có tỷ lệ từ vong cao bắt đầu từ năm 1998 ở Đài Loan. Lúc đó gần 100 trường hợp trẻ tử vong, gióng lên hồi chuông cảnh báo. Sau đó, xuất hiện các vụ dịch ở nhiều nước khác. Người ta đã phát hiện ra bệnh do 1 nhóm các virus ở đường tiêu hóa gây ra. 

Triệu chứng: sốt nhẹ, xuất hiện mụn nước xung quanh miệng, trong khoang miệng, tay chân… Trẻ em có các biến chứng nhiều trường hợp rất nặng như biến chứng viêm não, viêm cơ tim, phù phổi. Hiện nay bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều nơi. 

Nguyên nhân do thói quen ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ngoại cảnh làm mầm bệnh dễ lây lan qua đường tiêu hóa. Phần nữa do công nghệ phát triển ngày nay người ta phát hiện được thêm nhiều bệnh thêm. Hiện có những chủng mới còn nguy hiểm hơn cả những chủng chúng ta đã biết.

Bạn đọc
Bác sĩ cho tôi hỏi những bệnh tay chân miệng (TCM) thường lây nhiễm qua những đường nào? Phải phòng bệnh như thế nào để giảm thiểu bệnh xâm nhập vào cơ thể?
 
ThS. BS nội trú Nguyễn Quốc Thái:

Bệnh tay chân miệng lây bệnh qua đường tiêu hóa, do tiếp xúc. Trẻ trong nhà trẻ đưa vật dụng (đồ chơi) chứa mầm bệnh vào mồm, làm lây bệnh. Vấn đề vệ sinh sau khi đi ngoài chưa tốt, lây lan vào các vật dụng và lây cho người khác. Ngoài ra cũng có thể do ăn uống, do mầm bệnh còn tồn dư trên thực phẩm.

Bệnh tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh được bằng cách vệ sinh tay, vệ sinh an toàn thực phẩm và đến cơ sở y tế khi có những biểu hiện đầu tiên để được khám, tư vấn và theo dõi kịp thời.

Bạn đọc
Để các cháu nhỏ tuân thủ nghiêm các quy định vệ sinh là rất khó. Nhà trường và gia đình cần kết hợp để tạo cho các cháu thói quen rửa tay phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng. Thưa ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, có nhiều trường hợp trẻ bị TCM nặng phải nhập viện để điều trị. Vậy để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện thì các bậc phụ huynh cần phải làm gì ạ?

ThS. BS nội trú Nguyễn Quốc Thái

Chúng tôi gọi là đây là bệnh lây qua đường tiếp xúc, dễ làm mầm bệnh lan truyền. Khi tiếp nhận, thu dung các trường hợp bị bệnh tay chân miệng, các cháu cần được điều trị tại khoa riêng. Tại đây chúng tôi xử lý tốt chất thải của người bệnh, bằng dung dịch chroramin B trước khi đi vào hệ thống thải chung, trong quá trình chăm sóc cần rửa tay thường xuyên. Ngoài ra có thể hạn chế người ra vào, khử khuẩn các chất thải của bệnh nhân, cung cấp kiến thức cho người chăm sóc như găng tay, khẩu trang.

Bạn đọc
Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết năm 2013, các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu và phát triển vắc-xin Beijing Vigoo giúp bảo vệ trẻ em khỏi bệnh do vi-rút EV71 (bệnh TCM) lên tới 90%. Vậy đến nay vắc-xin đó đã được sử dụng rộng rãi chưa?

ThS. BS nội trú Nguyễn Quốc Thái

Hiện ở Việt Nam chưa có vaccin phòng bệnh do virus EV71.

Bạn đọc Lê Kiều Diễm
Thưa Bác sĩ! Tôi được biết gần đây đã xuất hiện các ca bệnh là người lớn, thậm chí ở người cao tuổi, tức là bệnh TCM đã có những biến đổi khó lường hơn, nên tôi rất lo lắng.Gần đây, ngón tay tôi gần đây thường mọc mụn nước. Vậy có phải là mắc bệnh tay chân miệng không? Những biểu hiện bệnh TCM ở người lớn khác gì với trẻ em thưa bác sĩ? Liệu người lớn có khả năng bị những biến chứng nguy hiểm như trẻ em không? Tôi xin cảm ơn Bác sĩ.

ThS. BS nội trú Nguyễn Quốc Thái

Bệnh tay chân miệng không chừa một ai. Tuy nhiên nếu đã từng bị cơ thể sẽ thu được 1 chút miễn dịch, nên nguy cơ bị tay chân miệng ở người có tuổi rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Biểu hiện cũng là sốt, xuất hiện mụn nước ở gan bàn tay, bàn chân, khoang miệng. Bệnh có khả năng tự khỏi nếu không có biến chứng. Cần tìm những dấu hiệu xuất hiện biến chứng như sốt cao, nôn nhiều, co giật, đi loạng choạng, Khi đó người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám.

Bạn đọc
Con tôi đã được 16 tuổi, bị tay chân miệng được 4 ngày nay. Đến nay, các bóng nước đã bị vỡ. Tôi được biết các bọng nước ở tay, chân khi vỡ ra nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ, rất có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây mưng mủ và làm cho bệnh càng phức tạp thêm. Vậy tôi phải vệ sinh bọng nước vỡ đó như thế nào để tránh vi khuẩn xâm nhập?

ThS. Bác sĩ nội trú Nguyễn Quốc Thái 

Trên bề mặt da của chúng ta bình thường có rất nhiều loại vi khuẩn. Khi có tổn thương trên da, tạo cơ hội cho vi khuẩn trên bề mặt da xâm nhập cơ thể. Nên chấm xanh methylen lên các vết lở loét, những loại thuốc này không cần kê đơn, người bệnh có thể chăm sóc tại chỗ được. Nếu đã chấm vào tổn thương nhưng vẫn loét, cần đi khám chuyên khoa. Người bệnh có thể tắm bình thường, lau khô rồi chấm lên tổn thương.

Bạn đọc
Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ, bệnh có thể gây ra biến chứng nào, ở cấp độ nào bệnh sẽ gây ra biến chứng?

ThS. Bác sĩ nội trú Nguyễn Quốc Thái

Ở cấp độ 1 bệnh nhân có thể điều trị tại nhà, cấp độ 2 trở lên phải theo dõi trong bệnh viện, từ độ 2B biến chứng nặng. Biến chứng nổi trội là hệ thần kinh, chủ yếu là viêm nào, thứ 2 là biến chứng ở hệ tim mạch như viêm cơ tim gây suy tim cấp sẽ dẫn đến ngừng tuần hoàn,hay suy các cơ quan khác, phù phổi ... Ở Đài Loan trước đây có rất nhiều trường hợp trẻ em bị phù phổi.

Bạn đọc Bùi Mỹ Hạnh
Chào bác sĩ! Cháu gái tôi năm nay 2 tuổi. Khoảng 10 ngày nay trên chân (bàn chân, đầu gối), tay (kẽ tay, bắp tay), mông, háng của cháu xuất hiện các mụn nước nhỏ. Khi tắm hoặc cháu dùng tay chà vào thì mụn vỡ ra, hôm sau tạo thành vết loét khoảng 5mm. Cháu vẫn ăn uống và sinh hoạt vui chơi bình thường, có sốt nhẹ nhưng khi mẹ cháu cho uống nước cam thì cháu hạ sốt ngay. Gia đình nghi ngờ cháu bị tay chân miệng hoặc thủy đậu. Xin bác sĩ tư vấn giúp ạ

ThS. BS nội trú Nguyễn Quốc Thái

Như tôi đã nói, chúng tôi rất khó chẩn đoán bệnh qua lời kể của bạn. Nhưng tôi cũng cho rằng đó là thủy đậu. Vì thủy đậu thường là tổn thương mụn nước nhỏ, ban đỏ, bên cạnh là tổn thương đã đóng vảy. Có nhiều loại tổn thương ở cùng 1 khu vực da có thể nghĩ đến thủy đậu. Bệnh tay chân miệng thường có tổn thương mụn nước ở tay, chân, miệng, mông, tổn thương đùi, háng ít hơn. Bệnh thủy đậu rất lành tính với trẻ, chỉ cần chăm sóc trẻ tốt, chấm thuốc sát khuẩn ở tổn thương. Cần giữ gìn sạch sẽ tổn thương trên da tránh bội nhiễm.

Bạn đọc
Thưa TS. Từ Ngữ, với những trẻ mắc TCM, đặc biệt khi mụn trên da bắt đầu vỡ ra, đồng nghĩa với việc rất dễ nhiễm trùng, chắc hẳn cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt hơn đúng không ạ? Cần chú ý cung cấp nhóm thực phẩm hay nhóm vitamin nào ạ?

TS. Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam

Trong giai đoạn các mụn bắt đầu vỡ ra là bệnh đã thoái trào, lúc này vitamin A có tác dụng rất tốt hỗ trợ giúp bệnh mau lành, chống bội nhiễm. Như trên tôi đã nói còn có loại vitamin C, PP, rất tốt cho trẻ.
 
Bạn đọc Cao Lê Nguyên
Chào TS. Từ Ngữ. Con gái tôi được 13 tháng tuổi. Tháng trước cháu bị TCM, đang bị bệnh TCM, khi bắt đầu phát bệnh, cháu bị phồng rộp ở lòng bàn chân, lan lên đùi, mông, rồi lên miệng, co giật từng cơn. Hiện các bác sĩ đang điều trị rất chu đáo tuy nhiên, cháu không chịu ăn vì miệng bị lở loét. Vậy xin TS tư vấn cho tôi nên cho bé ăn những loại thực phẩm nào và chế biến chúng ra sao để bé hấp thụ được và sớm hồi phục. Tôi xin cảm ơn.

TS. Từ Ngữ 

Nếu cháu có thể ăn qua đường miệng rồi thì nên cho ăn tự nhiên. Nếu không thể ăn qua miệng, tình trạng dinh dưỡng của cháu suy sụp, thiếu cân, thì ăn qua sonde. Cho cháu ăn theo nguyên tắc chia nhỏ bữa ăn, nấu loãng, đậm độ nhiệt tốt hơn, giàu vitamin khoáng chất, không dùng các chất kích thích như đã nói trên.

Đặc biệt giai đoạn này cần bổ sung nước cho trẻ.

Các trẻ bỏ bữa 1,2 ngày thực ra là trẻ vẫn ăn nhưng ăn ít đi, đưa cho trẻ trẻ vẫn ăn chứ không phải không ăn. Đó là do tâm lý của phụ huynh, vấn đề là do trẻ ăn không nhiều như mong muốn của cha mẹ.

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái
Để tạo thuận lợi cho các cháu khi bị bệnh, miệng đau thì ăn rất khó, các bác sĩ cho bôi một loại gel cho trẻ để đỡ đau rát, liều lượng tại chỗ rất thấp không hại cho trẻ, đủ để trẻ ăn hết một bữa là vừa hết thuốc.

Hồ Văn Thuận
Xin hỏi ThS. BS Nguyễn Quốc Thái, tôi được biết là bệnh TCM có khá nhiều chủng và nhóm bệnh, và người bị bệnh cũng có những cấp độ khác nhau. Vậy các chủng bệnh đó nguy hiểm như thế nào? Tôi được biết khi mắc phải tuýp EV71 rất nguy hiểm, có thể gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương? Xin được bác sĩ phân tích rõ. Tôi xin cảm ơn.

ThS. Bác sĩ nội trú Nguyễn Quốc Thái 

Trong nhóm virus gây bệnh nguy hiểm nhất là EV71, lây truyền qua đường tiêu hóa, vào đường ruột, từ đó đi vào hệ bạch huyết xâm nhập vào các cơ quan trong đó có hệ thần kinh trung ương. Hệ quả gây viêm não, nên hậu quả rất nặng nề, có tỷ lệ tử vong cao, di chứng lớn. Đối với viêm não do tay chân miệng, nếu phát hiện sớm vẫn có thuốc chữa, giảm nguy cơ viêm não. Hiện Bộ Y tế phân 4 cấp độ của bệnh tay chân miệng, nếu trẻ đến sớm từ độ 2A thì có thể điều trị được.

Bạn đọc Vũ Vân

Con em năm nay 6 tuổi. Cách đây gần 2 tuần được bác sĩ chẩn đoán bị tay chân miệng, lúc đầu sốt 3 ngày, sau đó có vết loét trong miệng, ngày thứ 4 hết sốt, tay có mụn mủ, mọc như 1 bông hoa. Bàn chân và bàn tay không có mụn, giờ đã 2 tuần mà những nốt mụn không mất. Bác sĩ tư vấn giùm xem con em có làm sao không?

ThS. Bác sĩ nội trú Nguyễn Quốc Thái 

Bệnh tay chân miệng thường chỉ diễn biến trong vòng 7 ngày. Bệnh của con chị đã 2 tuần, có thể là do tổn thương ngoài da, bạn cần đưa cháu đi khám để phát hiện xem là có phải do mụn mủ, nếu đúng phải trích tháo mủ, rồi sử dụng kháng sinh.

Bệnh tay chân miệng có thể tái phát, nhưng thường một thời gian dài. Virus gây bệnh tay chân miệng có nhiều loại, tác nhân gây bệnh có thể khác nhau. Nhưng cũng có trường hợp bị tái phát cũng do cùng 1 loại virus. Ít nhất thường 6 tháng trở ra mới có khả năng mắc lại.

Bạn đọc

Thưa TS. Từ Ngữ, trong quá trình bệnh TCM tiến triển, và đặc biệt khi da xuất hiện những vết loét thì có cần hạn chế nhóm thực phẩm nào để giảm thiểu vết loét không ạ?

TS. Từ Ngữ 

Thật ra bệnh tay chân miệng, về nguyên tắc thường không để lại sẹo. Tuy nhiên trong giải pháp đảm bảo sức khỏe cho trẻ, góp phần làm bệnh thoái nhanh hơn thì nhóm các loại vitamin sẽ giúp trẻ làm được điều này như vitamin C, vitamin PP… Các loại nước ép quả rất giàu vitamin C; các loại sữa bổ sung khá đầy đủ vi chất, vitamin cho cơ thể....

Ngoài ra hàm lượng protein phải đủ do protein là hàng rào bảo vệ cơ thể; kẽm cũng rất quan trọng giúp tạo các kháng nguyên, kháng thể cho cơ thể.

Bạn đọc:

Xin hỏi TS. Từ Ngữ, khi xuất hiện các vết loét do bệnh TCM gây ra, thì trẻ rất biếng ăn vì rất đau. Vậy thức ăn cần được chế biến như thế nào để trẻ hấp thu được ạ?

TS. Từ Ngữ

Các cháu nhiềm khuẩn nói chung thường có hai vấn đề: một là nhu cầu cơ thể cao hơn; trường hợp thứ 2 lại không ăn được, các dịch tiêu hóa trong cơ thể giảm đi. Giải quyết các vấn đề này có vài cách giải quyết nhưng khó, hết sức lưu ý với cha mẹ cần "dỗ" được con.

Thứ hai, món ăn trẻ yêu thích phải cho trẻ ăn như bình thường. Thức ăn phải mềm, lỏng, nhưng đậm độ phải cao, các chất dinh dưỡng đầy đủ.

Thứ 3 là phải chia nhỏ bữa ăn ra, không nên ép ăn nhiều một bữa, để cung cấp đủ chất cho cơ thể trẻ. Bổ sung dinh dưỡng theo độ tuổi, trẻ đang bú mẹ phải tiếp tục cho bú; trẻ khác cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn như việc bổ sung sữa là quan trọng. Bù nước cộng với vấn đề vệ sinh miệng thì quá trình lành bệnh sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, nên cho trẻ ăn đồ nguội hơn, không nên ăn đồ quá nóng. Không dùng các chất kích thích cho trẻ như đồ ăn chua, cay… Đặc biệt chú ý vitamin C, nhóm tan trong nước nói chung sẽ rất tốt cho trẻ.

Bạn đọc Huỳnh Ngọc Nữ

Chào bác sĩ! Con em được 2 tháng tuổi. Trong miệng bé có xuất hiện những vết mụn màu đỏ, ở môi và có 1 mụn ở hàm trên gần họng. Cháu sau khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 thì bị sốt 2 ngày, sau khi hết sốt cháu bị ho và thở có tiếng khò khè do có đờm trong cổ. Đến nay cháu bị ho 3 ngày rồi và trong miệng cháu xuất hiện nốt đỏ được 2 ngày, hiện giờ thì cháu không bị sốt. Xin hỏi Bác sĩ liệu cháu có bị bệnh tay chân miệng không ạ?

ThS. BS nội trú Nguyễn Quốc Thái:

Việc chẩn đoán các tổn thương trên da qua mô tả rất khó, tôi khuyên bạn nên đưa con mình đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán. Về cơ bản, bệnh tay chân miệng có biểu hiện ban đầu là sốt, sau 1-2 ngày trẻ bắt đầu mọc các tổn thương da ở lòng bàn tay, bàn chân, quanh miệng, trong khoang miệng. Lúc đầu chỉ là những nốt màu đỏ rất nhỏ, sau đó mới xuất hiện các nốt phỏng, trong miệng có vết loét. Đối với trường hợp cháu ở đây nếu sốt cao (trên 39 độ) cần nhập viện.

Để phân biệt tổn thương miệng với tổn thương do tay chân miệng, theo tôi bệnh do virus herpes cũng có tổn thương loét miệng, thường là không có sốt, cũng có khi đó là loét áp tơ cũng gây đau. Trong bệnh tay chân miệng bên cạnh tổn thương miệng còn có tổn thương ở tay, chân, mông hay đầu gối. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu tay chân miệng, chúng ta chỉ có thể điều trị triệu chứng. Bệnh nhân cần được theo dõi đề phòng biến chứng.

Bạn đọc

Liệu thực phẩm, đồ ăn độc hại có phải là một trong những nguyên nhân khiến con người ngày càng mắc các bệnh truyền nhiễm ngoài tầm kiểm soát như thế không?

TS. Từ Ngữ 

Tôi nghĩ rằng trong vấn đề thực phẩm hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề như vấn đề kháng sinh, tồn dư hóa chất trong thực phẩm... chẳng hạn, muốn nuôi con vật phát triển nhanh người ta dùng các thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, trong nuôi trồng thì sử dụng thuốc thực vật....

Hiện nay ngoài vấn đề biến đổi khí hậu môi trường chung thì còn có vấn đề thực phẩm chưa lành, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. Trong khi đó con người hiện nay lại dường như ít rèn luyện, sức đề kháng kém hơn thì rất dễ nhiễm bệnh. Do đó vấn đề vệ sinh nói chung, vấn đề an toàn thực phẩm là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể, khiến con người mắc các bệnh truyền nhiễm ngoài tầm kiểm soát...

Bạn đọc

Thưa ThS.BS, nguyên nhân chính nào khiến càng ngày càng có nhiều người dễ mắc bệnh Tay chân miệng đến vậy? Người dân phải làm gì để phòng tránh bệnh?

ThS. BS nội trú Nguyễn Quốc Thái 

Cho đến nay chúng ta mới chỉ thanh toán được bệnh đậu mùa, nhiều mầm bệnh vi sinh hiện vẫn chưa “xóa sổ” được chúng. Thói quen ăn sạch, rửa tay rất đơn giản nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện tốt, là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Như bệnh SARS chẳng hạn, bắt nguồn từ nguyên nhân ăn thịt thú rừng của con người. Đây là những yếu tố nguy cơ gây bệnh cho con người.

Theo Sức khỏe và Đời sống

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image