Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Tư vấn trực tuyến: Trẻ nhiễm độc chì từ đồ chơi sơn màu lòe loẹt

Các chuyên gia tư vấn đến từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai giải đáp thắc mắc trên VOV.VN lúc 9h ngày 27/10 về ngộ độc chì.

Đúng 9h00, TS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, và Ths. Nguyễn Trung Nguyên đã có mặt tại tòa soạn của VOV.VN để trả lời các câu hỏi của độc giả.

toan_canh_yrru.jpg 

** Xin bác sĩ cho biết những tác hại của chì đối với sức khỏe con người. Nếu bị ngộ độc chì có tử vong không? Xin cảm ơn (Nguyễn Thị Huệ, Phạm Hùng, Hà Nội)

TS BS CKII Nguyễn Kim Sơn: Chì ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển đến thể chất và trí tuệ của con người, nhất là đối với những phụ nữ có thai. Nếu ngộ độc chì có thể tử vong, nhất là trẻ con, do hôn mê và co giật do tổn thương thần kinh Trung ương gây hủy hoại và thoái hóa thần kinh.

** Thưa bác sĩ, ở Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã có trường hợp ngộ độc chì bị biến chứng không ạ? (Anh Hà, Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội).

TS BS CKII Nguyễn Kim Sơn: Có. Hiện Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đang tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân nam 6 tuổi bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam bôi tưa lưỡi. Cháu vào viện vì chậm phát triển trí tuệ, không chịu tiếp xúc và hòa nhập với cộng đồng như: không nói chuyện với bạn, hay ngồi thu lu một chỗ, không chào hỏi ai khi tiếp xúc với người lớn. Trước khi bị ngộ độc chì, trí tuệ của cháu hoàn toàn bình thường.

Trước đó, ở Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc chì ở trẻ em và người lớn. Trong đó có một trường hợp bị ngộ độc chì đầu tiên (con gái), năm nay đã hơn 20 tuổi ngoài biết bấm tivi và nói được câu mẹ thì cháu không làm được việc gì khác kể cả vệ sinh cá nhân. Xin nói thêm, trước khi bị ngộ độc chì, cháu hoàn toàn bình thường. 

** Bác sĩ ơi, em thường xuyên dùng mỹ phẩm. Không biết trong mỹ phẩm có chì không? Làm cách nào để nhận biết chì trong mỹ phẩm. Xin cảm ơn (Lan Phương, 20 tuổi, Hà Nội)?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Trong nhiều loại mỹ phẩm có chứa chì, đặc biệt là các loại son. Ở châu Âu đã có khảo sát cho thấy hơn 20% mẫu son có chì hàm lượng cao. Ở Việt Nam, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Các loại mỹ phẩm được lưu hành ở châu Âu đã qua rất nhiều hàng rào kiểm soát trước khi bán ra thị trường, còn ở Việt Nam, đây là vấn đề còn nhiều dấu hỏi. Và sắp tới sẽ có một đề tài cấp nhà nước khảo sát tình trạng có chứa chì trong các loại mỹ phẩm.

Để nhận biết chì trong mỹ phẩm, đầu tiên ở sản phẩm son dễ gặp nhất và các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm giả. Để phân biệt đâu là mỹ phẩm giả và thật trên thị trường hiện nay, đối với người tiêu dùng là vấn đề khó.

Để mua được mỹ phẩm thật và xử lý những sự cố có thể xảy ra, theo chúng tôi, các bạn nên mua mỹ phẩm ở những nhà phân phối chính thức, được ủy quyền của nhà sản xuất, có thông tin địa chỉ rõ ràng, khi mua nên chọn hàng phải có mã số rõ ràng (hiện nay xu thế đang phát triển mã điện tử mà khách hàng có thể tự kiểm tra được), phải có hóa đơn ghi rõ tên hàng… để khi có sự cố có thể truy cứu nguồn hàng. 

vov_a_son_2_ywyl.jpg

TS. BSCKII Nguyễn Kim Sơn

** Chào bác sĩ, năm nay, con trai của tôi đang học lớp 1. Cháu sử dụng bút chì trong giờ học là chủ yếu. Vậy tôi muốn hỏi các cháu dùng bút chì như thế có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? (Lan Minh, TP HCM)

TS BS CKII Nguyễn Kim Sơn: Cháu của bạn học lớp 1 sử dụng bút chì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vì, ruột chì là than carbon nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. 

**  Con gái tôi năm nay 4 tuổi. Cháu mới được 13kg, rất lười ăn. Vì vậy, gia đình chúng tôi đã mua thuốc cam ở phố Trần Xuân Soạn cho cháu uống để cháu tăng cân. Nghe nói thuốc cam chưa rất nhiều chì. Xin bác sĩ tư vấn giùm. Làm thế nào để nhận biết thuốc cam có chứa chì? (Lê Thị Thảo, Nguyễn Sơn, Hà Nội)

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Cháu của chị đã dùng thuốc cam, vậy xin chị cung cấp thêm thông tin về đặc điểm thuốc cam đã dùng để giúp cho vấn đề định hướng nguy cơ. Các loại thuốc cam có chứa chì hiện nay ở VN, qua tổng kết từ các bệnh nhân, thì các loại thuốc cam dạng bột, viên có màu sắc như đỏ, màu cam, màu hồng, màu nâu không rõ nguồn gốc, thường là các loại thuốc có chứa hàm lượng chì cao. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên chị, nếu dùng thuốc cam bột hoặc viên không rõ nguồn gốc thì nên cho cháu đi kiểm tra nồng độ chì trong máu. 

vov_chong_doc_yvhm.jpg

ThS. Nguyễn Trung Nguyên 

** Xin bác sĩ cho biết các dấu hiệu nhận biết ngộ độc chì? (Phan Thị Liên, Hà Nội)

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Biểu hiện ngộ độc chì có thể giống với nhiều bệnh khác nhau, ví dụ: nặng thì có thể hôn mê, co giật giống như viêm màng não, viêm não, hoặc thiếu máu không rõ nguyên nhân, hoặc chậm phát triển thể chất, tinh thần giống các bệnh về thần kinh, tâm thần… Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp ngộ độc chì chỉ biểu hiện ở mức độ kín đáo. Với khả năng nhận biết của cộng đồng và ngay cả với nhân viên y tế, bác sĩ khi khám bệnh bằng các phương pháp thông thường cũng có thể không phát hiện ra biểu hiện nhiễm độc chì, trừ khi dùng phương pháp xét nghiệm chì trong máu.

Thực tế,  các nghiên cứu cho tới nay đã chứng minh, chì máu ở nồng độ gọi là thấp dưới 10 mcg/dL, cũng ảnh hưởng làm chậm phát triển trí tuệ của trẻ. Ví dụ, một trẻ được sinh ra được coi là có trí tuệ bình thường như trẻ khác (ví dụ: mức độ khá), lượng chì trong máu là 6 mcg/dL. Nhưng nếu lượng chì trong máu của trẻ thấp hơn hoặc không có chì thì trẻ lẽ ra đã thông minh hơn, ví dụ trẻ có thể học ở mức độ giỏi (chứ không phải khá). Chúng ta đều biết đánh giá mức độ khá và giỏi là khác nhau xa trong thời buổi phát triển như hiện nay, kết quả thi chỉ chênh nhau chút ít là đã ảnh hưởng đến cơ hội thành công của trẻ.

Để chẩn đoán sớm ngộ độc chì, chúng tôi khuyến cáo mọi người không đợi đến khi có biểu hiện nhiễm độc chì rõ, nặng mà phải kiểm tra ở tất cả mọi người có tiếp xúc với các nguồn có chì trong cuộc sống: thuốc cam không rõ nguồn gốc, nghề sản xuất ắc quy, sửa chữa ắc quy, khai thác quặng chì, thiếc… Các bạn có thể tìm thêm thông tin về các nguồn nhiễm chì chi tiết hơn tại website của Trung tâm Chống độc  Bệnh viện Bạch Mai (www.chongdoc.org.vn).

vov_anh_son_duxj.jpg 

** Thưa bác sĩ, làm cách nào để phòng tránh ngộ độc chì? Ngộ độc chì có nguy hiểm không? (Nguyễn Thảo, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội)

TS BS CKII Nguyễn Kim Sơn: Như chúng tôi đã trả lời ở trên, ngộ độc chì rất nguy hiểm đối với tâm thần, trí tuệ và sự phát triển về thể chất của trẻ. Để phòng tránh ngộ độc chì chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng và sự tham gia của nhiều Bộ, ngành.

Các cơ quan cần tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân (khi bị bệnh nên đến các cơ sở y tế của nhà nước và chỉ sử dụng các thuốc được đăng ký lưu  hành hợp pháp). Tăng cường công tác quản lý, sản xuất, lưu thông phân phối và sử dụng thuốc, loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ gây nhiễm độc chì trong cuộc sống hàng ngày như: sơn có chì, đồ chơi có chì…Ngoài ra, chúng ta có các biện pháp quản lý với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan làm ảnh hưởng đến môi trường lao động, vệ sinh an toàn lao động: giám sát, đánh giá tình trạng ô nhiễm chì, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho những người làm việc trong môi trường liên quan đến chì như: sơn, công nhân sơn, làng nghề nung nấu chì, đúc chì… đặc biệt, đối với các trẻ dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc (hồng đơn) để bôi, uống thì phải đến các Trung tâm chống độc xét nghiệm và kiểm tra. Trừ các trường hợp thuốc cam của các cơ sở đông y được phép của Sở Y tế.

Chúng ta cần thận trọng khi sử dụng các sản phẩm, đồ chơi có dùng sơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký phép của các cơ quan chức năng như: đồ chơi của trẻ, đồ trang sức của trẻ, đồ nội thất gia dụng, đồ chứa nước bằng nhựa…

** Xin bác sĩ cho biết nếu bị ngộ độc chì thì đến cơ sở nào để khám ạ? (HM. Hà Nội)?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Nếu tình trạng người bệnh nặng, trong tình trạng cấp cứu (bất tỉnh, co giật) hoặc vừa mới uống thuốc cam chắc chắn có chứa chì thì hãy đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí ban đầu kịp thời.

Nếu tình trạng người bệnh ổn định, có thể đưa người bệnh tới khám tại một số trung tâm y tế như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế…

** Ở Việt Nam, địa phương nào sử dụng chì nhiều nhất? Chúng ta đã có thông kê cụ thể về tác hại của chì đối với sức khỏe con người hay chưa? (Một bạn đọc giấu tên)

TS BS CKII Nguyễn Kim Sơn: Ở các vùng khai thác quặng, sắt, thiếc… các làng nghề tái chế, thu gom tái chế, các sản phẩm chì như ắc quy, các đồ phá dỡ tàu cũ, các công nhân sửa chữa bộ tản nhiệt động cơ, sản xuất thủy tinh đúc cắt chì, công nhân xây dựng làm việc với cát, phùn sơn, phá hủy công trình cũ, sản xuất thủy tinh.

Một số nhóm có nguy cơ trung bình như thợ tráng men sứ, thổi thủy tinh, thợ sửa ống nước, công nhân quốc phòng sản xuất đạn chì, thợ đánh véc ni, công nhân làm việc với cáp và dây điện, thợ kim hoàn. Ngoài ra, những người tiếp xúc với môi trường như cảnh sát giao thông, lái xe taxi, công nhân sửa xe, thu lệ phí, bán xăng dầu trước năm 2002… cũng là những đối tượng có nguy cơ bị nhiễm độc chì.

vov_toadam_vpyi.jpg 

** Hiện tại, ở Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai hàng ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc chì đến khám không? Những bệnh nhân bị ngộ độc chì do ăn uống hay sử dụng ạ. Xin cảm ơn. (Thu Hường, Tổ 3 Phương Liệt, Hà Nội)?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận, khám, chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh nhân nhiễm độc chì. Có những thời điểm vào đợt bùng phát ngộ độc chì, cao điểm có tới hàng trăm trẻ đến kiểm tra do dùng thuốc cam. Rất nhiều trẻ trong số này đã bị nhiễm chì.

Những bệnh nhân bị ngộ độc chì thường do mấy nguồn: sử dụng các thuốc cam có chứa chì (uống, bôi miệng, bôi hậu môn ở trẻ em), làm các nghề có nguy cơ cao như sản xuất, sửa chữa, tái chế ắc quy, khai thác quặng chì…

** Em nghe nói là ở trong thuốc nam có chứa rất nhiều chì. Nếu như vậy thì chúng ta không nên uống thuốc nam phải không bác sĩ? (Đinh Hằng, Ngọc Hà, Hà Nội).

TS BS CKII Nguyễn Kim Sơn: Nếu thuốc nam được trồng ở chỗ sạch (có nguồn gốc, không dùng thuốc trừ sâu cấm, nhất là loại thuốc nhập lậu) và đảm bảo quy trình thu lượm, bảo quản và chế biến được các bệnh viện đông y và các cơ sở đông y được phép của Sở Y tế hành nghề. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Các loại thuốc nam bày bán ở chợ nhất là các ở các tỉnh biên giới và vùng sâu, vùng xa thì không nên mua sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng những bài thuốc nam truyền miệng, không được kiểm chứng bởi các cơ sở khoa học.

Chúng tôi đề nghị, các cơ quan  nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan truyền thông cần kiểm tra kỹ các quảng cáo trên truyền hình và báo chí, không để người dân hiểu lầm những thông tin về thuốc được quảng cáo là đã được kiểm chứng và không bị ngộ độc. 

**  Hiện nay, em đang làm công nhân cho một công ty chuyên sản xuất ắc quy. Em chưa lập gia đình. Em nghe nói, nếu tiếp xúc nhiều với chì sau này sẽ vô sinh phải không bác sĩ (Hồng Thắm, Đồng Nai)?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Chì đã được chứng minh có thể làm giảm khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Bạn làm ở công ty chuyên sản xuất ắc quy thì có nhiều khâu của quá trình sản xuất có nguy cơ nhiễm độc chì ở các mức độ khác nhau. Nguy cơ cao nhất là khâu trực tiếp làm việc với bản điện cực chì.

Chúng tôi khuyên bạn nên đi xét nghiệm chì trong máu và kể cả kết quả lần xét nghiệm này cho thấy lượng chì trong máu ở phạm vi chấp nhận được bạn vẫn cần phải xét nghiệm lại định kỳ. Vì trong quá trình làm việc, nguy cơ phơi nhiễm chì vẫn đang có.

Chúng tôi cũng xin nói thêm, kể cả khi sau này bạn có gia đình và có con, bạn tiếp tục làm việc ở môi trường có nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép thì vẫn phải đảm bảo không mang nguy cơ nhiễm chì đó về cho gia đình (như mặc nguyên quần áo, giầy dép từ nơi làm việc về nhà). 

** Thưa bác sĩ, các đồ chơi sơn màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt độc hại không và liệu các đồ chơi đó có chứa độc tố chì hay không? (Thái Dũng, Hà Nội)?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Nhiều đồ chơi có dùng sơn lưu hành trên thị trường có thể chứa chì hàm lượng cao, ngay cả ở thị trường Mỹ, nơi kiểm soát sản phẩm nhập khẩu rất chặt chẽ, nhưng rất nhiều loại đồ chơi, vật dụng dùng cho trẻ em (văn phòng phẩm, quần áo, giầy dép, mũ… ) xuất xứ từ một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, đã bị phát hiện có chứa chì với hàm lượng cao và đã bị thu hồi.

Vậy thì ở Việt Nam hiện nay, đồ chơi và nhiều vật dụng cho trẻ em nếu nhập khẩu từ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, kể cả có màu sắc sặc sỡ hay không nhưng có dùng sơn đều có nguy cơ chứa chì hàm lượng cao. 

** Xin bác sĩ cho biết cách sơ cứu khi bị ngộ độc chì? (Nguyễn Minh Anh, Quận 1, TP HCM)

TS BS CKII Nguyễn Kim Sơn: Vì ngộ độc chì biểu hiện rất kín đáo chỉ khi chúng ta chúng ta chủ động đi khám và xét nghiệm định lượng nồng độ chì trong máu và nước tiểu.

**  Xin bác sĩ cho biết hậu quả, di chứng của ngộ độc chì?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Hậu quả, di chứng nguy hiểm nhất của ngộ độc chì là với sự phát triển trí tuệ ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngay cả với hàm lượng chì trong máu dưới 10 mcg/dL cũng có thể làm giảm sự phát triển trí thông minh ở trẻ.

Chì cũng có thể ảnh hưởng tới thai nhi, làm chậm phát triển thai, dị dạng thai, rút ngắn thời gian mang thai, tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non. Chì cũng có thể ảnh hưởng làm chậm phát triển thể chất (ở trẻ em), độc với máu và nhiều cơ quan khác. 

** Thưa bác sĩ, bố em là thợ săn chim. Bố em thường chế tạo đạn để săn bắn cho rẻ. Thưa bác sĩ, bố em làm vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe không? (Một bạn đọc ở phố Khâm Thiên, Hà Nội)?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Công việc của bố em có nguy cơ cao về nhiễm độc chì, kể cả những người tiếp xúc gần sát với chỗ làm việc của bố em. Chúng tôi khuyên em nên đưa bố đi khám và xét nghiệm chì trong máu sẽ biết rõ để có hướng xử trí nếu bị nhiễm độc chì.

**  Nếu đang có thai mà bị nhiễm độc chì có nguy hiểm cho thai nhi không thưa bác sĩ? (Trịnh Thị Hoa, Võ Thị Sáu, Hà Nội)?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Chì qua được nhau thai nên có thể vào thai nhi từ máu mẹ. Vậy nên, nếu mẹ bị nhiễm độc chì thì nguy cơ ảnh hưởng đến thai (làm chậm phát triển thai, dị dạng thai, rút ngắn thời gian mang thai, tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non).

Những phụ nữ có nguy cơ nhiễm độc chì (xem thông tin về các nghề nghiệp, công việc, các nguồn tiếp xúc với chì tại website: www.chongdoc.org.vn) nên kiểm tra chì trong máu trước khi mang thai để có hướng xử lý kịp thời.

Nếu một người đang mang thai mới phát hiện mình bị nhiễm độc chì thì cần đi khám kiểm tra càng sớm càng tốt để có hướng xử lý cụ thể.

** Trong số các bệnh nhân bị ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc chì hay ngộ độc nấm và ngộ độc thực phẩm, ngộ độc nào chiếm tỷ lệ nhiều nhất,thưa bác sĩ?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Trong các loại ngộ độc bạn hỏi, ngộ độc chì, nấm, ngộ độc thực phẩm thì ngộ độc thực phẩm chiếm tỷ lệ nhiều nhất.

**  Xin bác sĩ cho biết chế độ dinh dưỡng cho người bị ngộ độc chì?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Có hai trường hợp, nếu bạn vẫn đang hằng ngày hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường nhiễm chì trong thời gian chưa ngừng tiếp xúc với môi trường này (thay đổi công việc, vị trí làm việc…), bạn nên bổ sung các loại thực phẩm, thuốc có nhiều khoáng, yếu tố vi lượng, ví dụ: kẽm, can-xi, sắt và đầy đủ chất dinh dưỡng. Nguyên tắc xử lý đầu tiên với tất cả các trường hợp nhiễm độc chì là phải ngừng tiếp xúc với nguồn chì.

Trường hợp bạn đã ngừng tiếp xúc với nguồn chì gây nhiễm độc, thì chế độ ăn không có gì đặc biệt, tất nhiên đủ chất dinh dưỡng là tốt nhất.

** Những loại thức ăn nào có chứa nhiều chì thưa bác sĩ? Em nghe nói, ở miền Biển, họ thường dùng chì và phân đạm để ướp cá cho tươi phải không bác sĩ?

TS BS CKII Nguyễn Kim Sơn: Ở những làng nghề thu gom và chế biến, tái chế những sản phẩm từ chì, các khu công nghiệp khai khoáng mỏ, những vùng trước đây có các kho chứa xăng dầu và đường ống xăng dầu đi qua, các cơ sở quốc phòng sản xuất các loại vũ khí liên quan đến chì, nước thải có nhiễm độc chì không được các cơ quan môi trường kiểm duyệt.

** Xin bác sĩ cho biết trẻ em bị ngộ độc chì nhiều hay người lớn bị nhiều hơn ạ?(Nguyễn Mạnh Nguyên, Đông Anh, Hà Nội)?

Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Hiện chưa có nghiên cứu tổng thể để so sánh tỷ lệ nhiễm độc chì ở hai nhóm này. Tuy nhiên, cả hai nhóm đối tượng này đều có nhiễm độc chì do những nguồn gốc đặc thù. Ví dụ: Người lớn có thể có nhiều nghề nghiệp, công việc có tiếp xúc với chì; trẻ em có thể dùng các loại thuốc cam có chứa chì, đặc biệt vào các đợt bệnh dịch chân tay miệng, tiêu chảy cấp, sốt cao…

Trẻ em, phụ nữ có thai bị ngộ độc nguy hiểm hơn người lớn hơn nam giới. Bởi vì, chì có thể qua nhau thai.

** Xin bác sĩ cho biết biểu hiện lâm sàng của ngộ độc chì ở trẻ em. Chúng ta phải làm gì để phòng tránh ngộ độc chì cho trẻ em  (Thu Linh, Hà Nội)

TS BS CKII Nguyễn Kim Sơn: Bạn có thể vào website của Trung tâm chống độc để tham khảo nhé. 

*************************

Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chì là một kim loại hoàn toàn độc với nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ em. Các nhà khoa học đã chứng minh, nồng độ chì máu càng tăng thì trí tuệ của trẻ càng giảm.

Do chì ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, ở các nước phát triển việc sử dụng chì trong sơn, gốm sứ, hàn vá tàu thuyền, hàn vá các loại ống đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Nhiều nước (trong đó có nước ta) đã ngừng sử dụng chì làm phụ gia trong xăng dầu.

Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm, trong xương (khi đã vào xương khó thải loại, muốn thải loại phải mất 30 - 40 năm), gây tổn thương cho hệ thần kinh và não, chì tập trung ở chất xám của não và tủy sống. Đặc biệt là trẻ em mức độ hấp thụ chì nhanh và cao gấp 3 - 4 lần người lớn. Chì kìm hãm phản ứng ôxy hóa gluco để tạo ra năng lượng cho cơ thể. Chì gây thiếu máu: ức chế tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ hồng cầu, làm hồng cầu dễ vỡ; giảm lượng hồng cầu. Trên thận: chì gây tổn thương thận, giảm thải trừ acid uric qua nước tiểu làm tăng acid uric trong máu gây bệnh gout.

Trên xương, chì làm giảm yếu tố tạo xương, gây mất cân bằng các tế bào xương, giảm chiều cao ở trẻ ngộ độc chì. Với hệ sinh sản, chì làm giảm chức năng sinh sản cả nam và nữ, giảm tình dục, giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm tinh trùng, thay đổi hình thái và tính di chuyển của tinh trùng. Làm thai chậm phát triển, giảm cân nặng trẻ sơ sinh, dễ sẩy thai, đẻ non. Trẻ sinh ra bị dị tật như: hở hàm ếch, u máu, u limpho, thần kinh chậm phát triển.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 99% các trẻ bị ngộ độc chì là ở các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp. Ở Việt Nam, bên cạnh các nguyên nhân gây ngộ độc chì tương tự các nước khác, việc sử dụng các thuốc cam có chứa chì, tái chế chì từ ắc quy, sản xuất không an toàn hoặc sửa chữa ắc quy cũng là các nguyên nhân rất thường gặp, đã và đang gây nên nhiều trường hợp ngộ độc. Ngộ độc chì là loại ngộ độc nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được.

Đáp ứng yêu cầu của đông đảo độc giả, lúc 9h sáng thứ Ba ngày 27/10/2015, Báo Điện tử VOV – Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN) sẽ tổ chức chương trình trực tuyến với chủ đề “Tác hại của chì đối với sức khỏe con người” tại 45 Bà Triệu, Hà Nội..

Các chuyên gia tư vấn: TS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS.Phạm Duệ, Ths. Nguyễn Trung Nguyên sẽ giải đáp những câu hỏi của bạn đọc về việc làm thế nào để phát hiện, phòng tránh nhiễm độc chì và những ảnh hưởng, tác hại của chì với sức khỏe, các biện pháp giải quyết với những người có lượng chì trong máu cao.

Quý vị và các bạn quan tâm, có thể gửi câu hỏi tới Bác sỹ, chuyên gia tư vấn theo địa chỉ: toasoanvov.vn@gmail.com; điện thoại: 04.2213 0231./.

 Nguồn VOV.VN 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image