Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

TỬ VONG VÌ NGỘ ĐỘC NẤM

Mặc dù liên tục cảnh báo nhưng Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vẫn phải tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân ngộ độc do ăn nấm rừng. Mới đây, một gia đình tại Yên Châu, Sơn La đã vào rừng hái nấm về xào để ăn. Hệ quả, người cha đã tử vong ngay tại BV tỉnh, còn mẹ và con dâu đang ngộ độc nặng được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tử vong vì nấm rừng

1

Ngày 22/6/2019, vợ chồng chị Vũ Thị T, 40 tuổi, ở Yên Châu, Sơn La cùng 1 vài người vào rừng hái nấm có màu nâu trắng về chế biến món ăn cho gia đình. Bữa cơm chiều diễn ra bình an, cả gia đình không có dấu hiệu gì đặc biệt nhưng đến sáng hôm sau, 3 thành viên trong gia đình gồm chồng, chị T và con dâu (những người ăn nấm) có biểu hiện đau bụng, nôn và mệt nhiều. Từ bệnh viện huyện, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện tỉnh Sơn La. Tại đây, do tình trạng suy gan quá nặng nên chồng chị T đã tử vong. Chị T và con dâu được kịp thời chuyển về Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng, người trực tiếp điều trị cho 2 mẹ con bệnh nhân T cho biết: Bệnh nhân T bị nhiễm độc gan nặng. Hiện nay, Trung tâm đang áp dụng các biện pháp khác nhau để thải độc, truyền thuốc giải độc, hồi sức, kể cả cùng lúc lọc máu bằng nhiều biện pháp khác nhau cho bệnh nhân, một bệnh nhân có tiến triển tốt hơn nhưng cũng chưa dám nói trước được điều gì, bệnh nhân còn lại còn rất nặng.

 

Tuyệt đối không ăn nấm lạ

Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc khuyến cáo: Trên thực tế có hàng nghìn loại nấm. Tuy nhiên số loại nấm độc không nhiều, nhưng để phân biệt giữa nấm độc với không độc rất khó, với người dân thường xuyên nhầm lẫn, kể cả với chuyên gia cũng có thể nhầm. Vì vậy người dân hái nấm hoang ăn rất dễ bị ngộ độc. Nấm độc nhất gây tử vong thường là nấm trông đẹp, bắt mắt và ngon. Thông thường, ngộ độc nấm xảy ra vào mùa Xuân. Nhưng lác đác trong năm, vẫn có những ca bệnh nhân ngộ độc Nấm. Vì vậy, người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại ăn. Nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm nhìn có lành và ngon đến mấy, thậm chí ai đó quả quyết là loại nấm không độc thì cũng không ăn... . Có lẽ chỉ có loại nấm mọc hoang dại duy nhất mà người dân có thể yên tâm ăn là mộc nhĩ.

Một vấn đề rất nguy hiểm cho các nạn nhân ngộ độc nấm và gây khó khăn cho các bác sỹ là các loài nấm gây ngộ độc nặng và tử vong thường là loại có biểu hiện ngộ độc xuất hiện chậm quá 6 giờ sau ăn, có nghĩa là khi đó các chất độc đã vào sâu cơ thể, các biện pháp cấp cứu ban đầu gần như hết tác dụng, các bệnh nhân đến viện muộn, bị tổn thương đường tiêu hóa, viêm gan, suy thận rất dễ tử vong, tỷ lệ tử vong thường rất cao tới 50% hoặc có thể hơn.

3

Thông tin hữu ích khác:

Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm hoặc sau khi có mưa rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên. Theo thói quen, người dân vẫn hái nấm để ăn và dễ dàng dẫn tới cả gia đình bị ngộ độc và tử vong Loại nấm thường gây ngộ độc nặng và tử vong ở Việt Nam là nấm độc tán trắng (Amanita verna) và nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa) (ảnh), gây đau bụng, nôn, tiểu chảy nhiều, sau đó viêm gan suy gan, suy thận và tử vong.

2

Ảnh nấm (file đính kèm)

Biện pháp phát hiện ngộ độc là sau ăn nấm mọc hoang dại thấy các biểu hiện bất thường, các biểu hiện rất đa dạng.

Phát hiện và sơ cứu các trường hợp ngộ độc nấm nặng, nguy hiểm, dễ tử vong (với cả người dân và nhân viên y tế), căn cứ vào:

  1. Có ăn nấm mọc hoang dại.
  2. Các biểu hiện xuất hiện chậm sau ăn nấm từ 6 giờ trở lên.
  3. Ngộ độc biểu hiện 3 giai đoạn (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón): giai đoạn 1 thường là các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, giai đoạn 2 là các biểu hiện tiêu hóa đỡ hoặc hết (thực ra gan, thận và các cơ quan bắt đầu bị tổn thương, người bệnh và bác sỹ dễ nghĩ là khỏi và cho ra viện), giai đoạn 3 là viêm gan, suy gan, suy thận, hôn mê, chảy máu và tử vong.
  4. Biện pháp sơ cứu: thường ngộ độc phát hiện muộn khi đã qua nhiều giờ nôn nhiều, nếu nạn nhân còn tỉnh, uống được thì cho uống nhiều ORESOL hoặc nước khoáng, nước quả, nước rau luộc pha muối, sau đó nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Tại bệnh viện các bệnh nhân thường cần phải được cấp cứu, hồi sức và giải độc rất tích cực và theo dõi sát.

Một lần nữa, để phòng tránh ngộ độc nấm, người dân hãy không ăn các loài nấm mọc hoang dại, trừ mộc nhĩ, kể cả khi bạn là chuyên gia về nấm.

     * Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Bài: DH

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image