Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Tựu trường, đề phòng dịch bệnh

Mùa tựu trường cũng là cao điểm của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm. Hiện số học sinh đến trường tuy chưa nhiều nhưng việc học tập trung ở một số nơi đang có dịch cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đòi hỏi phụ huynh, nhà trường phải sát sao trong việc chăm sóc sức khỏe, đề phòng dịch bệnh cho học sinh.

Báo động số mắc sốt xuất huyết

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước ghi nhận gần 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 48 tỉnh, thành, trong đó có 17 ca tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số mắc tăng gần 3 lần.

Ở thời điểm này của năm 2015, TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Sóc Trăng, Đồng Tháp là những địa phương có số người mắc cao thì năm nay, 4 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) lại rơi vào tình trạng “nghẹt thở” vì dịch. Tình hình dịch đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, số người mắc không ngừng tăng, hiện đã chiếm gần 75% số ca mắc cả nước khiến bệnh viện bị quá tải. Gia Lai đã ban bố tình trạng khẩn cấp để phòng chống dịch còn ở Đắk Lắk, 15/15 địa phương đều có dịch khiến các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng.

Khu vực miền Nam, do bước vào mùa cao điểm nên dịch bệnh bắt đầu gia tăng. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1&2 (TPHCM) cho thấy bệnh nhi nhập viện ngày một nhiều. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu tháng 8 đến nay, trung bình mỗi ngày có gần 80 trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Con số này ở Bệnh viện Nhi đồng 2 là 30 - 40 trẻ/ngày. Tại Đồng Nai, dù số ca sốt xuất huyết năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2015 nhưng vẫn ở mức cao và đang có xu hướng gia tăng trở lại. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số lượng bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng từ vài tuần trở lại đây. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca nhập viện điều trị nội trú, tăng gần gấp đôi so với tháng trước.

Ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng nguy hiểm không kém. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, mặc dù số ca mắc tay chân miệng tích lũy trong năm nay giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng số ca mắc vẫn ghi nhận trên 61 tỉnh, thành phố.

Dễ bùng phát

Cả sốt xuất huyết và tay chân miệng đều bước vào thời kỳ cao điểm (tháng 9 - 10). Đây cũng là lúc học sinh nhiều nơi bắt đầu tựu trường nên dễ lây lan, bùng phát thành dịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết mưa nắng thất thường, trẻ sau thời gian nghỉ hè nay đi học đồng nghĩa với việc thay đổi môi trường ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý. Có trẻ đi học vài hôm là quen nhưng có trẻ mất cả tháng. Tâm lý ngại đi học cộng với lười ăn, uống khiến các bé dễ mệt mỏi, sức đề kháng yếu đi. Lúc này chỉ cần trong lớp, trong trường có bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm thì khả năng lây lan dễ xảy ra.

Mắc bệnh khi đi học là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát, gia đình, nhà trường, cơ quan... cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt. Phụ huynh và nhà trường cũng cần phối hợp với chính quyền và y tế địa phương trong công tác phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Gia đình nên cho trẻ ngủ trong màn vào ban ngày và tối, tránh chơi ở chỗ tối. Với nhà trường, nếu tổ chức cho học sinh học bán trú, nếu trường không có màn, trẻ không học trong phòng máy lạnh hay ngủ trưa trong phòng máy lạnh thì các bậc cha mẹ có thể dặn trẻ thoa kem chống muỗi khi ngủ trưa.

Bệnh tay chân miệng thường tấn công trẻ nhỏ. Do các em chưa có ý thức phòng bệnh, vệ sinh cá nhân nên người chăm sóc trẻ phải thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong ăn uống. Các hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Thực hiện sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo một trong các triệu chứng: Nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng... phải nhanh chóng đưa người bệnh đi khám bệnh và thông báo cho trạm y tế địa phương.

- Thực hiện cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh tay chân miệng. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Nguồn Giaoducthoidai.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image