Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Ứng dụng của huyết tương giàu tiểu cầu trong nhổ răng

Nhổ răng là một thủ thuật nha khoa phổ biến trong nhiều trường hợp như răng khôn hàm dưới mọc lệch - ngầm, sâu răng vỡ lớn, gãy chân răng phức tạp, bệnh nha chu, tạo khoảng chỉnh nha. Quá trình lành thương sinh lý của huyệt ổ răng sau nhổ là một quá trình phức tạp, bao gồm lành thương mô mềm và đặc biệt là mô cứng, có sự di chuyển và trưởng thành của các tế bào xương, đây cũng là quá trình tiêu xương và hình thành xương mới có chọn lọc.

Kết quả của quá trình này thường sẽ dẫn đến mất kích thước theo chiều ngang và chiều dọc huyệt ổ răng, dẫn đến mất thể tích xương, ảnh hưởng đến các quá trình phục hồi mất răng sau này. Với bệnh nhân chọn lựa cấy ghép implant, tình trạng mất xương sau nhổ răng kéo dài còn có thể làm phát sinh thêm quy trình ghép xương nhằm phục hồi hoàn toàn về mặt chức năng và thẩm mỹ lâu dài cho bệnh nhân, đòi hỏi chi phí tăng cao và thời gian kéo dài hơn.

1. PRP và PRF là gì?

Việc ra đời dòng huyết tương giàu tiểu cầu với tên viết tắt tiếng Anh là PRP (Platelet-rich Plasma), là một chế phẩm máu thế hệ đầu tiên được chiết tách bằng máy ly tâm để loại bỏ hồng cầu, bạch cầu và làm giàu nồng độ tiểu cầu lên nhiều lần (2-8 lần) so với nồng độ tiểu cầu bình thường trong máu ngoại vi đã mở ra một chương mới trong phục hồi chấn thương trong thể thao. Việc đưa huyết tương giàu tiểu cầu vào vùng tổn thương, tiểu cầu sẽ lập tức phát hiện và tập trung bám vào vị trí thương tổn, chúng tiết ra các protein (gồm các yếu tố tăng trưởng và một số yếu tố khác) giúp kích thích các tế bào lành ở xung quanh nơi tổn thương phân chia và tham gia vào quá trình sửa chữa các thương tổn, kích thích quá trình liền thương, giúp quá trình liền thương nhanh và ổn định hơn.

Tuy vậy, PRP vẫn có một số nhược điểm do việc phải sử dụng chất chống đông, nên sẽ cần thêm chất hoạt hóa, dẫn đến có thể gây ra các nguy cơ dị ứng, cũng như cảm giác khó chịu khi đưa vào cơ thể. Đến năm 2001, Tiến sĩ Choukroun (người Pháp) và cộng sự đã giới thiệu dòng fibrin giàu tiểu cầu (PRF), chính là dòng tiểu cầu đậm đặc thế hệ thứ hai chứa tiểu cầu và yếu tố tăng trưởng dưới dạng màng fibrin được điều chế từ chính máu người bệnh mà không cần bổ sung chất chống đông máu, đồng thời đơn giản hóa quy trình tách chiết chỉ cần một lần thực hiện quay ly tâm với tốc độ thấp, thời gian ngắn. Bên cạnh đó, PRF còn có hiệu quả phóng thích kéo dài. Dựa trên cấu trúc fibrin và thành phần tế bào, hiện nay phổ biến bốn loại sản phẩm tiểu cầu đậm đặc chính, đó là:

  1. Huyết tương giàu tiểu cầu tinh khiết (P-PRP)
  2. Huyết tương giàu bạch cầu và tiểu cầu (L-PRP)
  3. Fibrin giàu tiểu cầu tinh khiết (P-PRF)
  4. Fibrin giàu bạch cầu và tiểu cầu (L-PRF)

Trong bốn loại trên thì trong răng hàm mặt, màng L-PRF dạng gel đặc là vật liệu sinh học dễ sử dụng, hoạt động như một băng vết thương, tạo ra một bộ khung để bảo vệ và thúc đẩy sự lành của mép vết thương, thúc đẩy sự tích hợp và tái cấu trúc vật liệu sinh học được ghép phía trong (nếu có).

2. Quy trình tách triết PRF

- Lấy máu tĩnh mạch trên bệnh nhân (20 ml)

 

- Đem ly tâm ở tốc độ 3.000 vòng / phút trong 10 phút, máu trong ống nghiệm sẽ chia thành ba phần riêng biệt: Phần dưới cùng là các tế bào hồng cầu; Phần giữa chứa cục máu đông fibrin và Phần trên cùng là huyết tương (plasma) nghèo tiểu cầu


 

- Lấy màng PRF ra khỏi ống nghiệm


 

- Ghép vào huyệt ổ răng vừa nhổ

3. Ứng dụng trong nhổ răng

Thường sau khi nhổ răng các vị trí nhổ răng không phải lúc nào cũng có thể khâu kín, thức ăn và vi khuẩn vì vậy sẽ lắng đọng gây đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân đồng thời làm chậm quá trình lành thương. Khi PRF được đặt vào vị trí ổ nhổ răng, nó sẽ bảo vệ huyệt ổ răng khỏi bị nhiễm trùng đồng thời các protein trong màng PRF giúp tăng cường chữa lành vết thương. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy PRF giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương ở ổ răng sau khi nhổ bằng cách tăng khả năng lấp đầy xương và giảm tiêu xương


 

             Tốc độ lành thương sau nhổ răng. A. Ngay sau nhổ; B. Sau 8 tuần

PRF là sản phẩm tự thân nên không gây các phản ứng miễn dịch thải loại, quy trình chế tạo đơn giản và giá thành rẻ nên có thể được áp dụng rộng rãi

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy PRF có hiệu quả rất tốt đối với tình trạng sưng đau sau phẫu thuật nhổ răng, đặc biệt với các răng hàm lớn thứ ba hàm dưới (răng khôn). Trường hợp phẫu thuật kéo dài có khoan cắt xương, nguy cơ hoại tử xương hay viêm khô huyệt ổ răng còn lớn hơn. PRF lúc này có thể được sử dụng để kiểm soát sưng sau phẫu thuật nhổ răng


 

    Huyệt ổ răng sau khi nhổ răng khôn

Làm đầy bằng vật liệu PRF

Case lâm sàng: bệnh nhân còn chân răng 15, tiến hành nhổ chân răng và đặt màng PRF. Bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng sưng đau sau nhổ răng, quá trình lành thương mô mềm diễn ra thuận lợi và lợi lành thương thứ phát hoàn toàn sau 2 tuần.


 

 

Hình ảnh: Bệnh nhân tổn thương toàn bộ phần thân răng có chỉ định nhổ và màng L-PRF dạng gel đặc được ly tâm từ máu toàn phần dùng để đặt vào huyệt ổ răng sau nhổ


 

 

Hình ảnh: Bệnh nhân được đặt 1 lớp màng PRF, sau đó phủ thêm lớp màng Colagen, khâu cố định màng colagen


 

 

Hình ảnh: Bệnh nhân lành thương sau 1 tuần và sau 2 tuần

Kết luận: Từ chế phẩm ban đầu là dòng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) với đặc điểm chỉ chiết tách và làm giàu duy nhất cho dòng tiểu cầu, với quy trình xử lý phức tạp, phải sử dụng các chất chống đông…, đến thế hệ thứ 2 là nhóm Fibrin giàu tiểu cầu (PRF), giàu yếu tố tăng trưởng mà Choukroun và cộng sự nghiên cứu đã giúp đơn giản hóa quy trình tách triết, dễ dàng áp dụng trên lâm sàng, không cần các chất phụ gia…, trong những năm gần đây đã trở nên phổ biến như một vật liệu sinh học có giá trị đối với phẫu thuật, được ứng dụng hiệu quả trong chuyên nghành răng hàm mặt với các ưu điểm:

- Cầm máu sau nhổ răng

- Giảm sưng, đau sau nhổ

- Thúc đẩy nhanh quá trình lành thương mô mềm

- Tái tạo cấu trúc xương, ổn định vật liệu ghép 

Tuy nhiên, hiện quy trình nhổ răng kết hợp ghép PRF mới chỉ được cấp phép lại một số các bệnh viện lớn và cơ sở y tế chuyên khoa. Do đó, bệnh nhân cần cân nhắc và lựa chọn đúng cơ sở để thực hiện.

-------------------------------------------------

Người bệnh có nhu cầu khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt xin đến đăng ký và khám tại: Khoa Răng hàm mặt - nhà A7, Bệnh viện Bạch Mai, 78 Giải Phóng

Thời gian khám: 8h - 16h các ngày từ thứ 2 – thứ 6

Số điện thoại : 086.958.7708

TS.BS Nguyễn Hùng Hiệp

Khoa Răng Hàm Mặt - BV Bạch Mai

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image