Theo quan điểm của luật sư, nếu xác định các thiết bị lọc máu không đảm bảo theo qui chuẩn là nguyên nhân dẫn tới tử vong 7 bệnh nhân thì trách nhiệm chính thuộc về Công ty cung ứng thiết bị lọc máu chạy thận...
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, Công an TP Hòa Bình đang phối hợp các ngành chức năng tập trung khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật vụ việc 7 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận ở BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Trước đó, ngày 30/5, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.” Theo Điều 242 Bộ luật hình sự 1999.
Sáng 31/5, tổ công tác Công an tỉnh Hòa Bình và Bộ Công an đã đến làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (có trụ sở ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc bảo trì, sửa chữa thiết bị lọc nước vệ sinh tại khoa Thận - bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Được biết, Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn là đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận.
Hồ sơ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thể hiện, ngày 28/5, đơn vị này đã tiến hành bảo trì, sửa chữa hệ thống lọc nước tinh khiết liên quan đến các thiết bị lọc máu để phục vụ bệnh nhân tại Khoa điều trị lọc máu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đến ngày 29/5, 18 bệnh nhân được chạy thận thì xảy ra sự cố tai biến y khoa khiến 7 người chết.
Cũng liên quan đến việc này, đại tá Phạm Văn Sử, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, chiều 30/5, lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình đã tiến hành mở niêm phong một số phòng trong Khoa thận nhân tạo, khám nghiệm các máy móc mà bệnh viện đã sử dụng để chạy thận nhân tạo, lọc máu cho các bệnh nhân. Đồng thời lấy mẫu dịch để giám định và thu thập thêm các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra vụ án.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với luật sư với VnMedia về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, nếu Cơ quan điều tra qua quá trình điều tra thu thập chứng cứ, căn cứ kết quả giám định của Cơ quan chuyên môn xác định các thiết bị lọc máu không đảm bảo theo qui chuẩn là nguyên nhân dẫn tới tử vong 07 bệnh nhân thì trách nhiệm chính thuộc về Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn, là đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận.
Trong trường hợp này thì trách nhiệm làm chết bệnh nhân không còn do lỗi của bác sỹ điều trị. Do đó, Bác sỹ điều trị trực tiếp cho các bênh nhân tử vong sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” Theo Điều 242 Bộ luật hình sự 1999.
Trường hợp xác định nguyên nhân dẫn tới 07 bệnh nhân tử vong là do trong quá trình bảo trì, sửa chữa thiêt bị máy móc phục vụ lọc máu đã sơ suất hoặc do cẩu thả làm không đúng qui trình thì Người cán bộ trực tiếp chỉ đạo sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 98 Bộ luật hình sự 1999.
Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” Theo Điều 242 Bộ luật hình sự được thực hiện trong quan hệ khám chữa bệnh giữa bác sỹ với người bệnh, là loại tội phạm được thực hiện với Chủ thể đặc biệt.
Nếu Cơ quan điều tra khởi tố Cán bộ Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn thì Cơ quan điều tra sẽ phải ra Quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự từ “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” Theo Điều 242 Bộ luật hình sự sang “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" theo Điều 99 Bộ luật hình sự .
Về trách nhiệm dân sự, Bệnh viện đa khoa Tỉnh Hòa Bình và Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn sẽ liên đới chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các gia đình nạn nhân theo qui định của Bộ luật dân sự 2015.
Điều 99. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính 1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm. 2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Khánh Công/Vnmedia