Theo kế hoạch, tháng 9 này là đợt cuối cùng các bệnh viện Trung ương phải hoàn thành việc ký cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều bệnh viện chưa thể ký cam kết với Bộ Y tế.
Các bệnh viện và Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương này như thế nào khi có dư luận cho rằng, lộ trình ký cam kết không nằm ghép quá vội vàng?
Là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt duy nhất ở miền Bắc, Bệnh viện Bạch Mai luôn đông bệnh nhân đến khám và điều trị. Từ khi Bộ Y tế triển khai Đề án giảm quá tải bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã có 15 viện và khoa không còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép; còn lại 11 khoa, viện trọng điểm như tim mạch, hô hấp, truyền nhiễm, thận, tiết niệu vẫn phải ghép 2 bệnh nhân một giường trở lên.
Nhiều bệnh viện là tuyến cuối, bệnh nhân đông nên việc cam kết không để bệnh nhân nằm ghép cần có lộ trình (Ảnh minh họa)
Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là bệnh viện tuyến cuối, đa phần bệnh nhân đến trong tình trạng bệnh nặng nên thời gian điều trị lâu hơn và đòi hỏi tập trung nhiều bác sỹ hàng đầu, do đó việc giảm tải phải thực hiện từng bước. Đến đầu năm 2016, khi bệnh viện hoàn thành dự án nhà 21 tầng, kê thêm được hàng trăm giường bệnh thì bệnh viện mới có thể ký cam kết với Bộ Y tế.
“Khi có tòa nhà 21 tầng hoàn thành, cơ bản tình trạng nằm ghép chúng tôi giải quyết được. Mặt khác, bệnh viện đã kiến nghị Bộ Y tế triển khai điều trị ban ngày, nếu làm được như vậy thì tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện cơ bản sẽ được giải quyết” – ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Bệnh viện Mắt Trung ương đến nay cũng chưa thể ký cam kết với Bộ Y tế. Trong khi đó, hạn cuối cùng trong lộ trình cam kết không để bệnh nhân nằm ghép mà Bộ Y tế đưa ra đã đến, khiến lãnh đạo bệnh viện không khỏi lo lắng.
Phó Giáo sư Trần An, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, việc bệnh viện chưa thể ký cam kết với Bộ là do khách quan: “Bệnh viện chúng tôi khả năng cam kết rất khó. Bệnh nhân đông mà bệnh viện đang trong thời gian cải tạo, đến nay mới được khoảng 1/3 khối lượng công việc. Nếu tháng 9 là hạn cuối cùng ký cam kết thì chúng tôi chưa thực hiện được”.
Trong số 38 bệnh viện tuyến Trung ương, đến nay vẫn còn hơn 10 bệnh viện chưa thể ký cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép, nhất là những bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối như ung bướu, tim mạch và chuyên khoa sản.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, việc Bộ đề ra lộ trình ký cam kết là để các bệnh viện phấn đấu và tập trung nguồn lực, ưu tiên thực hiện, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh chứ hoàn toàn không bắt ép.
Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng: “Mục tiêu không nằm ghép là tự nguyện dựa trên việc các bệnh viện xem xét, cam kết. Tuy nhiên, trong bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện hàng năm có tiêu chí bệnh nhân không nằm ghép. Có thể bệnh viện chưa cam kết được có lý do chủ quan, khách quan nhưng Bộ Y tế sẽ cùng các bệnh viện tháo gỡ khó khăn”.
Mặc dù đã ký cam kết với Bộ Y tế, nhưng nhiều bệnh viện chưa thể thực hiện được việc mỗi bệnh nhân một giường ngay lập tức mà phải sau 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện. Không ít bệnh viện sau khi ký cam kết đã phải bố trí cáng hoặc kê giường cho bệnh nhân nằm ngoài hành lang, gây ra những ý kiến trái chiều.
Quả thực, nếu để kéo dài tình trạng bệnh nhân phải chen chúc nằm cáng trong buồng bệnh hoặc nằm ngoài hành lang, thì việc ký cam kết không nằm ghép sẽ chỉ là việc làm mang tính hình thức.
Thực tế đang đòi hỏi ngành Y tế cần đẩy nhanh hơn tiến độ các dự án xây mở rộng bệnh viện tuyến Trung ương; đồng thời giúp các bệnh viện tuyến dưới thực sự nâng cao được năng lực khám, chữa bệnh. Có như vậy, việc thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện mới đạt được những kết quả bền vững./.
Nguồn vov.vn