Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo quốc gia về phòng chống ung thư diễn ra ngày 6-10 tại Hà Nội.
Mỗi năm trên toàn cầu có 14,1 triệu người mắc mới và trên 8,2 triệu người tử vong vì căn bệnh ung thư. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 135.000-180.000 người mắc mới và 95.000-135.000 người tử vong do ung thư. Ước tính trong năm 2020 sẽ có tối thiểu 189.344 ca ung thư mới. Tỷ lệ mắc mới ung thư đang có xu hướng gia tăng ở hầu hết các nước trên thế giới.
Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 50 nước đứng đầu về tỷ lệ người chết vì ung thư và mắc bệnh ung thư được xếp vào top 1. Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư. Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ với tỷ lệ tử vong vì ung thư là 110/100.000 người, tương đương với các nước như: Phần Lan, Somalia, Turmenistan.
GS.TS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới ở các nước phát triển và đang phát triển. Còn ở nữ giới, ung thư vú là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và ung thư cổ tử cung là nguyên nhân hàng đầu ở các nước đang phát triển. “Ung thư phổi ở đàn ông Việt chỉ tương đương các nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, ung thư phổi ở nữ đáng báo động, bằng gần 2/5 nam giới do hút thuốc lá bị động”, GS Chấn Hùng chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K, trong xu hướng hầu hết các loại ung thư đều tăng ở Việt Nam thì ung thư cổ tử cung đang giảm dần do được phát hiện sớm, tầm soát tốt, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng ngừa ngày càng nhiều. Tuy nhiên, PGS. TS Trần Văn Thuấn đặc biệt lưu ý đến ung thư phổi, trong khi ở Mỹ đứng hàng thứ 10 ở nam giới về số ca mắc thì Việt Nam xếp top đầu do hút thuốc lá quá nhiều. 85% bệnh nhân ung thư phổi đều có liên quan đến thuốc lá.
Điều đáng mừng là hiện nay phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, với điều kiện hiện nay, khi kết hợp cùng lúc 4 hướng: phòng bệnh, phát hiện sớm, tăng cường chẩn đoán điều trị, chăm sóc giảm nhẹ, tỷ lệ chữa khỏi ung thư có nhích lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. “Hiện tỷ lệ chữa khỏi ung thư (sống trên 5 năm) ở nam giới đạt 33%, ở nữ khoảng 40%, trong khi nhiều nước phát triển con số này đã lên tới 70-80%. Nguyên nhân do có tới 70% bệnh nhân ung thư trong nước đều phát hiện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn”, PGS Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Cũng theo thống kê, tổng chi phí 6 loại ung thư phổ biến, gồm: Ung thư vú, gan, đại tràng, khoang miệng, cổ tử cung và dạ dày đã lên tới 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam năm 2012. Trung bình, mỗi bệnh nhân ung thư phải chi 200 triệu đồng cho đều trị trực tiếp và gián tiếp. Khoảng 1/3 bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc sau 1 năm phát hiện bệnh. Riêng với ung thư phổi, phòng bệnh phải là số 1 vì có phát hiện sớm cũng điều trị kém hiệu quả hơn so với các loại ung thư khác.
Cũng theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, công tác phòng chống ung thư đến năm 2020 quan tâm đến dự phòng, trọng tâm là truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng và đào tạo trang bị kiến thức cơ bản về phòng chống ung thư cho cán bộ y tế, phát hiện sớm ung thư, quan tâm đến sàng lọc, phát hiện ung thư cổ tử cung, ung thư vú, khoang miệng, đại trực tràng, tiền liệt tuyến, tuyến giáp; đồng thời xây dựng các phác đồ điều trị chẩn cho các loại ung thư thường gặp, phối hợp chẩn đoán-điều trị-ghi nhận theo dõi cơ sở trong mạng lưới phòng chống ung thư.
Nguồn Hanoimoi.com.vn