Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

VIÊM THẬN BỂ THẬN CẤP: NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT

Ngày 7/12/2023, Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu phối hợp với Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Câu lạc bộ người bệnh với chủ đề: “Viêm thận bể thận cấp” với sự tham gia của hơn 50 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Tham gia chương trình, người bệnh và người nhà người bệnh được TS.BS. Lê Thị Phượng - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu chia sẻ những kiến thức để nhận biết, phòng ngừa và các giải pháp để điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.


 

TS. BS. Lê Thị Phượng cho biết nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu gồm: vi khuẩn Gram (-), Gram (+), vi rút, nấm, lao; trong đó phổ biến hay gặp 80-95% là Gram (-), chủ yếu do E. coli. Yếu tố thuận lợi của nhiễm khuẩn đường tiết niệu là: nữ giới, độ tuổi đang có quan hệ tình dục, người cao tuổi, giảm sút estrogen (mãn kinh), có thai, đái tháo đường; tiền sử có nhiễm khuẩn đường tiết niệu trước đó; ống thông, dị vật tiết niệu; sỏi tiết niệu và dị dạng sinh dục - tiết niệu. Phân loại nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN) theo vị trí có NKTN cao (viêm thận bể thận) và thấp (viêm bàng quang, tiền liệt tuyến, niệu đạo), khác nhau về đặc điểm lâm sàng và thời gian điều trị. Phân loại theo độ phức tạp của bệnh có NKTN đơn thuần và phức tạp. NKTN phức tạp là các trường hợp người già, người suy giảm miễn dịch, đái tháo đường kiểm soát kém, ghép thận, bất thường cấu trúc, phụ nữ có thai và thất bại do điều trị nội khoa trước đó….

Nguyên tắc điều trị NKTN là sử dụng kháng sinh, giảm đau, hạ sốt. Thời gian điều trị viêm bàng quang từ 5-7 ngày, viêm thận bể thận cấp từ 10 đến 14 ngày (có thể kéo dài 3 đến 4 tuần cho nhiễm khuẩn tiết niệu phức tạp). TS. Phượng cũng khuyến cáo cách phòng bệnh dành cho bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiết niệu gồm: Loại bỏ yếu tố thuận lợi, tránh thủ thuật đặt sonde tiểu, soi bàng quang… nếu làm phải vô trùng, rút ngắn thời gian lưu ống sonde; uống nhiều nước khi không có phù( >2 lít/ngày); không nhịn tiểu; đi tiểu sau khi có quan hệ tình dục; dinh dưỡng đầy đủ; tránh ngồi lâu, ít vận động và vệ sinh từ trước ra sau. Ngoài ra, để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bệnh nhân có thể sử dụng 1 số liệu pháp như: Sử dụng thay thế estrogen âm đạo ở phụ nữ sau mãn kinh; sử dụng các chất làm tăng hoạt tính miễn dịch; sử dụng các chế phẩm probiotics tại chỗ có chứa các chủng vi khuẩn đã được chứng minh có hiệu quả giúp tái tạo vi sinh vật âm đạo…


 

Theo CN dinh dưỡng Trần Thị Hiền - Điều dưỡng trưởng, Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng thì đối với những người bệnh suy thận mạn điều trị bảo tồn, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học sẽ giúp kiểm soát và làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn. Tùy theo mức độ suy thận và cân nặng, chiều cao của người bệnh mà lượng thịt, cá, trứng, sữa…trong khẩu phần ăn sẽ khác nhau. Tuy giảm lượng đạm nhưng vẫn cần cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Gạo tẻ, gạo nếp chỉ nên ăn từ 100 đến 150g/ngày, thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu năng lượng ít đạm như khoai loang, miến dong, bột sắn; và các loại rau ít đạm như bầu, bí xanh, mướp, rau họ cải…

CN. Hiền nhấn mạnh, người bệnh cần giảm muối dưới 5g/ngày. Những thực phẩm chứa nhiều muối bao gồm các loại thực phẩm lên men: dưa muối, cà muối, dưa chuột muối, kiệu…; các loại thịt, cá chế biến sẵn: thịt xông khói, giò, chả, ruốc, xúc xích…; lượng muối cũng có nhiều trong các loại súp, nước dùng, nước sốt: nước phở, nước bún cá, nước bún riêu cua...; các loại mì ăn liền, pizza; đồ ăn vặt: bim bim, hạt điều rang muối, bánh gạo, bỏng ngô… Bên cạnh đó, người mắc bệnh thận mạn nên hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều kali và phospho. Những thực phẩm giàu kali bao gồm các loại trái cây: chuối, mít, bơ vỏ xanh, nhãn khô, vải khô, nho mơ, mơ khô…; các loại hạt khô: hạt sen khô, hạt dẻ khô, đậu tương, vừng; các loại rau: rau giền cơm, lá lốt, rau khoai lang, rau giền đỏ, măng tre, măng chua, giá đậu tương… Những thực phẩm giàu phospho gồm: lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, phomai, thức ăn khô: tôm khô, tép khô, thịt bò khô…


 

Cũng trong khuôn khổ buổi sinh hoạt câu lạc bộ, cán bộ Phòng Công tác xã hội đã chia sẻ về CTXH trong Bệnh viện là hoạt động hỗ trợ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân (NNBN) trong quá trình khám, chữa bệnh. Đối với BN ngoại trú: Phòng sắp xếp đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp tiếp đón, hỗ trợ BN và NNBN ngay từ Cổng Bệnh viện và tại Khoa Khám bệnh, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu với 03 quầy thông tin hỗ trợ chỉ dẫn, phục vụ xe lăn, ô cầm tay và sách báo phục vụ người dân đến thăm khám. Đối với BN nội trú, Phòng tham gia hội chẩn ca bệnh nặng, có hoàn cảnh khó khăn với các chuyên khoa, hỗ trợ tâm lý, kinh phí điều trị cho BN tại các đơn vị, giải quyết các trường hợp BN không có người nhận/ bị bỏ rơi và BN tử vong không có người nhận. Phòng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động CTXH cộng đồng tại các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa trên cả nước như tặng quà, thuốc, khám chữa bệnh, tư vấn cũng như tuyên truyền và đạo tạo tuyến dưới.

Cuối chương trình, Phòng Công tác xã hội và Công ty TNHH Yakult Việt Nam đã trao tặng những phần quà hết sức có ý nghĩa cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tham gia. Chương trình đã được sự đón nhận và hưởng ứng rất nhiệt tình của những người tham gia đồng thời Ban tổ chức mong muốn trang bị cách nhận biết, phòng ngừa, giải pháp điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng như chế độ dinh dưỡng cho những bệnh nhân này.

Bài, ảnh: Lê Đạt

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image