Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Việt Nam sản xuất bộ xét nghiệm, cập nhật phương pháp điều trị nCoV mới nhất

Việt Nam đang có những nỗ lực ở mức cao nhất để kiểm soát tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Với những biện pháp khoanh vùng dịch; thực hiện cách ly nhiều cấp độ với những người nghi ngờ mắc nCoV; gấp rút chuyển giao xét nghiệm cho những địa phương có đủ năng lực và đặc biệt với khả năng tự sản xuất bộ xét nghiệm đặc hiệu với virus corona, Việt Nam đang tự tin sẽ khống chế được dịch nCoV.

Việt Nam sản xuất bộ xét nghiệm, cập nhật phương pháp điều trị nCoV mới nhất

GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cung cấp thông tin cho báo chí.

Chiều 5-2, Bộ Y tế cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Đến chiều ngày 5-2, thế giới ghi nhận 24.553 người mắc tại 28 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay, đã có 493 ca tử vong, có 3.223 đang nguy kịch và 907 ca bình phục, xuất viện.

Việt Nam đã phát hiện 10 ca nhiễm nCoV và có ba ca khỏi bệnh ra viện. Hiện tổng số ca nghi ngờ là 409, trong đó có 347 trường hợp được loại trừ, âm tính, còn 52 ca đang cách ly do sốt và tiếp xúc gần. Ngành y tế cũng đang theo dõi 349 trường hợp.

Việt Nam đủ khả năng sản xuất sinh phẩm xét nghiệm virus corona

GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hiện nay số mắc nCoV tăng rất nhanh và con số tử vong cũng tăng hằng ngày. Tuy nhiên, tình hình dịch có phần lạc quan hơn khi trường hợp nghi nhiễm giảm hơn so với trước và số bệnh nhân được chữa khỏi tăng hơn so với trước. Trung Quốc đang hy vọng vào những giải pháp phòng chống của mình.

Hiện nay, các bộ kít xét nghiệm virus corona tại Việt Nam đang nhận từ nhiều nguồn hỗ trợ. GS Long cho biết, may mắn là Việt Nam đã có thể sản xuất được bộ kít xét nghiệm. “Hiện các cơ sở sản xuất đang nỗ lực sản xuất nên chúng ta yên tâm đủ sinh phẩm và năng lực để làm xét nghiệm corona virus. Chúng ta cố gắng thực hiện xét nghiệm sàng lọc sớm để giảm bớt những trường hợp cách ly”, GS Long nói.

Ngành y tế Việt Nam đang nỗ lực để mở rộng xét nghiệm virus corona xuống các bệnh viện tuyến dưới. Tỉnh Quảng Ninh hiện nay đã có khả năng để thực hiện xét nghiệm này.

Tuy nhiên, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong mức độ hiện nay của dịch, nếu không quản lý chặt độ an toàn sinh học thì phòng xét nghiệm là nơi phát tán virus. Do đó, phải thận trọng theo dõi mức độ dịch và thực hiện các biện pháp cách ly. Quan trọng hơn, khi mở rộng các cơ sở xét nghiệm xuống bệnh viện tuyến dưới, yêu cầu đặt ra là phương pháp thực hiện cho kết quả bảo đảm chính xác, bảo đảm an toàn sinh học cho các cơ sở và người bệnh, cộng đồng. "Cần phải thận trọng mở rộng phạm vi xét nghiệm. Chúng tôi cùng CDC và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ triển khai mở rộng giúp cho các địa phương trong trường hợp đủ yêu cầu", ông Khuê nhấn mạnh.

Việt Nam đã chuẩn bị cho phương án xấu nhất

GS, TS Long cho hay đối với dịch bệnh do nCoV, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu đã có những chỉ đạo rất sát. Ngay từ khi xuất hiện những ca dương tính đầu tiên, Thủ tướng đã có Công điện và hai Chỉ thị, Ban Bí thư cũng có chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị cấp bách, ưu tiên quan trọng.“So với dịch SARS năm 2003, hiện nhiều biện pháp chúng ta thực hiện mạnh mẽ hơn. Chúng ta đang cố gắng kiểm soát dịch do virus corona”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

GS, TS Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện nay để chuẩn bị cho phương án xấu nhất là dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế đã chỉ đạo 22 bệnh viện tuyến cuối sẵn sàng dành ba nghìn giường bệnh cho việc điều trị bệnh nhân. Trong tình huống xấu nhất, Bộ Y tế sẽ trưng dụng tòa nhà mới nhất với 500 giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

"Hiện nay, chúng tôi rà soát tổng thể máy móc có khoảng một nghìn máy thở chuẩn bị cho mọi tình huống. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào mắc virus corona cũng phải sử dụng máy thở. Qua 10 ca bệnh dương tính nCoV tại Việt Nam, chưa có ca bệnh nào phải dùng tới máy thở. Chúng ta có đủ năng lực và chuẩn bị đủ phương thức ứng phó nếu bệnh nhân tăng lên", GS, TS Nguyễn Thanh Long nói.

Đối với việc hạn chế và cách ly những người trở về Việt Nam từ vùng có dịch, ông Long cho rằng đây là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch vào Việt Nam. “Khi về Việt Nam từ những vùng có dịch, ngay lập tức được cách ly. Đến hôm nay đã có khoảng 900 người đã được cách ly tại các địa phương vùng biên giới, đa phần là người Việt Nam. Không có người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Những thông tin vùng này vùng nọ có người Trung Quốc từ vùng dịch tràn vào nước ta là không chính xác”, ông Long nói.

Hiện, nước ta đã cách ly ở ba cấp độ: Cách ly ở các cơ sở y tế, cách ly tập trung và cách ly tại nhà có giám sát. Biện pháp này cũng được thực hiện từ năm 2003, nhờ đó, nước ta mới khống chế được dịch bệnh, dù gây bất lợi cho người được cách ly.

Tại địa bàn nóng nhất là tỉnh Vĩnh Phúc - nơi đã phát hiện bốn ca dương tính với nCoV, tỉnh đã lập danh sách hơn 138 trường hợp tiếp xúc với người bệnh và yêu cầu họ cách ly tuyệt đối tại nhà. Bộ Y tế cũng đang yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc lập thêm một vành đai nữa, để cách ly người tiếp xúc với người tiếp xúc, khoanh vùng dịch an toàn hơn.

"Chúng ta không giấu dịch, không che giấu bất kỳ thông tin nào. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng không thể giấu được. Mạng xã hội có những thông tin không đúng, chúng ta phải bình tĩnh. Chẳng hạn những thông tin như cần tích trữ lương thực, thậm chí cả vàng là không đúng", Thứ trưởng Long khuyến cáo.

Với tình hình điều trị tại bệnh viện đối với các bệnh nhân dương tính với virus corona trong thời gian qua, GS.TS Long cho biết, hy vọng những ngày tới có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện.

Việt Nam chưa dự đoán được đỉnh dịch

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo nhận định của chuyên gia đánh giá tình hình dịch Trung Quốc, cho rằng đỉnh dịch Trung Quốc có thể 7-10 ngày tới và đó không phải là đỉnh dịch Việt Nam. "Việt Nam quá sớm có thể nhận định. Nếu triển khai quyết liệt và đồng bộ có thể kiểm soát tốt hơn", ông Long nói.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo người dân trong thời gian này không nên quên các dịch bệnh khác, cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, không nên lo ngại quá mức dẫn đến căng thẳng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho rằng, còn quá sớm để nhận định tình hình dịch bệnh này. "Hiện chúng ta chưa có đủ thông tin về virus corona chủng mới. Trong 1-2 tuần tới, Trung Quốc mới cho các chuyên gia của WHO hay các chuyên gia Mỹ vào để nghiên cứu về dịch bệnh do virus corona mới, vì vậy các nghiên cứu về đặc điểm virus, cơ chế lây truyền hiện nay cũng chưa sáng tỏ. Chúng tôi chỉ có thể dự đoán nhưng chưa sáng tỏ, không thể khẳng định điều gì. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng với các biện pháp quyết liệt hiện nay, chúng ta có thể yên tâm tương đối trước dịch", ông Phu cho hay.

Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo mới về sử dụng khẩu trang đúng cách

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết qua hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế sẽ có sơ đồ vẽ những đối tượng nào cần đeo và cách sử dụng khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Hướng dẫn về đeo khẩu trang đã được đăng trải trên website của Bộ Y tế.

Tất cả những ai thăm khám người bệnh đều cần được đeo khẩu trang y tế. Cách đeo đúng cách là không được sờ vào mặt trong hay mặt ngoài của khẩu trang, tránh virus có thể xâm nhập qua đường miệng hoặc mũi, chỉ có thể sờ vào quai của khẩu trang. Trong thời điểm này, người khỏe mạnh cũng không nhất thiết phải đeo khẩu trang.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Long cũng nhấn mạnh, khẩu trang y tế là biện pháp hiệu quả để phòng lây nhiễm virus corona. Tuy nhiên, người dân cần sử dụng đúng. "Đeo sai khẩu trang cũng có thể lây bệnh", ông Long khẳng định.

Để phòng bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang vải khi đi xe máy để chống bụi và các loại virus khác.

Nguồn: https://www.nhandan.com.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image