31 tuổi - Thạc sĩ Đỗ Doãn Bách (Phòng C3, Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai) đã là một bác sĩ có nhiều trải nghiệm đáng giá với các bệnh nhân và nghề thầy thuốc. Đáng nhớ nhất, có lẽ là những ngày bác sĩ cùng đồng nghiệp “chiến đấu” với COVID-19 trên khắp các “mặt trận”.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách tham gia điều hành Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành.
Giúp bệnh nhân COVID-19 tiếp cận sớm nhất với y tế
Sáng lập và vận hành Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tiếp cận với 150.000 bệnh nhân F0, gọi được 450.000 cuộc gọi thành công, phát hiện được 1.415 bệnh nhân nguy cơ cao được hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện; sắp xếp và phân bổ 5.000 bác sĩ và tình nguyện viên về các quận huyện tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ và Hà Nội; tổ chức công tác tập huấn về chăm sóc người bệnh cho các bác sĩ và tình nguyện viên trong Mạng lưới; hỗ trợ Telehealth về chuyên ngành Tim mạch và Nội khoa cho các bệnh nhân F0 có mắc bệnh lý Tim mạch kèm theo...
Đây chỉ là một trong những nhiệm vụ mà bác sĩ Bách đã xuất sắc hoàn thành trong thời gian qua, để rồi sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, bác sĩ Bách lại trở về gần hơn với những bệnh nhân tim mạch tại Viện Tim mạch Quốc gia.
Tháng 7.2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, lượng bệnh nhân tăng nhanh chóng, y tế địa phương bị quá tải, hàng chục nghìn cán bộ y, bác sĩ, tình nguyện viên trên cả nước được kêu gọi, điều động vào hỗ trợ. Bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách viết đơn tình nguyện xung phong vào Nam chống dịch.
Với vai trò là bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Dã chiến số 16 TP.Hồ Chí Minh do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách, những ngày tháng khoác lên mình các bộ đồ bảo hộ, chứng kiến lằn ranh sinh tử mong manh của các F0 nặng, nỗ lực cùng đồng nghiệp cứu chữa cho họ... là những trải nghiệm mà có lẽ suốt đời bác sĩ Bách không thể nào quên.
“Lúc cao điểm, lượng bệnh nhân nặng được chuyển đến rất đông. Sức người có hạn, có những lúc chúng tôi thực sự stress, mệt mỏi. Do số lượng bác sĩ không nhiều, cũng không thể yêu cầu có đầy đủ mọi thứ, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức bằng mọi cách để chữa trị, mong bệnh nhân, người bệnh có thể qua khỏi”- bác sĩ Bách nhớ lại.
Các bác sĩ và tình nguyện viên y tế tham gia Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành được cung cấp công cụ và nhận thông tin bệnh nhân COVID-19 từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương thông qua hệ thống công nghệ. Từ đó, họ gọi điện trực tiếp, phân loại, hướng dẫn và trấn an bệnh nhân, hạn chế các trường hợp tử vong do không được tiếp cận y tế kịp thời.
Chỉ trong giai đoạn 1 (từ ngày 1.8 đến 10.10.2021), Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành đã thực hiện hơn 1 triệu cuộc gọi thành công, 3 triệu phút gọi và hỗ trợ 373.096 bệnh nhân COVID-19 (chiếm 42% số bệnh nhân cả nước)... Riêng Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành tại Bình Dương do BS Đỗ Doãn Bách trực tiếp vận hành đã hỗ trợ khoảng 90.000 bệnh nhân và gọi 200.000 cuộc thành công với 450.000 phút đàm thoại...
Tháng 3.2022, bác sĩ Đỗ Doãn Bách được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 các lĩnh vực.
“Hàng ngàn đồng nghiệp của tôi trên khắp cả nước đều tham gia vào cuộc chiến COVID-19, tham gia vào mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, được vinh danh là một may mắn của bản thân tôi” - Bách khiêm tốn nói.
Quyết định làm... thay đổi cuộc đời
“Khi còn học tại THPT Lê Quý Đôn, tôi rất yêu thích kỹ thuật - công nghệ. Tôi có đam mê với việc lắp đặt, sửa chữa các loại thiết bị, máy móc. Mong muốn trở thành kỹ sư, tôi đã lựa chọn thi vào Đại học Giao thông Vận tải, thế nhưng ông nội lại phản đối. Ông muốn tôi nối nghiệp gia đình trở thành một bác sĩ, điều mà bố tôi chưa thực hiện được vì trước đây xung phong tham gia kháng chiến” - Bách kể.
Từ khi trở thành bác sĩ, anh đã nhiều lần chứng kiến bệnh nhân không thể qua khỏi - những “cú sốc” khi mới vào nghề. Nhưng càng về sau, Bách càng hiểu vai trò và giá trị của người thầy thuốc có chuyên môn tốt, có thể đưa những người bệnh trở về từ “cửa tử”. Trong suốt 5 năm công tác, Bách tham gia rất nhiều chuyến tình nguyện khám, sàng lọc tim bẩm sinh cho đồng bào, trẻ em ở vùng cao, vùng sâu vùng xa.
“Để làm được nghề y, việc đầu tiên là cháu phải có lòng thương yêu con người. Khi thương yêu con người, cháu sẽ có cách để giúp đỡ được người khác”- câu nói của ông nội, chính là hành trang quan trọng để bác sĩ Bách gắn bó với nghề thầy thuốc cao quý, để được “cho đi mà không cần nhận lại”.
Theo Laodong.vn