Sự bí hiểm và nguy hiểm của virut cúm A/H1N1/2009
Virut cúm A/H1N1/2009 thông thường nhất là gây nên một bệnh cúm lành tính, với những dấu hiệu nhẹ, sốt vừa phải, ho. Không ít ca mắc bệnh đã tự khỏi mà người ta không nhận biết được. Tuy nhiên, nếu cúm mùa (grippe saisonnière) gây ra tỷ lệ tử vong 1/1.000 và nhóm tuổi bệnh nặng chủ yếu là người lớn tuổi và những người có bệnh lý mạn tính thì hiện nay, cúm A/H1N1/2009 gây tỷ lệ tử vong là 2 - 3/1.000 người hoặc nhiều hơn. Mặc dù chưa đầy đủ thông tin để kết luận, nhưng cúm A/H1N1/2009 dường như hơi dè chừng với những người già (có ý kiến cho rằng nguyên nhân là người già đã được miễn dịch trước đây bởi các bệnh cúm đã bị mắc phải). Ngược lại, lứa tuổi 20-30 dường như nhạy cảm hơn. Một điểm khác biệt nữa là thực tế lâm sàng cho thấy các tổn thương phổi thường có trong cúm mùa chủ yếu có nguyên nhân nhiễm khuẩn vì lý do bội nhiễm nhưng ở những thể nặng của cúm A/H1N1/2009, các nhà khoa học nhận thấy sự liên hệ trực tiếp các tổn thương này với virut cúm A/H1N1/2009.
Còn nhớ trận cúm Tây Ban Nha năm 1918, đại dịch cũng được xác định là do cúm A/H1N1 đã làm cho hàng triệu người chết nhưng chủ yếu là bởi vì hồi đó chưa có các thuốc kháng sinh. Các nhà khoa học cho rằng, virut cúm khi đó gây kích thích phế quản, tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh phổi tiềm tàng phát triển làm tổn thương phổi và gây tử vong. Trong vài trường hợp đặc biệt, virut cũng có thể gây nên một bệnh phổi đột mạnh do virut, đưa đến một tình trạng suy hô hấp cấp tính chết người. Nhưng điều đó khác với sự tàn phá của virut cúm A/H1N/2009 hiện nay. Chính vì thế, cơ chế tàn phá thực sự của virut cúm A/H1N1/2009 hiện nay là gì thì chưa có lời giải nào thuyết phục.
Nuôi cấy virut.
Mặt khác, kết quả xét nghiệm nhiều ca ở Mỹ cho thấy, một số lượng rất lớn người được cho là khoẻ mạnh, không có biểu hiện cúm, thậm chí không dương tính với xét nghiệm phát hiện virut cúm A/H1N1/2009 vẫn xuất hiện kháng thể chống virut cúm A/H1N1/2009. Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng, khi 500 trường hợp dương tính đã được ghi nhận, thì trên thực tế hẳn phải có từ 20.000 - 40.000 người bệnh.
Những điều đó càng làm cho virut cúm A/H1N1/2009 "bí hiểm" và nguy hiểm.
Virut cúm kháng tamiflu - chuyện có thật
Tháng 7, Công ty dược phẩm Roche, Thụy Sĩ lần đầu tiên xác nhận trường hợp kháng thuốc tamiflu. Mặc dù các bệnh nhân này đã được điều trị khỏi bằng thuốc chống virut cúm có tên Relenza của Công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK). Tuy vậy, phát ngôn viên của Roche (Thụy Sĩ) khẳng định hiện tượng kháng thuốc này là rất "bình thường": "Đây là một điều hết sức bình thường. Khoảng 0,4% nguời lớn có hiện tượng kháng thuốc khi dùng tamiflu". Và điều này không có ý nghĩa rằng tamiflu sẽ "mất" khả năng chống cúm A/H1N1/20009.
(Ảnh minh họa: cpv.org.vn)
Virut mà đặc biệt là virut cúm luôn luôn thay đổi hình dạng để có khả năng thích ứng với các tác động bên ngoài trong đó có thuốc. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì bản thân nó không có cơ chế chỉnh sửa các sai sót trong quá trình sao chép vì thế mà cấu trúc gen ở những virut mới sinh ra có nhiều biến đổi so với nguyên bản ban đầu. Điều này làm xuất hiện các phân týp virut mới với những kháng nguyên mới. Đến nay, người ta liệt kê virut cúm A đã thay đổi đến 15 kháng nguyên hemagglutinine (đánh số H1 - H15) và 9 kháng nguyên neuraminidase (đánh số từ N1 đến N9). Hơn thế nữa, virut cúm còn có thể trao đổi, trộn lẫn chất liệu gen để chuyển từ loài này sang loài khác và sản sinh ra virut lai - chính là một phân týp virut mới. Do đó có thể vào lúc này, virut là "đích tác dụng" của một số thuốc kháng virut, nhưng vào lúc khác, nó lại thay đổi và không còn là "đích tác dụng" của các thuốc đó nữa.
Các phương pháp phòng ngừa
Khi dịch cúm A/H5N1 xuất hiện, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép cho dùng tamiflu và relenza để điều trị. Đầu năm nay, sau khi dịch cúm A/H1N1/2009 xuất hiện ở Mexico, hai dược phẩm này vẫn được phép sử dụng để điều trị. Hiện relenza được phép dùng để điều trị cúm thông thường, không có biến chứng, cho bệnh nhân (người lớn và trẻ em trên 7 tuổi) bị cúm. Những bệnh nhân có triệu chứng cúm không quá 2 ngày có thể dùng relenza phòng ngừa cúm cho bệnh nhân người lớn và trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Còn tamiflu được coi là chủ lực trong điều trị cúm A/H1N1/2009 nhưng chỉ dùng ngay trong vòng 72 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Ngoài hai dược phẩm này, còn có amantadine và rimantadine.
Các nghiên cứu về sự kháng tamiflu của virut cúm A cho thấy có sự đột biến cụ thể trong phân tử neuraminidase nằm ở lớp vỏ virut nhưng do neuraminidase phục vụ một mục đích thiết yếu, những đột biến cho phép virut vẫn sống sót và các enzym vẫn hoạt động. Những đột biến này được phát hiện ở các acid amin E276, R224, R292K, N294S, E119Vvà H274Y và vì thế kết quả là phân tử oseltamivir không bám được vào màng tế bào. Nhưng những đột biến này lại không cản trở sự liên kết của zanamivir. Điều đó giải thích vì sao virut cúm A kháng osetamivir nhưng lại không kháng zanamivir. |
Trước mắt, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Mỹ là lục địa bị dịch nặng nhất sẽ có đủ thuốc tamiflu để đối phó với dịch bệnh trong thời gian tới và lượng thuốc sẽ được bổ sung thêm 420.000 liều tamiflu do Chính phủ Mỹ tặng cho các nước châu Mỹ Latinh và vùng Caribê. Hãng dược phẩm Roche đã hứa cung cấp 5,6 triệu liều thuốc để WHO phân phát cho các quốc gia nghèo nhất tại lục địa này. Tuy nhiên, để đảm bảo cho một tương lai lâu dài, vấn đề cần đặt ra là chuyển giao công nghệ cho các nước phía nghèo để các nước này có thể tự sản xuất thuốc kháng virut và vaccin.
WHO cho biết, hiện virut này vẫn nhạy cảm với tamiflu, relenza, nhưng đã kháng với amantadine. Vì thế, việc phát hiện sớm, điều trị sớm là vô cùng quan trọng, tránh hiện tuợng kháng thuốc. Hơn nữa, việc sử dụng đúng tamiflu và điều quyết định trong các hoạt động điều trị cúm A nói chung và cúm A/H1N1/2009 nói riêng. WHO khẳng định rằng sử dụng tamiflu nhất thiết phải theo chỉ dẫn của bác sĩ và phải đúng thời điểm. Việc dùng tamiflu quá trễ hoặc quá sớm (với mong muốn phòng ngừa) hay tự ý dùng bừa bãi sẽ dẫn đến hiểm họa loài người sẽ bất lực trước sự tàn phá của con virut bí hiểm này.
Trong khi đó, mặc dù liên tục có các thông báo khả quan về kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, thậm chí là sản xuất các vaccin ngừa cúm được nhiều quốc gia, nhiều hãng dược phẩm trên thế giới đưa ra, nhưng cho đến nay, một vaccin thực sự hiệu quả với cúm A/H1N1/2009 vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định. Sở dĩ như vậy là vì, mỗi viện bào chế sản xuất vaccin theo những cơ chế và quy trình khác nhau hơn nữa chưa có được các kết quả thử nghiệm trên lâm sàng.
ThS. Phạm Nam - www.suckhoedoisong.vn