Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ước tính có khoảng trên ba nghìn trường hợp mới mắc và hơn một nửa số đó tử vong vì căn bệnh này. Bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng về tỉ lệ mắc và trẻ hoá về độ tuổi mắc bệnh.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là chế độ ăn nhiều chất mỡ động vật, ít chất chất xơ, hút thuốc lá và yếu tố di truyền....
Tuỳ theo giai đoạn bệnh, vị trí khối u, tuổi tình trạng toàn thân mà có các phương pháp điều trị khác nhau như: phẫu thuật, xạ trị, hoá chất, sinh học. Trong từng trường hợp cụ thể, có thể lựa chọn một phương pháp đơn thuần hoặc phối hợp hai hay nhiều phương pháp khác nhau.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cơ bản và có giá trị trong các trường hợp giai đoạn sớm. Tuy nhiên, trong trường hợp khối u ở vị trí quá thấp (gần với hậu môn) hoặc ở giai đoạn muộn tổn thương xâm lấn lan rộng không có khả năng cắt bỏ được nếu áp dụng phương pháp phẫu thuật thì hầu như chắc chắn người bệnh sẽ phải mang hậu môn nhân tạo (đặt ở thành bụng). Điều này sẽ làm thay đổi thói quen và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số trường hợp khác như bệnh nhân có chống chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân già yếu, bệnh nhân từ chối phẫu thuật...nếu chỉ lựa chọn một phương pháp là hoá chất thì kết quả điều trị sẽ không tốt và nhiều trường hợp không thể áp dụng được. Để giải quyết các trường hợp này, xạ trị là một giải pháp tối ưu.
Ngoài ra, xạ trị còn được lựa chọn trong các trường hợp sau phẫu thuật còn để lại tổn thương (do tổn thương xâm lấn lan rộng) hoặc nghi ngờ còn tế bào ung thư. Vai trò của xạ trị khi đó là tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại để hạn chế bệnh tái phát, kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại thiết bị và kỹ thuật xạ trị khác nhau được sử dụng ở nước ta như máy xạ trị Coban-60, máy gia tốc tuyến tính (LINAC). Trong đó phương pháp xạ trị thông thường đang được áp dụng rộng rãi ở các cơ sở xạ trị trong cả nước là dùng máy Coban- 60. Ưu điểm của phương pháp này là tính đơn giản và kinh tế. Tuy nhiên, do thiết bị này sử dụng nguồn phóng xạ từ chất đồng vị phóng xạ Co-60 nên hoạt tính phóng xạ bị phân rã theo thời gian (cứ sau 5,27 năm thì hoạt tính bị giảm đi một nửa). Vì vậy thời gian chiếu xạ cho bệnh nhân để điều trị tăng dần ở các năm về sau và sau 3-5 năm phải thay nguồn phóng xạ một lần. Do đó nó có thể gây nguy hiểm cho môi trường do ô nhiễm chất thải phóng xạ. Hơn nữa, Co-60 phát tia gamma với mức năng lượng cố định với một khả năng đâm xuyên qua tổ chức cơ thể là cố định nên không thích hợp cho điều trị các tổn thương ở quá sâu hoặc quá nông so với bề mặt cơ thể (ngoài da). Chính vì vậy, ở các nước phát triển hiện nay người ta đã không còn sử dụng thiết bị này nữa.
Từ tháng 7 năm 2008, tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu đưa hệ thống máy xạ trị LINAC-CT SIM (máy xạ trị gia tốc tuyến tính gắn với hệ thống CT mô phỏng) và phần mền lập kế hoạch điều trị Prowess Panther vào sử dụng để điều trị bệnh nhân ung thư. Cho đến nay, hàng ngàn bệnh nhân ung thư với nhiều loại bệnh khác nhau như: ung thư vùng đầu cổ (não, vòm, sàng hàm, hạ họng, thanh quản...), ung thư phổi, thực quản, cổ tử cung, vú....đã được điều trị bằng hệ thống xạ trị này, trong đó có bệnh ung thư trực tràng. Ưu điểm vượt trội của hệ thống này là có nhiều mức năng lượng với các chùm tia có khả năng đâm xuyên khác nhau nên thích hợp với từng vị trí tổn thương, việc lập kế hoặch được thực hiện trên hình ảnh CT với độ phân giải cao, có thể đánh giá chính xác tổn thương và các cơ quan xung quanh theo không gian ba chiều. Đặc biệt là rất an toàn cho người bệnh, người xung quanh và đảm bảo an toàn bức xạ cao. Mặt khác, nhờ hệ thống này người thầy thuốc có thể áp dụng kỹ thuật xạ trị điều biến liều IMRT (Intensity modulated radiation therapy) cho các bệnh nhân. Đây là loại kỹ thuật xạ trị hiện đại cao cấp nhất đồng thời cũng là phức tạp nhất hiện nay, đòi hỏi người thầy thuốc phải có kiến thức tốt, tay nghề giỏi về xạ trị, kết hợp với các kỹ sư vật lý, kỹ sư phần mền để lập ra được kế hoặch điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Kỹ thuật này được thực hiện qua việc đồng thời chia các trường chiếu (beams) ở nhiều góc độ khác nhau thành nhiều phân đoạn hình chữ nhật (segments) với các trọng số khác nhau (weights) nhằm tối ưu hoá liều cao nhất theo hình dạng khối u và liều cho phép giới hạn ở tổ chức lành. Việc ứng dụng kỹ thuật IMRT đã cho phép tập trung liều bức xạ cao nhất vào tổn thương (khối u, hạch) và thấp nhất vào tổ chức lành xung quanh (cơ quan cần bảo vệ). Mục đích cuối cùng là đạt hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.
Trực tràng là một cấu trúc giải phẫu nằm trong tiểu khung, xung quanh có nhiều cơ quan tổ chức cần được bảo vệ như: bàng quang, ruột non, cổ xương đùi ... .Do vậy việc giảm liều chiếu bức xạ đến mức thấp nhất đảm bảo trong giới hạn bình thường mà cơ quan đó có thể chịu đựng được có một ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh. Hiện nay, tại Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều bệnh nhân ung thư trực tràng được xạ trị bằng kỹ thuật IMRT đạt được hiệu quả điều trị cao, phần lớn các tổn thương đều thoái lui sau xạ trị, không gặp truờng hợp nào bị biến chứng nặng như hoại tử cổ xương đùi, hoại tử ruột.
Dưới đây là một số trường hợp bệnh nhân ung thư trực tràng đã được điều trị bằng kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT).
Bệnh nhân Cù X. H, nam ,71 tuổi. Chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn T2NoMo, bệnh nhân từ chối phẫu thuật và được xạ trị điều biến liều (IMRT) với 7 beams, 42 segments và liều lượng là 64gy (a). Kết quả chụp cắt lớp vi tính sau xạ trị cho thấy khối u tan hoàn toàn (b).
Bệnh nhân Chu Văn Q, nam giới,76 tuổi. Chẩn đoán ung thư trực tràng T4NxM0. Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy khối u chiếm toàn bộ chu vi và xâm lấn lớp mỡ cạnh trực tràng (a). Bệnh nhân được xạ trị điều biến liều (IMRT), với liều lượng 66Gy, khối u tan biến hoàn toàn (b).
PGS.TS. Mai Trọng Khoa, ThS. Phạm Văn Thái
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai
ungthubachmai.com.vn