Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Xót xa những lời than thở về thu nhập của thày thuốc

Sau khi Báo Sức khỏe và Đời sống có loạt bài về việc nhiều bác sĩ xin nghỉ việc ở bệnh viện công, chúng tôi đã rất bất ngờ khi nhận được hàng nghìn ý kiến cũng như lời tâm sự, than thở của các thày thuốc từ khắp nơi. Đọc những dòng chia sẻ của các thày thuốc mà thấy xót xa, thương cảm và cũng thấy thật bất công cho những người đang ngày đêm chạy đua với “thần chết” để mang lại sự sống cho mọi người.

Lương bác sĩ không bằng lương công nhân!?

Bạn đọc Nguyễn Văn Cường cay đắng viết: “Đừng có mơ lương bác sĩ (BS) bằng lương công nhân nhé. Tôi mỗi lần về quê không dám mua bất cứ thứ gì cho nhà, đôi khi còn phải xin tiền xài. Còn những người bạn gần nhà học chưa hết cấp 3 rồi đi làm công nhân thì hỏi ra lương gấp đôi mình! Thấy buồn vì học 6 năm ra làm lương không bằng 1/2 người chưa học hết cấp 3 đi làm công nhân.”  Nguyễn Xuân Hưng viết: “Tôi công tác trong ngành đã16 năm nay, lương xấp xỉ cao bằng lương anh .... phụ hồ. Đãi ngộ đặc biệt quá!”. Còn Hoa Tùng Bách ví von: “Nhân viên y tế đa số hưởng lương chưa bằng bà bán trà đá. Lao động hùng hục như trâu để rồi nhận lương "hậu hĩnh" chừng 4-5 triệu/tháng. Ngành y lúc nào cũng vui các bạn nhỉ!”. “10 năm cống hiến, lương 4,3 triệu, trực thông trưa, trắng đêm chăm sóc bệnh nhân (BN) được hẳn 65.000đ, còn làm cả ngày thứ 7 hoặc chủ nhật, trực từ 24-26 tiếng được hẳn 84.500đ. Tiêu sao cho hết nhỉ!? Vì miếng cơm manh áo vẫn phải yêu BN, chăm sóc hơn người thân, không được kêu ca....” – bạn Vũ Minh Nguyệt viết.

Bạn Cảnh Dương phân tích: “Ai ai cũng đòi hỏi BS phải cống hiến, phải chăm sóc tốt cho BN? Tại sao không ai hỏi BS có phải là thánh không? Bản thân và gia đình BS có nhu cầu cuộc sống giống như bao người trong xã hội không? Con cái họ không phải ăn, không phải đi học, không cần vui chơi chăng? Hay những cái đó họ được nhà nước lo cho hết rồi nên không ai nói đến? ... Với tình trạng hiện nay 1 BS ngồi phòng khám khám 200 BN/ngày (22 ngày/tháng và đại đa số các bệnh viện BN đến khám là rất đông) mà được trả cho 5.000đ/lượt khám thì tháng lương cũng kha khá (200x5.000x22), tiếc là chỉ có 4.000.000đ tiền lương/tháng. Như vậy BS chỉ được trả chưa đầy 1.000đ/ lượt khám trong khi các cơ sở y tế tư nhân bèo bọt cũng phải là 50.000đ/lượt... Làm 10 năm rồi lương chỉ 4 - 5 triệu, không đủ ăn chứ lấy gì mà tích góp...”

bscapcapcuu1.jpg

Thu nhập quá thấp, trong khi phải làm việc rất căng thẳng đã khiến nhiều thày thuốc chán nản.

Bác sĩ sẽ bỏ việc còn nhiều

Rất nhiều BS đưa ra nhận định: Cứ tình hình này, cơ chế này thì BS sẽ bỏ việc còn nhiều. Bạn Nguyễn Thị Minh Thu – một BS trẻ tâm sự: “Mới đây một anh trưởng khoa bỏ bv ra ngoài làm, dù vị trí ấy không dễ có. Nghe xong ngưỡng mộ muốn nghỉ ra ngoài làm theo. Kiểu này nghỉ sớm còn có chỗ bên ngoài, chứ làm bv lương ít, chế độ lương bổng buồn cười, kiểu gì mà bà hộ lý dọn dẹp lâu năm lương cao hơn BS mới. Làm nghề gì cũng phải đủ sống, người BS chỗ nào lương cao đối xử hợp lý, BN lịch sự thì người ta dọn đến thôi. Mà đối với bộ não và sự siêng năng của người đi học được nghề BS, mà sống không nổi bằng nghề BS thì nghỉ bỏ nghề luôn cũng không sao hết. Ra ngoài dư sức làm nghề khác lương cao hơn mà khỏi phải stress. Cho nên cái kiểu như này hoài, bảo đảm đầu vào đại học ngành BS sụt giảm bởi người giỏi rút kinh nghiệm không đầu quân, người đang làm thì hoặc ra làm tư hoặc bỏ nghề...”

Cùng chung suy nghĩ này, bạn Minh Lê viết: “Nghề y mình chọn thật bạc. Chữa cho BN khỏi là chuyên đương nhiên. Còn chỉ một sai sót nhỏ BN sẵn sàng mắng chửi, thậm chí rút dao. Còn lương thì sao nhỉ? Xin thưa đứng gần thứ bét ngạch viên chức...”. Chán nản với thực tại, không ít BS có ý định buông bỏ: “Thấy bất hợp lý thì đấu tranh còn đấu tranh không được thì ra ngoài làm tư. Rút kinh nghiệm không cho con cháu học ngành y nữa”; “ Ngành y tế bây giờ thành y té rồi các bạn đồng nghiệp ơi, công sức bỏ ra nhiều nhưng nhận lại không phù hợp.”; “Kiểu này chắc mình cũng bỏ ra ngoài thôi. Đi làm 4 năm mà không dư ra được đồng nào. Lương thấp, tiêu tiết kiệm lắm mới qua được tháng, làm thì vất vả, BN thì đòi hỏi này nọ, hơi tí là kiện cáo.”; “Nghề y liên quan đến mạng sống con người vậy mà lương thấp 3 cọc 3 đồng chả đủ ăn. Nên bỏ BV công ra làm cho tư nhân càng sớm càng tốt..”; “ Tôi cũng vừa bỏ viện công xong, ra làm tư thấy rất thỏa mái, lương cũng ổn, biết thế ra sớm hơn từ vài năm trước ...”

Sự bất mãn của đa số các BS đã làm cho những BS trẻ, BS trong tương lai cảm thấy hoang mang. Uất Kim Hương cho hay: “Em là một sinh viên mới ra trường rất nhiệt huyết nhưng dường như cơ chế và hiện thực đang làm em mất dần niềm tin với nghề.”

Ngành đặc biệt tại sao lương không đặc biệt?

Ngành y là ngành đặc biệt, ngành cao cả song lương không bằng công nhân. Chỉ khi có chế độ đãi ngộ tốt mới giữ chân được các BS, đặc biệt là những người giỏi. Bạn Ngọc Tiến đề xuất: “Muốn xoá bỏ được bất cập trong công tác khám chữa bệnh trước hết lên có sự ưu đãi với ngành y. Tại sao tiền thuốc, viện phí đều tăng mà lương thày thuốc vẫn thấp?

Tran Ngoc Duc thắc mắc: “Không phải bây giờ mới có nhiều BS bỏ BV vì lương thấp mà chuyện thu nhập bèo bọt của thày thuốc được nói đến từ lâu song vẫn chẳng thấy cải thiện. Nếu như thu nhập tương ứng với công việc chắc chắn các y BS sẽ tâm huyết với nghề sẽ tận tâm với BN, gắn bó lâu dài với bệnh viện”. Rất nhiều BS tâm huyết với nghề bày tỏ mong muốn: “Nghề y có lẽ là đang bị áp lực hơn cả. Làm việc căng thẳng, quá tải, lương thấp, không phải ai cũng có thu nhập khác ngoài giờ đâu. Đa số mọi người trong ngành có cuộc sống gia đình khá khó khăn. Không biết có bao nhiêu người ngoài ngành y hiểu được điều đó để mà thông cảm cho chúng tôi nhỉ?....”; “Phải thay đổi chế độ đãi ngộ cho phù hợp, bởi vì BS cũng là con người chứ không phải là những cỗ máy chỉ biết phục vụ và phục tùng! Các lãnh đạo nên suy nghĩ lại cho đúng và phù hợp.”

Nguồn Suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image