Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Xử lý nghiêm doanh nghiệp lợi dụng khuyến cáo của Bộ Y tế để trục lợi

Trên số báo 129 ra ngày 13/8, Sức khỏe & Đời sống đã có bài viết: Quảng cáo trái phép viên sủi Plusssz: Đục nước béo... Plusssz! phản ánh tình trạng doanh nghiệp quảng cáo viên sủi Plusssz trái phép, với thông điệp như: "3 cách phòng cúm A/H1N1/2009: uống 2 viên sủi Plusssz/ngày; rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang". Ngay sau khi bài báo đăng tải, PV báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với lãnh đạo các vụ/cục chức năng của Bộ Y tế xung quanh vấn đề này...
b50ts-ly-ngoc-kinh.jpg TS. Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Trưởng tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm ở người: Doanh nghiệp lập lờ, mượn khuyến cáo của Bộ Y tế để bán sản phẩm viên sủi Plusssz.

Khi phóng viên báo SK&ĐS vừa đưa cho TS. Lý Ngọc Kính xem bài báo phản ánh tình trạng nhà sản xuất viên sủi Plusssz quảng cáo trái phép, TS. Kính đã có phản ứng gay gắt việc Công ty TNHH Tiên Tiến "mượn" khuyến cáo của Bộ Y tế để quảng cáo cho sản phẩm này trong việc phòng, chống đại dịch cúm A/H1N1. Theo TS. Kính, trong lúc cả hệ thống chính trị, nhất là ngành y tế đang có nhiều biện pháp nỗ lực để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống đại dịch cúm thì việc lập lờ, mượn khuyến cáo của Bộ Y tế để bán sản phẩm viên sủi Plusssz sẽ gây hiểu nhầm cho người dân, khiến người dân lầm tưởng đây là khuyến cáo của Bộ Y tế nên sẽ không thực hiện đúng 10 khuyến cáo phòng, chống đại dịch cúm A/H1N1 mà Bộ Y tế đã đưa ra. Sự việc này không chỉ gây tốn kém cho người dân trong việc đổ đi mua sản phẩm viên sủi Plusssz, trong khi hiệu quả phòng, chống dịch cúm thì chưa được chứng minh, mà còn góp phần ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì uống quá nhiều vitamin C cũng gây ra các phản ứng phụ khác, vì vậy sự việc này cần được xử lý nghiêm khắc. TS. Lý Ngọc Kính cũng cho rằng, thời gian gần đây, trước diễn biến phức tạp của đại dịch cúm A/H1N1, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng tình trạng này để trục lợi, ví như việc bán thuốc tamiflu với giá trên trời hay việc găm các loại khẩu trang phòng, chống dịch để tạo nên cơn sốt ảo... Thực trạng này cần phải được cơ quan chức năng như thanh tra, quản lý thị trường, công an... xử lý nghiêm minh để răn đe các đối tượng khác có ý định tương tự.

ths-tran-quang-trung.jpgThS. Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Bộ Y tế: Doanh nghiệp đã "đánh" vào tâm lý hoang mang của người dân để bán sản phẩm nhằm trục lợi.

Trao đổi với báo SK&ĐS sáng ngày 17/8 về sự việc doanh nghiệp quảng cáo viên sủi Plusssz "mượn"  danh thông điệp của Bộ Y tế về khuyến cáo người dân phòng, chống dịch cúm A/H1N1, ông Trần Quang Trung cho rằng, việc này vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng. Bởi nội dung quảng cáo này đã không phù hợp với thông điệp phòng, chống dịch cúm A/H1N1 của Bộ Y tế. Trong lúc dịch đang có diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã và đang có nhiều biện pháp tuyên truyền về phòng, chống dịch cúm A/H1N1 để người dân hiểu và thực hiện, bên cạnh đó, Bộ cũng thành lập nhiều đòan thanh, kiểm tra để chấn chỉnh, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch bệnh của các địa phương, đơn vị... Tất cả những động thái này của Bộ Y tế nhằm làm cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả, tránh ảnh hưởng của dịch ra cộng đồng rộng rãi. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, doanh nghiệp đã "đánh" vào tâm lý hoang mang của người dân để bán sản phẩm nhằm trục lợi. Không những thế, việc này còn có thể gây ra những hiểu nhầm của người dân về phòng, chống dịch cúm A/H1N, khiến người dân lầm tưởng chỉ cần thực hiện 3 cách phòng, chống cúm như doanh nghiệp quảng cáo là đã phòng, chống được cúm A/H1N1 mà lơ là đi các biện pháp của ngành y tế đã đưa ra. Qua sự việc này, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Cục ATVSTP cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp này.

ths-nguyen-huy-quang.jpgThS. Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Doanh nghiệp đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về quảng cáo sản phẩm.

Hiện nay các quy định về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng cũng như các dịch vụ y tế khác đều đã được thể hiện đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Chính phủ đến Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan. Theo đó, các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ y tế, đặc biệt là các sản phẩm liên quan trực tiếp/gián tiếp đến sức khỏe con người nếu muốn thực hiện việc quảng cáo thì phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đó. Trong bối cảnh đại dịch cúm A/H1N1 đang có nguy cơ lan rộng ra cộng đồng, việc đưa các thông tin liên quan đến vấn đề này rất nhạy cảm và chỉ do các cơ quan chức năng có thẩm quyền cung cấp, không một tổ chức, cá nhân nào không thuộc thẩm quyền lại được đưa ra thông điệp khuyến cáo người dân nên phòng, chống dịch ra sao. Do đó, trước sự việc nhà sản xuất viên sủi Plusssz đã tự ý đưa ra hình thức quảng cáo sản phẩm dựa trên khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về vấn đề này. Cũng theo ThS. Nguyễn Huy Quang, sự việc này đã không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn vi phạm đạo đức trong kinh doanh. Đánh lừa người tiêu dùng để trục lợi, nhưng nguy hại hơn là việc đánh lừa này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, vì vậy cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...

Thái Bình (thực hiện) - www.suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image