Có thể đưa ra những bằng chứng chứng tỏ nền y tế VN đang từng bước vươn ra thế giới.
Xuất khẩu vaccine – cơ hội mới
Tháng 6 vừa qua, VN chính thức được công nhận “Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của VN đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) (NRA)”. Với việc công nhận kết quả này, các sản phẩm vaccine, sinh phẩm của VN không chỉ được sử dụng tại VN mà sẽ có mặt trên thị trường thế giới. Kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn vì cho đến nay không có nhiều nước, kể cả những nước phát triển trên thế giới, có thể vượt qua được sự đánh giá này ngay từ lần đầu như VN. Hiện có khoảng 22 quốc gia đạt tiêu chuẩn đối với các sản phẩm vaccine và sinh phẩm. Bộ tiêu chuẩn để đánh giá hệ thống quản lý quốc gia về vaccine tại VN được áp dụng cho tất cả các nước trên thế giới bao gồm cả những quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vắc xin phát triển nhất như: Canada, Mỹ, Pháp, Bỉ…
TS Trương Quốc Cường cho biết thêm, VN là quốc gia thứ 5 có khả năng sản xuất vaccine trong khu vực Tây Thái Bình Dương đạt NRA. Đến năm 2017, VN sẽ sản xuất vaccine sởi – rubbla, viêm màng não. Tiến tới sẽ tự chủ hoàn toàn các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện chúng ta đã sản xuất được 10/12 vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện VN đang xuất khẩu 4 loại vaccine là viêm gan B, viêm gan C, sởi, rubbela. Vaccine viêm não Nhật Bản đã xuất khẩu hơn 5 triệu liều sang Ấn Độ. Hiện WHO mong muốn mua một số sản phẩm vaccine của VN. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đề nghị VN chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng lao (BCG).
Mặt khác, các đơn vị của Bộ Y tế đang nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1. Hiện nay, công suất các dây truyền sản xuất vaccine mới chỉ đạt 30-50%. Vì thế, chúng ta còn khả năng để xuất khẩu. Dự kiến, vaccine do VN sản xuất sẽ hướng tới xuất khẩu sang các nước khu vực châu Á như Hàn Quốc, Đông Timor,Myanmar, Philippines. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 39/44 nước trên thế giới sản xuất được vaccine.
Để đạt được thành tựu này, VN đã chuẩn bị một thời gian dài rất kỹ lưỡng, và bắt đầu tăng tốc cách đây gần 2 năm. Hơn 1 năm qua, Bộ Y tế đã mời 30 chuyên gia của WHO và các tổ chức quốc tế đến VN hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vaccine để đạt tiêu chuẩn quan trọng này.
"Các nhà sản xuất vaccine xin trong nước ở VN bây giờ có cơ hội để cung cấp các sản phẩm của mình trên toàn cầu. Đây là cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp vaccine, thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa mà chủ yếu là khoảng 1,7 triệu trẻ em mới sinh hàng năm, nay các nhà sản xuất vaccine trong nước có cơ hội nâng cao năng lực, sản xuất vaccine để xuất khẩu sản phẩm đi khắp thế giới, đặc biệt cho các chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cần nguồn vaccine giá thành phải chăng và đảm bảo chất lượng, độ an toàn. Đồng thời, các nước sẽ quan tâm đầu tư sản xuất vaccine tại VN. Châu Á được đánh giá là thị trường tiềm năng để VN xuất khẩu vaccine”, TS Cường nói.
Các kỹ thuật mới, tiên tiến đang được các bệnh viện áp dụng vào điều trị, nhất là những bệnh hiểm nghèo. Gần đây, kỹ thuật mới giúp bệnh nhân ung thư gan kéo dài sự sống bằng cách cấy hạt vi cầu phóng xạ Y-90 đã được áp dụng. Xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 hay phương pháp tắc mạch phóng xạ là kỹ thuật mới trong điều trị ung thư gan. Các hạt vi cầu phóng xạ sẽ được bơm trực tiếp vào động mạch nuôi khối u. Khối u bị tiêu diệt theo 2 cơ chế: tắc mạch, cắt nguồn dinh dưỡng nuôi u và xạ trị. 90% mạch máu nuôi u là từ động mạch gan, 10% từ tĩnh mạch cửa; các tổ chức lành thì ngược lại. Chính vì thế, với phương pháp này các tổ chức u lành ít bị ảnh hưởng, khối u bị tiêu hoàn toàn hoặc giảm thể tích.
Có 3 bệnh viện lớn trong nước triển khai kỹ thuật này gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy. Vừa qua, các bệnh viện đã công bố những thành công của kỹ thuật này. Hơn 50 bệnh nhân ung thư gan được điều trị bằng cấy hạt vi cầu phóng xạ Y-90 (xạ trị trong chọn lọc) đã có kết quả tốt.
Tế bào gốc đã và đang được áp dụng điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh về máu. Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã công bố ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn trong cộng đồng cho bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh - 28 tuổi ở Quảng Bình phát hiện ung thư máu (Lơ-mê-xi cấp thể M5a). Trước đó, các ca bệnh ghép đều ghép đồng loại. Sự thành công của ca ghép đầu tiên này, không chỉ là tin vui đối với viện mà thực sự là cơ hội, là hy vọng được cứu sống bằng phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại bằng nguồn tế bào gốc máu dây rốn trong cộng đồng đối với những bệnh nhân ung thư máu tại Việt Nam.