ệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. (Nguồn: yenbai.gov.vn)
Ngày 23/11, bác sỹ Nguyễn Song Hào, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, cho biết cháu Hoàng Tuấn Anh, sinh năm 2013, ở thôn 5, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên (Yên Bái) bị tử vong khi gây mê để cắt amidan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vào ngày 21/11, được chẩn đoán tử vong ngừng tuần hoàn do sốc phản vệ độ 4.
Trước đó, bệnh nhân Hoàng Tuấn Anh được Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán viêm VA-amidan quá phát và chỉ định phẫu thuật, nhưng xin điều trị tại tỉnh.
Ngày 19/11, bệnh nhi nhập viện vào Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, đã được khám lâm sàng, làm đủ các xét nghiệm cần thiết, được chẩn đoán xác định viêm VA-amidan quá phát và chỉ định phẫu thuật.
Bệnh nhi được khám gây mê theo đúng quy trình, đủ điều kiện gây mê phẫu thuật. Hồi 9 giờ ngày 21/11, bệnh nhi được chuyển xuống Khoa Phẫu thuật, Gây mê hồi sức để mổ theo kế hoạch. Bệnh nhân vào phòng mổ được úp mask khí mê Sevoflurane, sau đó tiêm tĩnh mạch 12 mcg Fentanyl, 35mg Propofol, 20 mg Suxamethonium.
Cứ 5 giây có 1 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong
Tiếp theo, bệnh nhi được tiến hành đặt nội khí quản, sau đặt kiểm tra thông khí tốt thì đột ngột xuất hiện điện tim trên Monitor thành đường đẳng điện, da nhợt nhạt, đã được chẩn đoán ngừng tuần hoàn nghi sốc phản vệ.
Ngay lập tức, kíp phẫu thuật đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn theo đúng phác đồ (ép tim ngoài lồng ngực, tiêm tĩnh mạch adrenalin 1/3 ống 3 phút 1 lần bóp bóng qua nội khí quản với 100% oxy), đồng thời báo cáo lãnh đạo Khoa, lãnh đạo Bệnh viện xin hỗ trợ từ Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, khoa Sản Nhi.
Đồng thời, Bệnh viện báo cáo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và xin hỗ trợ, ngay lúc đó phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Quốc Tuấn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai (đang giảng bài tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã trực tiếp chỉ đạo, tham gia cấp cứu và hội chẩn.
Sau khoảng 20 phút hồi sức tích cực, tim bệnh nhi đập trở lại khoảng 30 giây, sau đó bệnh nhi ngừng tim lần 2, kíp cấp cứu tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ (ép tim, bóp bóng 100% oxy qua nội khí quản, adrenanin tĩnh mạch, truyền natribicarbonat 14 phần nghìn), sau 15 phút nhịp tim xuất hiện trở lại khoảng 20 giây rồi lại ngừng tim lần 3.
Kíp cấp cứu tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ, nhưng không kết quả, trên monitor vẫn là đường đẳng điện, đồng tử giãn tối đa, mạch bẹn không bắt được. Bệnh nhi tử vong hồi 12 giờ ngày 21/11. Chẩn đoán tử vong: Ngừng tuần hoàn do sốc phản vệ độ 4.
Kíp cấp cứu gồm phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Quốc Tuấn, lãnh đạo Bệnh viện, lãnh đạo Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Hồi sức tích cực, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Nhi, đã giải thích cho gia đình bệnh nhi đây là trường hợp bất khả kháng, do cơ địa của bệnh nhi phản vệ quá nguy kịch, diễn biến tối cấp, vượt quá khả năng về y tế, mặc dù đã được Bệnh viện cấp cứu xử trí kịp thời, chính xác. Gia đình xin đưa cháu về nhà hồi 12 giờ 40 phút cùng ngày.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cũng đã yêu cầu niêm phong các thuốc đã sử dụng; Trưởng khoa Dược báo cáo tình trạng sốc thuốc về Trung tâm DI và ADR quốc gia theo quy định; đồng thời yêu cầu các khoa tiếp tục rà soát, tăng cường công tác chuyên môn đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã bố trí phương tiện đưa thi thể cháu bé về nhà. Đồng thời lãnh đạo Bệnh viện đã đến chia buồn, động viên gia đình./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn