Đây là đêm diễn đầu tiên của chương trình "Blouse trắng", song là đêm hát hàng tuần vào tối thứ 7 của một nhóm y bác sĩ tại TP HCM. Hơn một năm nay nhóm y bác sĩ thiện nguyện này đã tổ chức chương trình "Dĩa cơm trên tường" để quyên góp tiền mua cơm giúp bệnh nhân nghèo. Những bác sĩ, điều dưỡng ngày thường vốn quen với thuốc men, dịch truyền bệnh viện, nay cùng gặp nhau ở một quán cà phê với mục đích cất cao giọng hát nhằm "kiếm cơm" giúp bệnh nhân nghèo.
Đến xem trễ khi trời đã ngớt mưa, không đăng ký trước nên không còn chỗ ngồi, bà Hiền (79 tuổi), mẹ của một bác sĩ vui vẻ quyên góp một số tiền rồi ra ngồi phía bên ngoài. "Tôi nghe mấy đứa con trong nhà nhắc đến chương trình, đến nơi không còn chỗ ngồi nhưng thấy đông người ủng hộ thế này là mừng rồi", bà Hiền nói.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng ban tổ chức cho biết chương trình "Dĩa cơm trên tường" khơi nguồn từ câu chuyện "Ly cà phê trên tường" tại thành phố Venice, Italy. Ở đó người nghèo muốn uống cà phê nếu không có tiền có thể vào quán lấy mảnh giấy dán trên tường có giá trị như số tiền mua một ly cà phê. Cùng với bác sĩ Võ Xuân Sơn, nhóm các y bác sĩ trao đổi và biến ý tưởng ly cà phê của Venice thành dĩa cơm người Việt vì bệnh nhân nghèo cần cơm hơn.
Chương trình được thực hiện hơn một năm nay tại 4 bệnh viện là Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Trưng Vương với hơn 420 dĩa cơm hàng tuần. Đêm nhạc Blouse trắng vào tối thứ 7 hàng tuần nằm trong hoạt động quyên góp gây quỹ để có thể mở rộng ra nhiều bệnh viện hơn nữa. Hiện có 40 y bác sĩ tham gia tập luyện. Mỗi đêm có khoảng 10 giọng ca biểu diễn.
Phó giáo sư Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ TP HCM tham gia biểu diễn mở màn chương trình
Theo bác sĩ Hiển, chương trình không tổ chức nấu ăn mà chọn lựa những quán chất lượng đối diện bệnh viện để làm đối tác phát cơm miễn phí cho bệnh nhân. Phiếu cơm miễn phí được giao cho phòng công tác xã hội ở 4 bệnh viện này để phân về các khoa, điều dưỡng trưởng phát cho những bệnh nhân thật sự có nhu cầu. Bệnh nhân, thân nhân người bệnh cầm phiếu này ra quán cơm đã được bệnh viện chọn và ăn như một khách hàng bình thường. Điều này nhằm giúp người nhận cơm bớt cảm giác mặc cảm, người cho và người nhận đều không biết nhau.
"Chúng tôi mong muốn không chỉ bác sĩ các bệnh viện TP HCM mà tất cả tỉnh thành khác đều tham gia. Hiện các bác sĩ tại Quảng Ngãi, Bình Dương đã liên hệ, chúng tôi sẽ chuyển giao hình thức này để lan rộng cả nước, giúp bệnh nhân nghèo", bác sĩ Hiển chia sẻ. Từng âm thầm vào các quán ăn được chọn làm đối tác cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo để thị sát, bác sĩ Hiển nhận thấy chủ quán đều có sự ưu ái, bán phần cơm nhiều hơn, ngon hơn đối với người có phiếu.
Tham gia biểu diễn trong đêm đầu tiên, bác sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà trải qua 2 buổi luyện tập trước đó cùng các bác sĩ, điều dưỡng khác. "Những người ngành y ngoài giờ làm bệnh viện thì đều làm việc ở phòng mạch, trực bệnh viện ban đêm nên để tham gia mọi người đều phải thu xếp tranh thủ tối đa thời gian", bác sĩ Hà chia sẻ. Theo bác sĩ Hà, chính những y bác sĩ là người tiếp xúc trực tiếp hàng ngày nên hiểu rõ khó khăn mà nhiều bệnh nhân phải đối mặt. Chương trình này góp phần giúp đỡ cộng đồng, vừa là sân chơi giúp người làm ngành y kết nối với nhau hơn.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho biết, nhờ kêu gọi chia sẻ của những người ngành y, thông tin trên mạng xã hội, chương trình nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người trong và ngoài ngành. "Trước mắt chúng tôi cố gắng duy trì đêm nhạc trong ít nhất 3 tháng và lên nhiều kế hoạch cụ thể hơn để đẩy mạnh hoạt động quyên góp", bác sĩ Sơn chia sẻ.
Nguồn Suckhoe.vnexpress.net