Responsive Image

DetailController

Nhịp cầu nhân ái

Cảnh báo trục lợi bằng những bài viết thảm thương trên facebook

Lợi dụng sự lan truyền nhanh chóng từ mạng xã hội facebook và lòng tốt của mọi người, nhiều tài khoản facebook đăng tải thông tin người bệnh hết sức thảm thương để kêu gọi giúp đỡ, kèm theo các số tài khoản nhận tiền.

Những ngày qua, mạng xã hội “nóng” bởi những hình ảnh thảm thương của một cháu bé tên L.M.T mới 17 tháng tuổi bị bại não, đang điều trị tại Bệnh viện nhi T.Ư, được đăng tải bởi một tài khoản mạng xã hội facebook tên L.L.N.
Tài khoản này miêu tả “Cháu hiện tại được 17 tháng thì 16 tháng nay mẹ cháu ôm cháu trong viện, không một bác sĩ, y tá hay điều dưỡng nào ở Khoa thần kinh Bệnh viện Nhi T.Ư không biết về cháu, mẹ con cháu nằm ở đây nhiều người biết, họ thương nên hay mua đồ ăn cho, chứ không thì mẹ cháu toàn ăn mì qua ngày...".
Phía dưới tài khoản này đăng kèm 2 số tài khoản ngân hàng nhận tiền cứu trợ. Một tài khoản đứng tên mẹ cháu bé, tài khoản còn lại của chủ một cửa hàng bán đồ chay có trụ sở phố Liễu Giai, Hà Nội.
Cảnh báo trục lợi bằng những bài viết thảm thương trên facebook - ảnh 1
Cháu T. đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư, các bác sĩ cho biết cháu được miễn phí các suất ăn và hiện tại đang thừa tiền đóng viện phí nhờ Phòng công tác xã hội kêu gọi
Chủ nhân facebook L.L.N cũng nhấn mạnh, chủ cửa hàng chay này đang đồng hành cùng bé L.M.T, giúp đỡ bé, tên tài khoản không phải giả mạo.
Chiều 20.3, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ông Hà Văn Minh, nhân viên Phòng công tác xã hội, Bệnh viện Nhi T.Ư, người chăm sóc cháu L.M.T từ ngày nhập viện tới nay, cho hay cháu L.M.T bị bại não co cứng, viêm phế quản phổi. Mẹ cháu là N.T.N (quê ở xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, Nam Định), làm nông nghiệp, hoàn cảnh túng bấn, có đến 4 người con, cháu lớn nhất mới đang học lớp 5, cháu bé bị bệnh là con út trong nhà.
Theo ông Minh, dù bệnh tình hiểm nghèo, song 2 mẹ con cháu L.M.T được bệnh viện chăm lo các bữa ăn và tiền viện phí.
“Từ ngày cháu T. nhập viện là cuối tháng 12.2016 đến nay, 2 mẹ con cháu T. được bệnh viện cấp phiếu ăn miễn phí, mỗi ngày 2 phiếu ăn cho 2 bữa, ngoài ra chúng tôi kêu gọi được 14,5 triệu đồng ủng hộ. Như vậy tính ra, cháu L.M.T đang còn thừa tiền viện phí, không thiếu gì cả”, ông Minh nói.
Ông Hà Văn Minh cũng đưa ra những văn bản có chữ ký của mẹ cháu L.M.T khi nhận tiền ủng hộ và lấy phiếu ăn.
Thạc sĩ Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bà đã trao đổi trực tiếp với chủ tài khoản facebook đăng tải những thông tin trên và được biết, người viết chỉ là bệnh nhân nằm cùng phòng với 2 mẹ con nhà cháu bé đúng 1 ngày, nghe người mẹ than thở đã viết facebook nhờ mọi người giúp đỡ. Cô này cũng cho hay, tài khoản ngân hàng của chủ cửa hàng đồ chay phố Liễu Giai, cô này cũng được nghe kể lại nên viết thêm vào cho... tăng tính thuyết phục!

Bà N.T.N, tóc rối bời, mặt thất thần cho hay, bà bối rối không biết chủ tài khoản là ai, thấy có một người tới thăm, đứng ra nhận tiền quyên góp giúp, lại hứa giúp mẹ con bà đưa cháu sang bệnh viện khác chữa bệnh nên tin tưởng.

Theo bà N.T.N, bà được người ta thông báo trong 3 ngày qua, có hơn 80 triệu đồng người dân từ khắp nơi gửi về tài khoản của chủ nhà hàng chay, còn thực hư ra sao thì không biết.

Cảnh báo trục lợi bằng những bài viết thảm thương trên facebook - ảnh 3
Bà N.T.N (áo vàng) hớt hải gọi điện thoại cho chủ tài khoản nhà hàng chay để xin lại tiền được quyên góp
Đến 18 giờ 30 phút chiều qua, sau gần 6 tiếng chờ đợi và rất nhiều lần gọi điện thoại liên hệ, bà N.T.N và những người hảo tâm giúp mẹ con bà đã được trao trả gần 61 triệu đồng. “Họ nói là số còn lại gần 20 triệu đồng, họ sẽ chuyển khoản sau cho tôi”, bà N. nói.
Cảnh báo chiêu trò trục lợi người nhà, bệnh nhân từ facebook
Thạc sĩ Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, lợi dụng những trường hợp bệnh nhân là người dân tộc, miền núi, nông thôn, hiểu biết hạn chế, nhiều người đã mạo danh là người nhà đăng tải thông tin trên mạng xã hội facebook, sau đó đứng ra nhận tiền chuyển vào tài khoản, sau đó có chuyển hết cho bệnh nhân hay không thì không ai kiểm chứng.
“Tôi đã chứng kiến một trường hợp bệnh nhi là người dân tộc bỗng dưng có một ngày có người đến tự nhận là người nhà, họ đứng ngay ở cửa phòng bệnh nhân thu tiền phong bì, bỉm, sữa của các nơi ủng hộ, nói là cầm giúp. Buổi tối, họ mang hết bỉm sữa về và nói khi nào bệnh nhi cần dùng thì họ mang tới”.
Bà N.T.H, nhân viên một công ty bảo hiểm tại Hà Nội, 5 năm nay thường xuyên đi làm từ thiện tại các bệnh viện cho hay, ngày 8 tết 2017 vừa qua, sau khi xem một bài viết chia sẻ về một hoàn cảnh thương tâm trên facebook, bà vào Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội để tặng tiền cho một cháu bé tên T. bị bệnh phổi (bố bị ngớ ngẩn, sửa xe trên phố Văn Miếu, mẹ làm thuê). “Tuy nhiên, tới nơi, tôi thấy mẹ cháu T. đang đứng hớt hải nghe điện thoại “mạnh thường quân” gọi, còn một phụ nữ khác tự xưng là người nhà bệnh nhân đứng ngay ở cửa phòng thu hết tiền phong bì, đường sữa của khách tới thăm. Tôi đã đi về ngay sau đó”, bà H. kể lại.
“Để đồng tiền của mình đến đúng tay người bệnh thật sự cần giúp đỡ, mọi người nên thông qua các phòng ban của bệnh viện, như Phòng công tác xã hội. Không nên lạm dụng facebook và chuyển tiền vào các tài khoản mơ hồ, như thế sẽ tạo cơ hội cho những người xấu có lòng tham”, bà H. chia sẻ kinh nghiệm.
Trao đổi với Thanh Niên, Phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, năm 2016, từng có trường hợp anh trai 1 nữ sinh viên bị nhiễm trùng máu (không mua bảo hiểm y tế) viết rất thương tâm trên facebook nhờ mọi người gửi tiền giúp đỡ. Tuy nhiên, thực tế là gia cảnh bệnh nhân này sống ở Hà Nội không hề khó khăn, thậm chí khá giả, nhưng số tiền mọi người khắp nơi gửi về lên tới hàng trăm triệu đồng.
Bệnh viện từng đề nghị những người đến quyên góp trực tiếp cho bệnh nhân này có thể cân nhắc ưu tiên cho các trường hợp khác có hoàn cảnh thật sự cần giúp đỡ hơn.

Nguồn thanhnien.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image