Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

Can thiệp mạch vành qua da: Những thông tin cần biết

Can thiệp mạch vành qua da là một kỹ thuật dùng một loại ống thông nhỏ (catheter) qua đường động mạch quay hoặc động mạch đùi để đưa một bóng nhỏ vào lòng động mạch vành bị tắc, rồi nong và đặt Stent (giá đỡ) để làm tái thông dòng máu.

Là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, TS.BS. Nguyễn Quốc Thái, Trưởng phòng C4, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ cho chúng ta những thông tin mà bệnh nhân can thiệp mạch vành qua da cần biết: ưu nhược điểm của kỹ thuật này, bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước và sau khi can thiệp và chế độ sinh hoạt sau can thiệp.

 

PV: Bác sĩ có thể chia sẻ ưu điểm của phương pháp can thiệp động mạch vành qua da so với các kỹ thuật khác?

TS.BS. Nguyễn Quốc Thái: Khác với phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành cần phải mở lồng ngực, can thiệp động mạch vành có thể thực hiện chỉ bằng cách mở một lỗ nhỏ trên da để đưa catheter vào động mạch ở đùi hoặc cổ tay. Người bệnh được gây tê tại vùng chọc, nên nhìn chung, thủ thuật này không gây đau hơn một lần lấy máu làm xét nghiệm. Bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Thời gian thực hiện thủ thuật thường trong vòng vài giờ và phần lớn bệnh nhân có thể về nhà sau 1 - 2 ngày tính từ khi kết thúc thủ thuật.

Trong những năm qua, phương pháp này ngày càng phát triển và đạt được nhiều tiến bộ kể cả về kỹ thuật và hiệu quả điều trị. Ngày nay, dụng cụ nhỏ hơn và tốt hơn rất nhiều so với những dụng cụ được sử dụng chụp động mạch vành lần đầu tiên cách đây vài thập kỷ. Những loại thuốc mới cũng góp phần làm kết quả can thiệp tốt hơn, duy trì lâu dài hơn và giảm được nhiều biến chứng trong quá trình thực hiện thủ thuật.

Một ống thông nhỏ (catheter) được đưa qua động mạch đùi hoặc ở cổ tay (động mạch quay) để vào tới tim

PV: Can thiệp động mạch vành qua da sẽ được tiến hành như thế nào, thưa bác sĩ?

TS.BS. Nguyễn Quốc Thái: Gồm 2 bước: Chụp mạch vành và Can thiệp động mạch vành

Chụp mạch vành

Một ống thông nhỏ được chọc qua mạch máu và đưa vào lỗ động mạch vành. Sau khi ống thông đã được đưa vào lỗ động mạch vành thì dung dịch thuốc cản quang sẽ được bơm qua hệ thống ống thông vào mạch vành. Kết quả là hiển thị hình ảnh của hệ động mạch vành trên màn hình tăng sáng, dựa vào các hình ảnh này cho phép đánh giá những tổn thương của hệ động mạch vành như hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối,...

Can thiệp động mạch vành

Nếu có chỗ hẹp động mạch vành cần nong rộng thì bác sĩ sẽ luồn dây dẫn mềm rất nhỏ qua ống thông tới tổn thương mạch vành. Bóng nong sẽ được luồn qua ống thông đi tới vị trí hẹp và được bơm lên. Sau khi lòng mạch vành đã mở rộng thì bóng sẽ được làm xẹp xuống và rút ra.

Để tránh việc mạch vành hẹp trở lại sau khi nong bóng, một giá đỡ (stent) được đưa đến chỗ hẹp. Stent được bung ra bằng cách bơm bóng, kết quả là stent áp sát vào lòng mạch máu và làm lòng mạch máu mở rộng ra. Sau đó, bóng sẽ được làm xẹp, tách khỏi stent và được hút ra ngoài, để stent ở lại vị trí cần đặt.

Sau khi nong và đặt stent, lòng mạch máu ở chỗ hẹp được mở rộng, giúp máu đi qua chỗ hẹp nhiều hơn, giúp giảm triệu chứng đau ngực, cũng như cải thiện tiên lượng tốt hơn.

PV: Bệnh nhân trước can thiệp cần chuẩn bị những gì?

TS.BS. Nguyễn Quốc Thái: Trước khi tiến hành thủ thuật nong động mạch vành, bệnh nhân sẽ được giải thích tại sao cần thực hiện kỹ thuật này, phương pháp tiến hành ra sao, biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi thực hiện. Khi đồng ý làm thủ thuật, bệnh nhân sẽ ký vào giấy cam kết thực hiện thủ thuật.

Bệnh nhân được kiểm tra, đánh giá các tình trạng bệnh đi kèm (bệnh dạ dày, bệnh phổi mạn tính), chức năng thận..., tiền sử bệnh lý như tiền sử xuất huyết tiêu hóa, các bệnh rối loạn đông máu, dị ứng các thuốc cản quang...

Chụp và can thiệp động mạch vành qua da có thể được tiến hành qua động mạch quay hoặc động mạch đùi. Vùng làm thủ thuật sẽ được làm sạch và cạo lông, sát khuẩn sạch và gây tê tại chỗ. Sau đó, bác sĩ sẽ đâm kim để tạo một lỗ nhỏ vào lòng động mạch tại vùng đó.

Khi thuốc cản quang được bơm vào động mạch vành. Động mạch sẽ được hiện lên ở trên một màn hình đặc biệt. Khi thấy lòng mạch máu bị tắc hoặc hẹp, bác sỹ sẽ tiến hành nong và đặt stent tại vị trí hẹp.

PV: Bệnh nhân sau can thiệp cần chú ý điều gì?

TS.BS. Nguyễn Quốc Thái: Sau khi chụp và đặt stent động mạch vành, sheath ở vùng chọc mạch (cổ tay hay đùi) sẽ được rút ra. Vùng vết chọc sau đó sẽ được ép chặt. Nếu can thiệp đường mạch quay (chọc vùng cổ tay), bạn có thể đi lại được nhưng tốt nhất nên nghỉ ngơi, gác cao tay và để vùng tay đó được ổn định giúp cầm máu tốt hơn. Sau khoảng 2 giờ, băng ép sẽ được nới bớt và sau ít nhất 5 giờ, băng ép sẽ được tháo hoàn toàn.

Đối với can thiệp qua đường động mạch đùi, bệnh nhân cần nằm bất động trong vòng 6 đến 8 giờ, đặc biệt là chân bên chọc mạch để chắc chắn rằng vết chọc đã cầm máu. Trong một số trường hợp, có thể cần một túi chặn nhỏ để tăng lực ép lên vùng đó trong khoảng 1 - 2 giờ đầu băng ép.

Sau thủ thuật, vết chọc có thể hơi đau tức khi chạm vào. Vùng chọc cũng có thể hơi nề hoặc tím nhẹ trong một vài ngày. Điều này có thể bình thường nhưng nếu bạn đau, sưng nề và vùng tím lan rộng, hãy thông báo với bác sỹ. Trong trường hợp cần thiết, bác sỹ có thể cho tiến hành một số thăm dò và xét nghiệm để chắc chắn là không có lỗ rò hay nhiễm trùng tại vùng chọc mạch tuy rằng tỷ lệ này rất thấp.

PV: Sau khi can thiệp bao nhiêu lâu, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt như thường ngày?

TS.BS. Nguyễn Quốc Thái: Bạn nên tránh gắng sức thể lực trong 1 - 2 tuần sau thủ thuật. Sau đó, phần lớn bệnh nhân có thể dần trở lại hoạt động với mức độ phù hợp, kể cả quan hệ tình dục. Nên tập thể dục vừa sức đều đặn hàng ngày.

PV: Chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập, uống thuốc…. bệnh nhân cần tuân thủ như thế nào?

TS.BS. Nguyễn Quốc Thái: Khi stent được đưa vào động mạch vành, nó sẽ nằm lại đó mãi mãi. Sau một vài tháng, các tế bào nội mạc từ xung quanh sẽ phát triển phủ lên trên lòng stent. Quá trình này có thể lâu hơn nếu ta dùng stent phủ thuốc. Trong suốt quá trình này, khoảng < 1% nguy cơ có cục máu đông hình thành bên trong lòng stent làm tắc nghẽn dòng máu trong động mạch. Nguy cơ này là lớn nhất trong một vài tuần đầu tiên sau khi đặt stent.

Để giảm nguy cơ này, bạn cần dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu đều đặn, bao gồm cả aspirin và ức chế thụ thể P2 Y12 (Clopidogrel, ticagrelor, prasugrel để làm cho tiểu cầu bớt kết dính. Với người mắc hội chứng mạch vành mạn tính sẽ cần dùng một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu khoảng 6 tháng. Bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp tính thì dùng thuốc 12 tháng và những thuốc khác theo chỉ định.

Như đã nói ở trên, tắc nghẽn có thể xảy ra sau khi can thiệp động mạch vành. Vì vậy, bạn cần được theo dõi đều đặn và đi khám lại ngay nếu có triệu chứng đau ngực trở lại. Khi có những dấu hiệu cảnh báo như đau ngực hoặc khó thở đừng chần chừ bởi việc đến viện sớm sẽ làm tăng cơ hội để bạn được điều trị kịp thời.

Sau khi được can thiệp đặt stent động mạch vành, bạn có thể lên kế hoạch tập luyện để từng bước nâng cao sức khoẻ. Bạn cần kiên trì điều chỉnh các yếu tố nguy cơ có thể làm cho tình trạng động mạch vành xấu đi. Hãy kiểm tra định kỳ lượng cholesterol trong máu. Nếu cholesterol cao, hãy điều chỉnh lối sống và dùng thuốc (theo đơn) để hạ mỡ máu. Kiểm soát huyết áp và đường huyết bằng chế độ ăn, giảm cân và uống thuốc đều đặn. Nếu bạn hút thuốc, cần bỏ thuốc ngay. Thực hiện những điều này, bạn có thể làm quá trình tiến triển của mảng xơ vữa chậm lại và có một cuộc sống tốt đẹp không triệu chứng./.

 

Diệu Hiền thực hiện

                      

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image