Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

CHĂM SÓC GIẢM NHẸ: SỰ KẾT HỢP ĐA NGÀNH VÌ NGƯỜI BỆNH

NGÀY THỨ 7 CỦA TUẦN THỨ 2 THÁNG 10 HÀNG NĂM ĐƯỢC LẤY LÀ NGÀY QUỐC TẾ CHĂM SÓC GIẢM NHẸ. CHỦ ĐỀ NĂM NAY ĐƯỢC TỔ CHỨC LIÊN MINH QUỐC TẾ GIẢM NHẸ VÀ CHĂM SÓC CUỐI ĐỜI ĐỀ XƯỚNG LÀ “NHỮNG CỘNG ĐỒNG TRẮC ẨN - CÙNG NHAU VÌ CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH”.

CHĂM SÓC GIẢM NHẸ - LÒNG TRẮC ẨN CÙNG NỖI ĐAU VÀ NGƯỜI BỆNH

Lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ phát triển từ phong trào chăm sóc người bệnh nặng nói chung, trong đó có bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối đời, gắn liền với tên tuổi Dame Cicely Saunders, người sáng lập ra bệnh viện chăm sóc giảm nhẹ St.Chistopher dành cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối vào năm 1967 và những cuốn sách, tài liệu về phong trào chăm sóc giảm nhẹ. Bà là nữ điều dưỡng, bác sĩ, văn sĩ, nhà hoạt động xã hội người Anh (1918-2005). Từ thế chiến lần thứ 2, Saunders đã gắn bó với ngành Y và người bệnh với lòng trắc ẩn, thương yêu, chia sẻ. Bà trải nghiệm công việc chăm sóc và điều trị cho những người bệnh nan y tại các trại dưỡng lão và nhà thương dành cho người nghèo.Tình yêu đầu đời của bà dành cho một người Do Thái tị nạn gốc Ba Lan, ông chết trẻ vì bệnh ung thư, hấp hối trong tay bà.

Phòng CTXH và Trung tâm nhi khoa cùng các tình nguyện viên tổ chức nhiều hoạt động cho các bệnh nhi điều trị tại Trung tâm

Sau đó bà làm việc tại một bệnh viện công giáo ở London, bà đã tự nghiên cứu về việc kiểm soát cơn đau khi hàng ngày chứng kiến nỗi đau đớn của những người bệnh. Bà đem lòng yêu một bệnh nhân và anh đã qua đời vì bệnh ung thư năm 1960 tại bệnh viện nơi bà làm việc. Cùng năm đó, cha của bà và bạn thân bà cũng qua đời vì bệnh tật. Trong nỗi đau vò xé, bà quyết định thành lập bệnh viện của riêng mình để phục vụ, chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối mang tên St Chistopher với phương châm chăm sóc toàn diện người bệnh về lâm sàng, thể chất, tâm lý, tinh thần theo hướng tiếp cận đa ngành từ y khoa đến tâm lý xã hội, nghệ thuật, văn hóa... với nhiều phương pháp trị liệu khác nhau. Bệnh viện còn quan tâm đến người nhà bệnh nhân và giúp đỡ họ khi người thân qua đời. Khi căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS bắt đầu trở thành dịch bùng phát, bệnh viện của bà đã tiếp nhận chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Với vai trò là người tiên phong của thế giới về chăm sóc giảm nhẹ, nữ bác sĩ-văn sĩ-nhà hoạt động xã hội Saunders luôn được nhắc đến với lòng trắc ẩn và nhân ái sâu sắc vì người bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Chăm sóc giảm nhẹ là các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh hiểm nghèo đe dọa cuộc sống của chính người bệnh và sự yên bình của gia đình họ, bằng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị đau và các triệu chứng thực thể, các vấn đề tâm lý, tinh thần mà bệnh nhân và gia đình họ phải chịu đựng. Đối với những người mắc những bệnh đe dọa cuộc sống thì cần phải áp dụng nguyên tắc chăm sóc giảm nhẹ ngay từ khi chẩn đoán bệnh cho đến cuối đời và hỗ trợ người nhà sau khi người bệnh qua đời.

Bệnh viện luôn quan tâm và hỗ trợ, chăm sóc cho bệnh nhân là đối tượng yếu thế trong xã hội

Nói cách khác, chăm sóc giảm nhẹ là cách thức tiếp cận đa ngành để chăm sóc y khoa, chăm sóc điều dưỡng, chăm sóc tâm lý và tinh thần cho những người bị mắc các bệnh bị giới hạn tuổi thọ. Theo các chuyên gia: Chăm sóc giảm nhẹ diễn ra tại bệnh viện, các trung tâm y tế và có thể cần tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trại dưỡng lão, tại các gia đình nhằm giảm bớt các triệu chứng đau đớn về thể chất và căng thẳng về tinh thần, cải thiện tối đa chất lượng sống cho những người không may mắc các căn bệnh nghiêm trọng, hiểm nghèo.

BỆNH VIỆN BẠCH MAI: CHĂM SÓC - ĐIỀU TRỊ GIẢM NHẸ LÀ CHỖ DỰA CHO NGƯỜI MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO

Trong báo cáo hoạt động chăm sóc giảm nhẹ tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã nhấn mạnh tinh thần quán xuyến suốt nhiều năm qua của bệnh viện. Từ năm 2009 cho đến nay, Bệnh viện đã dành nhiều quan tâm đến vấn đề này thông qua các chương trình, các khóa đào tạo, tập huấn và thực hành tại một số đơn vị, có cơ chế hội chẩn chăm sóc giảm nhẹ trong bệnh viện nhằm cung cấp lời khuyên và ý kiến chuyên môn về chăm sóc giảm nhẹ cho đồng nghiệp bất cứ khoa nào trong bệnh viện bao gồm: Điều trị giảm đau và giảm bất cứ triệu chứng thực thể khác, xác định rõ mục tiêu chăm sóc và điều trị từng ca bệnh cụ thể, cân nhắc các biện pháp điều trị đặc hiệu bệnh hay là điều trị duy trì sự sống.

Hoạt động Công tác xã hội nhóm tại Trung tâm Phục hồi chức năng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người bệnh

Từ năm 2013, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập màng lưới Chăm sóc giảm nhẹ toàn bệnh viện. Đến nay, mạng lưới đã và đang hoạt động thường xuyên tại các khoa phòng để hỗ trợ toàn diện cho người bệnh. Trong đó, các nhân viên phòng Công tác xã hội và các cán bộ màng lưới của phòng luôn là một trong những thành tố hoạt động tích cực. Từ đầu năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ áp dụng tại các đơn vị, cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Bệnh viện Bạch Mai đã theo sát hướng dẫn và có sự phối hợp nhịp nhàng đa chuyên khoa.

Với mục tiêu “Vì sức khỏe nhân dân”, các trường hợp bệnh hiểm nghèo, các đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người neo đơn... đến Bệnh viện Bạch Mai luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ công tác điều trị, chăm sóc về chuyên môn y tế cho đến các mặt tinh thần, vật chất, tâm lý, xã hội. Nhiều cảnh ngộ khó khăn, nhiều số phận đặc biệt và gánh nặng bệnh tật, sinh kế đã được hỗ trợ, động viên kịp thời. Những ủng hộ thiết thực về viện phí, phương tiện chuyển viện, ra viện, những món quà mang ý nghĩa nhân văn làm ấm lòng và lay động cả cộng đồng. Tại các đơn vị lâm sàng có nhiều bệnh nhân nặng, hiểm nghèo như Trung tâm bệnh Nhiệt đới, TT Y học hạt nhân và ung bướu, TT Huyết học và Truyền máu, TT Thận tiết niệu và lọc máu, TT Thần kinh,Viện Sức khỏe tâm thần, TT Nhi khoa..v..v, luôn có nhiều hoạt động được tổ chức để giáo dục sức khỏe, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh với hình thức phong phú từ thuyết trình, trao đổi, sẻ chia đến đọc sách, vẽ tranh, đàn hát, tập luyện thể chất.... giúp bệnh nhân và người nhà có thêm nghị lực, niềm hy vọng để yên tâm chữa bệnh.

Hoạt động nhóm dành cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

Tháng 8 năm 2023, PGS.TS Eric L.Krakauer - Giám đốc Chương trình Chăm sóc giảm nhẹ toàn cầu, Đại học Harvard - Hoa Kỳ đã có buổi làm việc lần thứ 2 tại Bệnh viện Bạch Mai và đã đánh giá cao những cố gắng của bệnh viện trong tiến trình xây dựng chương trình Chăm sóc giảm nhẹ và hy vọng sẽ có những hợp tác chặt chẽ để thiết lập một trung tâm với sự hội tụ đa ngành để hướng tới người bệnh, nhất là những ca bệnh nặng, phức tạp.

Trong thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục triển khai chương trình chăm sóc giảm nhẹ, kiện toàn màng lưới và tập huấn nâng cao cho nhân viên y tế, tiến tới thành lập đơn vị chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Bạch Mai với mục đích lấy người bệnh làm trung tâm, đồng hành với người bệnh và gia đình bệnh nhân trong suốt quá trình diễn biễn của bệnh, kể cả giai đoạn cuối đời, nhằm đạt được chất lượng và giá trị cuộc sống cao nhất cho người bệnh. Đó cũng là chăm sóc toàn diện cho người bệnh hiểm nghèo, giúp người bệnh và gia đình tiếp cận được các hình thức chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện và ngoài bệnh viện.

                                           Thực hiện: Thùy Dương

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image