Sau hơn 20 năm điều trị ung thư vú, khoảng 5 năm gần đây cánh tay phải bệnh nhân bị sưng phù nề, đường kính to hơn tay trái 3 - 4cm, sẹo co kéo vùng hố nách, thậm chí xuất hiện rò rỉ dịch mủ, nhiễm khuẩn huyết khiến bà đau đớn, khó khăn, bất tiện trong vận động, di chuyển.
Tay phải bệnh nhân bị sưng phù nề, đường kính to hơn tay trái 3 - 4cm, sẹo co kéo vùng hố nách
Tìm hiểu và được bạn bè, người quen tư vấn, bà đã đến Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai để được can thiệp, xử trí. Tại đây, không chỉ được thăm khám và tư vấn pháp đồ điều trị kỹ lưỡng, bà cũng rất hài lòng với kỳ nghỉ chất lượng, ấm áp tình người, tận tâm, tận tuỵ của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng Khoa.
Người bệnh chia sẻ: “Không chỉ được giải phóng các vấn đề sưng viêm, phù bạch huyết mà còn được các bác sĩ tạo hình thẩm mỹ thon gọn cách tay. Hơn thế, xử trí sẹo co kéo vùng hố nách, giúp tay phải có thể duỗi thẳng và giơ lên được như bình thường. Nặng nề, đau đớn, bất tiện trong sinh hoạt, di chuyển đã được cởi bỏ.”
Theo PGS.TS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ: Phù bạch huyết cánh tay phải là di chứng sau điều trị ung thư vú (chiếm khoảng 10 - 15%). Đặc biệt, tình trạng này có thể xuất hiện trên người bệnh có nạo hạch vùng nách và nguy cơ tăng cao khi có thêm phương pháp điều trị bằng xạ trị. Phù bạch huyết cánh tay không chữa khỏi hoàn toàn, nhưng điều trị sớm có thể giúp giảm triệu chứng bệnh và ngăn chặn các triệu chứng khác, phòng ngừa các tổn thương thứ phát ở cánh cẳng bàn tay.
Phù bạch huyết cánh tay là hiện tượng tích tụ, ứ đọng dịch trong hệ bạch huyết, dẫn đến cánh tay bị phù to. Người bệnh có cảm giác đau đớn, các chi khó cử động và di chuyển, gây khó khăn trong sinh hoạt, quan trọng là phòng ngừa các tổn thương trên tay. Bệnh có thể xuất hiện vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau khi điều trị ung thư và trở thành di chứng vĩnh viễn về sau nếu không phòng ngừa, phát hiện kịp thời và điều trị sớm.
Những đối tượng có sự can thiệp của bất kỳ thủ thuật nào làm tổn hại đến mạch bạch huyết đều có thể gây phù. Tuỳ độ nặng nhẹ mà có những triệu chứng, biểu hiện khác nhau: Sưng toàn bộ hoặc một phần cánh tay; Đau thắt nặng nề; Nhiễm trùng tái lại nhiều lần; Vùng da phù cứng và dày lên. Nhiều trường hợp kích thước cánh cẳng bàn tay thay đổi làm ảnh hưởng chức năng vận động và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
Chăm sóc, thay băng cho người bệnh sau khi phẫu thuật phù bạch huyết
Điều trị phù bạch huyết tập trung vào việc giảm sưng nề và kiểm soát các triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các liệu pháp như: Vận động các bài tập nhẹ nhàng để kích thích dòng chạy bạch huyết cải thiện sự lưu thông. Xoa bóp bạch huyết, sử dụng băng ép, chăm sóc da, phẫu thuật, hút mỡ, ghép hạch bạch huyết, sử dụng thuốc…
Phù bạch huyết hoàn toàn có thể phòng tránh, kiểm soát các triệu chứng để có một cuộc sống bình thường. PGS. TS Việt Dung khuyên người bệnh nên đi khám ngay khi nhận thấy dấu hiệu sưng ở cánh tay, cẳng chân, bàn tay, ngón tay, cổ hoặc ngực… Đây là những dấu hiệu để nhận biết phù bạch huyết. Trong cuộc sống, sinh hoạt nên tránh các vấn đề: Tránh lấy máu, tiêm, truyền tĩnh mạch từ cánh tay có nguy cơ mắc bệnh phù bạch huyết. Không tắm nước nóng quá lâu, dùng túi chườm hoặc các biện pháp điều trị bằng nhiệt. Không mát xa quá mạnh vùng có nguy cơ phù bạch huyết và hạn chế để cánh tay tiếp xúc với ánh nắng. Không mang vác vật nặng hoặc đeo túi trên vai. Không mặc quần áo hoặc đeo trang sức quá chật. Nâng tay lên cao khi ngủ và thay đổi thường xuyên tư thế, tránh nằm nghiêng hoặc ngồi tựa lâu vào cánh tay. Nên mang dụng cụ bảo hộ, bảo vệ tay khỏi chấn thương. Áp dụng chế độ ăn cân bằng, ít muối và duy trì lối sống lành mạnh.
“Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi ngờ nguy cơ của phù bạch mạch như nêu ở trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý”, PGS. TS Việt Dung nhấn mạnh.
Nguyên Hà