Responsive Image

DetailController

Nhịp cầu nhân ái

Chuyện về những phóng viên “hành khất”!

Nhiều người nói vui, phóng viên y tế là những kẻ “hành khất”, bởi họ liên tục kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ…

 Trò chuyện thân tình cùng hai mẹ con bé trai bất hạnh bị chó cắn.

Trò chuyện thân tình cùng hai mẹ con bé trai bất hạnh bị chó cắn.

“Khởi nghiệp” bán hàng lấy lãi nhưng… không để cho bản thân

Tháng 5/2019, Bệnh viện Việt Đức thông tin tới các nhà báo về một bệnh nhi 12 tuổi ở Thọ Xuân (Thanh Hoá) bị chó cắn mất 2 tai, nát mặt, đa chấn thương khắp cơ thể.

Trước đó, một buổi chiều cuối tháng 4/2019, được mẹ sai đi ra đồng gọi anh trai học lớp 9 về, em Nguyễn Văn Thảo (12 tuổi) hăm hở đi. Khi em còn chưa gặp được anh trai bị hai con chó gần 30kg lao ra cắn.

Cuộc tấn công bất ngờ đẩy Thảo ngã xuống ruộng lúa, hai con chó không ngừng cắn xé. Thể trạng gầy gò, Thảo không đủ sức chống lại sức giằng xé của hai con chó.

Cuộc vật lộn của cậu bé với hai con chó kéo dài hơn 20 phút. May mắn, lúc này vợ chồng người anh họ cũng ra ruộng thăm lúa phát hiện, đã lao vào dùng đất, gạch đập đuổi, hai con chó mới nhả cậu bé tội nghiệp ra.

Người anh họ lao vào ôm lấy cậu bé 12 tuổi, giúp bé thoát nạn. Lúc này, khắp người cậu bé đều toàn bùn đất, máu trộn lẫn bùn. Những vết thương dập nát mặt, da đầu bị bong lóc, hai tai biến mất... đều rất rõ.

Phải đến khi cậu bé được đưa đi viện, mẹ bé mới biết. Lúc đó, khoảng 5h30 chiều, 30 phút sau lúc chị sai con trai đi gọi anh trai về.

Thảo được đưa đến Bệnh viện huyện, rồi lên Bệnh viện tỉnh và chuyển tuyến lên Bệnh viện Việt Đức. Bên giường bệnh của con, người phụ nữ mới ngoài 40 tuổi nhưng bệnh tật đầy người ấy chốc chốc lại khóc. Từ khi con bị nạn, chị vẫn không ngừng tự trách mình, không hết ân hận “Giá như tôi không sai con đi kêu thằng lớn thì con đã không bị như vầy”...

Một năm trước, chị phát hiện bị u xơ tuyến vú, viêm xoang mũi mãn tính cùng nhiều bệnh khác. Nhưng tiền không có, chị quyết định bỏ điều trị, về nuôi con ăn học. Ai ngờ lại xảy ra cơ sự này…

Các bác sĩ cũng cho biết, phải đợi ít nhất 6 tháng nữa mới có thể can thiệp để tái tạo lại tai, che phủ vùng da đầu bị mất cho Thảo. “Nhìn cậu bé nằm trên giường bệnh và những giọt nước mắt nấc nghẹn của mẹ cậu bé khi kể lại tình huống con trai mình bị hai con chó tấn công đến hoảng loạn, chúng tôi không khỏi xót xa”, nhà báo Hoàng Nữ Thái Bình (Báo Sức khoẻ & Đời sống) chia sẻ.

Ngay lập tức, các phóng viên y tế đã vội góp tiền được 2 triệu đồng tặng cho mẹ Thảo để chị có thêm chút mua trái cây, hộp sữa cho cậu con trai út...

Những phóng viên y tế bàn với nhau, họ bán hàng online để lấy tiền quyên góp ủng hộ cháu bé.

Những mặt hàng được rao bán rất gần gũi, thiết thực. Từ mắm tép, giò chả quê, nem nắm đến trà, hoa… được các nữ phóng viên, cũng là những người mẹ, người chị trong gia đình khệ nệ xếp xếp, đóng đóng từng túi để thuê shipper mang đến cho từng địa chỉ đặt để có thêm vài chục nghìn lãi, giúp các gia đình bệnh nhân khó khăn.

Những vị “hành khất” xa lạ cho bệnh nhân nghèo

 Đại diện nhóm đến Bệnh viện Việt Đức thăm, tặng quà cho gia đình bé Duy (9 tuổi, ở Cao Bằng) bị bại não, bị 4 con chó tấn công cắn khiến em chấn thương nặng nề.

Đại diện nhóm đến Bệnh viện Việt Đức thăm, tặng quà cho gia đình bé Duy (9 tuổi, ở Cao Bằng) bị bại não, bị 4 con chó tấn công cắn khiến em chấn thương nặng nề.

“Táo Y tế” - cái tên không biết có tự bao giờ, chắc có lẽ bắt nguồn từ chương trình Táo quân trên VTV mỗi khi Tết đến. Đó là nhóm tập hợp những phóng viên theo dõi lĩnh vực y tế, sức khỏe của các tờ báo tại Hà Nội. Những năm qua, “Táo Y tế” không chỉ đơn thuần là một nhóm diễn đàn nghiệp vụ mà đây còn là “nhóm đặc thù”, khác biệt những phóng viên khác.

Cứ khoảng 2 ngày, trên facebook một “Táo Y tế” lại đăng một thông tin về trường hợp bệnh nhân cần được hỗ trợ, bằng cách “hành khất” - từ dùng của nhà báo Nguyễn Lan Anh (Báo Tuổi trẻ TPHCM) rao bán những mặt hàng quen thuộc để lấy lãi, giúp bệnh nhân nghèo khó.

Bao giờ cũng thế, nữ nhà báo có thâm niên hơn 20 năm theo dõi ngành Y tế này mở đầu bằng ba chữ “Các mẹ ạ!”.

“Các mẹ nhớ giúp có 3 người khó khăn đang chờ. Một là anh bệnh nhân bỏng điện cao thế đã bị cắt một chân và đang cố giữ đôi tay. Hai là cháu bé lớp 4 mồ côi ở Phú Thọ. Ba là cô gái nghèo mới được phẫu thuật ở Bệnh viện E, cần 5 triệu đồng viện phí” - Đó là 3 bệnh nhân được nhà báo Lan Anh kêu gọi để hỗ trợ vào cuối tháng 3/2019.

Các “Táo Y tế” tự hào là cầu nối để chuyển tải nhanh nhất, sinh động nhất các thông tin y tế, sức khoẻ tới độc giả. Nhưng cũng chính tiếp xúc liên tục, chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn như vậy, họ càng thấu hiểu nhiều nhất người bệnh và sự nỗ lực vô vàn của y bác sĩ.

Có khi là một em bé 9 tuổi bị bại não ở Cao Bằng bị 4 con chó tấn công nát mặt, cắn đứt cả “của quý” mà không biết kêu khóc. Có khi là một bệnh nhân khi đang điều trị ung thư tại khoa Nhi - Bệnh viện K thì nhận hung tin bố mình cũng chẩn đoán ung thư phế quản phổi giai đoạn IV. Có khi lại là hai anh em sinh đôi 5 tuổi ở Bắc Ninh mồ côi cha mẹ - những người đã qua đời khi đưa con gái út đi khám bệnh… Thậm chí, khi đi tác nghiệp tại Ba Bể (Bắc Kạn), thấy bệnh viện huyện này không có máy tiêm tự động cho bệnh nhi ít bị đau khi tiêm và tiêm được lượng thuốc rất ít, ít đến mức ta không thể nếu tiêm bằng tay, đúng chỉ định của bác sĩ…

Những lần “có khi” đó, cứ ám ảnh các phóng viên trong suốt quá trình tác nghiệp. Viết báo phục vụ độc giả là một nhiệm vụ, các phóng viên y tế lại “mua dây buộc mình” khi trăn trở những câu chuyện, những hoàn cảnh xã hội khó khăn.

Để bệnh nhân nghèo không đơn độc

 Nhóm phóng viên y tế và những người bạn đến Bệnh viện 108 tặng quà bệnh nhân Nguyễn Hồng Dương (SN 1986, Tam Nông, Phú Thọ) bị đa chấn thương do bỏng điện cao thế, có hoàn cảnh rất khó khăn khi 2 con của anh cũng bệnh nặng.

Nhóm phóng viên y tế và những người bạn đến Bệnh viện 108 tặng quà bệnh nhân Nguyễn Hồng Dương (SN 1986, Tam Nông, Phú Thọ) bị đa chấn thương do bỏng điện cao thế, có hoàn cảnh rất khó khăn khi 2 con của anh cũng bệnh nặng.

5 năm nay, các phóng viên đã hỗ trợ không biết bao nhiêu trường hợp bệnh nhân, số tiền phải tính đến con số tiền tỷ. Biết bao nhà tình thương, trường học ở vùng cao được xây, bao nhiêu sổ tiết kiệm cho bệnh nhân nghèo được trao, nhiều người đã cận kề cửa tử, buông xuôi điều trị, nuốt nước mắt vào trong xin bệnh viện đưa về nhà vì không có viện phí… đã hồi sinh kỳ diệu. Đến mức, trên facebook nhiều phóng viên y tế, danh sách bạn bè ngoài bạn học, đồng nghiệp, bác sĩ, còn có nhóm… bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được giúp đỡ.

Nhớ lại ngày đầu khởi phát ý tưởng quyên góp, vận động xây quỹ ủng hộ bệnh nhân nghèo năm 2014, nhà báo Lan Anh kể: “Hôm đó, hơn 10 phóng viên y tế ở Hà Nội cùng trên một chuyến xe đi công tác. Mọi người chia sẻ cho nhau xem bức ảnh và thông tin về một trường hợp bệnh nhân 9 tuổi bị ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Mẹ bé cũng bị ung thư, anh trai bị tai nạn tử vong trước đó mấy năm, bố thì tàn tật không còn khả năng lao động. Không ai bảo ai, mọi người có cùng chung suy nghĩ: Tại sao chúng ta không giúp đỡ bé nhỉ?”.

Thế là ngay trên chuyến xe ấy, các phóng viên y tế bàn bạc sôi động. Ý tưởng bán hàng (lương thực, hoa quả) tại một hội chợ đang diễn ra ở Hà Nội để lấy tiền lãi ủng hộ bé, được đưa ra, nhiều người tán thành.

Nói là làm, hôm sau, hàng chục phóng viên y tế chung tay, người góp công sức đi lấy hàng, người đứng bán hàng, người bận không tham gia được thì đóng tiền, kêu gọi người thân ủng hộ. Sau một ngày thu được 12 triệu đồng, nhóm cử đại diện đến Bệnh viện Nhi Trung ương trao tặng toàn bộ cho gia đình bệnh nhi, dưới sự chứng kiến của Phòng Công tác xã hội của viện và niềm xúc động nghẹn ngào của người nhà bệnh nhân.

“Một hành động nhân văn. Mặt trận nào, chiến trường nào các phóng viên y tế cũng có mặt!”, bà Dương Thị Minh Thu - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

 Không chỉ hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, nhóm “Táo y tế” còn chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn khác trong xã hội. Trong ảnh, nhà báo Hoài Thu (Truyền hình Nhân dân) đưa em Đức Anh, con trai lớn của chị Lê Thị Thu Hà -người lao công tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc ở đường Láng, Hà Nội (tháng 4/2019), ra ngân hàng lập sổ tiết kiệm. Số tiền này được huy động từ nguồn ủng hộ tiền mặt và lãi bán hàng từ thiện.

Không chỉ hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, nhóm “Táo y tế” còn chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn khác trong xã hội. Trong ảnh, nhà báo Hoài Thu (Truyền hình Nhân dân) đưa em Đức Anh, con trai lớn của chị Lê Thị Thu Hà -người lao công tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc ở đường Láng, Hà Nội (tháng 4/2019), ra ngân hàng lập sổ tiết kiệm. Số tiền này được huy động từ nguồn ủng hộ tiền mặt và lãi bán hàng từ thiện.

Từ những thành công bước đầu, các “Táo Y tế” trở thành địa chỉ tin cậy để những tấm lòng hảo tâm, những Mạnh thường quân gửi gắm, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn. Đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chủ động đề nghị được hỗ trợ những trường hợp phóng viên y tế kêu gọi trên facebook cá nhân.

Một lần, khi đang đi phỏng vấn lấy thông tin, nhà báo Lan Anh nhận được tin nhắn của cán bộ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai gửi đến. Nữ cán bộ này sau khi nêu tên tuổi, địa chỉ, tình trạng bệnh và gia đình khốn khó của bệnh nhân đã được xác minh thì nói thêm: “Chị này khổ lắm, người dân tộc chả biết gì chị ạ! Phòng em đang hỗ trợ suất ăn từ thiện, chưa được nhà hảo tâm nào hỗ trợ cả chị ạ!”.

“Thương quá. Cuộc đời còn quá nhiều những hoàn cảnh thương tâm!”, nhà báo Lan Anh nói. Vậy là chị lại công cuộc “hành khất” bằng dòng trạng thái: “Các mẹ ạ! Hãy mua hàng chúng tôi bán, để chia sẻ với khó khăn của chị ấy”.

Nói thế để thấy, không chỉ với các mạnh thường quân ở ngoài xã hội, mà “táo y tế” thực sự trở thành địa chỉ tin cậỵ để người bệnh nghèo nương tựa, để họ không cô đơn, không từ bỏ cuộc chiến với bệnh tật. Đằng sau những trang báo mạnh mẽ của những nhà báo chiến đấu vì thông tin thật, là trái tim ấm áp, đồng hành cùng người bệnh để cuộc sống thêm những điều tốt đẹp, thêm những nụ cười…

Facebook ảo mà không ảo”, nhà báo Nguyễn Lan Anh nói. Bởi mạng xã hội này đã kết nối những tấm lòng nhân ái, làm xích lại khoảng cách giữa nhà báo - bác sĩ, nhà báo - bệnh nhân, bác sĩ - bệnh nhân cao hơn, giúp những con người thật gần nhau hơn”.

Nguồn: http://giadinh.net.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image