Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

Đặt định vị tổn thương vú (kim dây, maker...) dưới hướng dẫn siêu âm

Trong trường hợp các tổn thương vú không sờ thấy được mà có chỉ định phẫu thuật hoặc sinh thiết mở (open biopsy) thì việc định vị tổn thương bằng một sợi dây định vị đi từ ngoài da vào vị trí tổn thương giúp bác sỹ xác định được đúng vị trí cần can thiệp.

Thủ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm sẽ được triển khai thế nào? BSCKII. Lưu Hồng Nhung, Trưởng nhóm Chẩn đoán và can thiệp vú, Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp chúng ta làm rõ vấn đề này

PV: Kỹ thuật được chỉ định cho những bệnh nhân nào, thưa bác sĩ?

BSCKII. Lưu Hồng Nhung: Các trường hợp tổn thương không sờ thấy được, xếp loại từ BIRADS 4 trở lên hoặc một số trường hợp BIRADS 3, nhìn thấy được trên siêu âm

PV: Bác sĩ có thể cho biết những bệnh nhân nào chống chỉ định kỹ thuật này?

BSCKII. Lưu Hồng Nhung: Kỹ thuật này không có chống chỉ định tuyệt đối.

Các chống chỉ định tương đối bao gồm:

Bệnh nhân dị ứng với thuốc gây tê.

Bệnh nhân quá lo lắng, hồi hộp và không hợp tác

Bệnh nhân có nhiễm trùng nặng ở bề mặt da tại vị trí đặt định vị.

PV: Bác sĩ có thể nói về ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật này so với các kỹ thuật khác?

BSCKII. Lưu Hồng Nhung:

Ưu điểm:

Bệnh nhân không phải tiếp xúc tia X.

Dây định vị được kiểm soát dưới hướng dẫn siêu âm nên đảm bảo 100% vào đúng tổn thương

BN được nằm thoải mái trong quá trình thực hiện kĩ thuật

Nhược điểm

Không thực hiện được với những tổn thương không quan sát thấy trên siêu âm, đặc biệt là các vi vôi hoá

PV: Quy trình thực hiện ra sao, thưa bác sĩ?

BSCKII. Lưu Hồng Nhung: Quy trình của kỹ thuật đặt định vị tổn thương vú dưới hướng dẫn siêu âm gồm các bước sau:

Lựa chọn cách tiếp cận tổn thương:

Bác sỹ xác định lại vị trí tổn thương trên siêu âm, chọn đường vào phù hợp nhất sao cho khoảng cách từ lỗ vào trên da đến tổn thương là gần nhất và phù hợp với đường rạch da của phẫu thuật viên.

Đánh dấu vị trí điểm vào trên da và hướng đi đến tổn thương.

Chuẩn bị bệnh nhân:

Sát khuẩn vị trí chọc kim

Trải toan vô khuẩn cho vùng cần sinh thiết.

Bọc đầu dò siêu âm bằng túi nylon vô trùng.

Gây tê tại chỗ. 


Định vị tổn thương.

Đưa kim dây định vị qua vị trí đã đánh dấu trên da, kiểm soát dưới siêu âm toàn bộ kim trong suốt quá trình từ lúc đưa vào đến khi tiếp cận được tổn thương.

Khi đã xác định chính xác kim đã tiếp cận tổn thương, tiến hành giải phóng sợi dây định vị.

Siêu âm lại lần cuối cùng để chắc chắn rằng sợi dây định vị đã đánh dấu được tổn thương.

Kết thúc thủ thuật.

Rút kim định hướng, cố định dây và bọc lại sợi dây định vị thò ra ở phía ngoài vú và cho phép bệnh nhân di chuyển lên phòng phẫu thuật.

Mô tả và vẽ bản đồ định vị kim dây cho phẫu thuật viên.

PV: Bệnh nhân cần lưu ý điều gì sau khi thực hiện kỹ thuật, thưa bác sĩ?

BSCKII. Lưu Hồng Nhung: BN sẽ được dừng ngay thủ thuật khi có một trong các biểu hiện sau:

- Dị ứng thuốc gây tê: biểu hiện dị ứng, mẩn ngứa, khó thở, tim đập nhanh.

- Phản xạ thần kinh phế vị: gặp trong khoảng 7% các trường hợp, người bệnh khó thở, lo lắng, biểu hiện trào ngược, buồn nôn

- Người bệnh cần phối hợp với thầy thuốc trong suốt quá trình làm thủ thuật

- Để tránh dây định vị bị lệch ra ngoài sau khi đã được đặt vào trong tổn thương, bệnh nhân vận động nhẹ nhàng, hạn chế di chuyển mạnh.

PV: Nếu muốn được áp dụng kỹ thuật này tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân cần đăng ký với ai, thủ tục này thế nào?

BSCKII. Lưu Hồng Nhung: Nếu BN có tổn thương ở vú cần phải đặt dây định vị. BN phải được nhập viện (Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu), sau khi làm hết các XN cần thiết, BN có lịch mổ, phẫu thuật viên sẽ gửi BN đến phòng Can thiệp tuyến vú tại Trung tâm Điện quang để làm kĩ thuật này.

Diệu Hiền ghi

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image