Bệnh nhân đã ngừng tim, tràn máu màng phổi được hồi sức tỉnh lại và chuyển Bệnh viện TWQĐ 108 phẫu thuật cứu sống.
Đây là bệnh lý giãn động mạch chủ vĩnh viễn và không phục hồi, khi đường kính ngang đo được lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần so với đường kính phần còn lại của động mạch chủ. Phình tách động mạch chủ ngực chiếm khoảng 2% đến 5% của tất cả phình mạch máu.
Kỳ tích trong đêm đông ngày cận Tết
Đêm hôm đó là một đêm không ngủ với các y bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108. Nhận được điện của thủ trưởng có ca phình bóc tách động mạch chủ ngực, các chiến sĩ áo trắng lập tức lên đường làm nhiệm vụ.
“22 giờ 30 phút chúng tôi nhận được tin về ca bệnh trong nhóm bác sĩ bệnh viện TWQĐ 108 và Bệnh viện tỉnh Hà Nam. Ngay sau khi chúng tôi thấy hình ảnh chẩn đoán, bệnh nhân lập tức được chuyển lên Bệnh viện 108. Quá trình chuẩn bị cho ca mổ diễn ra hết sức nhanh chóng, các bác sĩ đã trong tư thế sẵn sàng. Và chỉ sau một khoảng thời gian ngắn bệnh nhân đã được đưa vào phòng mổ”, BS Ngô Tuấn Anh, Phụ trách khoa Phẫu thuật Tim mạch cho biết.
Trên chuyến hành trình chữa bệnh cứu người, bệnh viện tỉnh Hà Nam luôn phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện TWQĐ 108 ngay từ những bước đầu tiên. Đó là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của ca mổ.
Theo đánh giá của bác sĩ trực tiếp thực hiện ca mổ, đây là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có phần trăm vượt qua rất nhỏ. Trước khi đến viện, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng dữ dội. Ngày 08/01/2019, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tim tại BV Tỉnh Hà Nam, tim đập lại, chụp CT lóc tách động mạch chủ, tràn máu màng phổi trái.... Bệnh nhân được duy trì vận mạch chuyển Bệnh viện TƯQĐ 108.
Ca phẫu thuật tại ngực kéo dài gần 8 giờ đồng hồ và được thực hiện xuyên màn đêm. Một giờ sáng, các kíp bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch và khoa gây mê với lòng quyết tâm cao vượt gió sương lập tức đến Bệnh viện. Ca phẫu thuật không được báo trước nhưng các kíp bác sĩ đều chủ động đương đầu.
Một lần nữa sự phối hợp giữa các kíp bác sĩ trong Bệnh viện được phát huy và mang lại hiệu quả cao. Kỳ tích đã diễn ra ngay trong đêm đông lạnh giá, người bệnh được đội ngũ y bác sĩ níu lại sự sống ngay trước cửa tử. Phần lớn yếu tố tạo nên thành công đó chính là tinh thần đoàn kết, phối hợp ăn ý giữa các bệnh viện nói chung và các kíp bác sĩ nói riêng. Sau điều trị 10 ngày, bệnh nhân ổn định, ra viện.
Bệnh nhân sau can thiệp đã khỏi phình
Tỷ lệ tử vong cao
Chia sẻ về căn bệnh này, BS Ngô Tuấn Anh cho hay: Tiến triển của bệnh liên quan đến một số yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm: xơ vữa động mạch, hút thuốc lá, nam giới và tăng huyết áp. Phình động mạch chủ ngực có tỉ lệ phát triển trung bình 0,42 cm – 0,56 cm/năm. Khi đường kính động mạch chủ ngực càng lớn thì nguy cơ gây vỡ phình càng tăng dẫn đến nguy cơ tử vong càng cao. Đối với những phình có đường kính lớn hơn 6 cm thì tỉ lệ tử vong, vỡ hoặc bóc tách động mạch chủ khoảng 15,6% trên năm và khi vỡ phình động mạch chủ thì tỉ lệ tử vong lên đến 97% đến 100%.
Phình động mạch chủ ngực được chia thành các dạng sau:
- - Phình động mạch chủ ngực đoạn động mạch chủ ngực.
- - Phình động mạch chủ ngực–bụng liên quan cả 2 động mạch chủ ngực xuống và động mạch chủ bụng.
Động mạch chủ ngực có thể được phân chia thành 2 loại theo hình dạng của nó:
-
Dạng túi: Mặt bên của động mạch chủ phồng lên và không đối xứng. Thường đây là giả phình động mạch chủ mà nguyên nhân do chấn thương hay do loét xuyên thấu động mạch chủ.
-
Dạng hình thoi: đây là phình thật vì tổn thương cả 3 lớp của thành động mạch chủ. Dãn to bất thường một đoạn dài và lên quan đến toàn bộ chu vi của thành động mạch chủ.
Thông thường, phình động mạch chủ ít có triệu chứng hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hay khi chụp xquang ngực thường quy. Ngoài ra, một số bệnh nhân có triệu chứng không điển hình như:
-
Đau: Thường đau mơ hồ, có thể đau ở cổ và hàm dưới, hoặc đau giữa hai xương bả vai, hay đau lưng, đau vai trái. Khi có phình tách động mạch chủ thì xuất hiện đau đột ngột như xé vùng trước ngực hoặc sau lưng
-
Dấu hiệu chèn ép: Khi phình lớn có thể gây chèn ép các cấu trúc xung quanh hay tạng lân cận gây khàn tiếng (chèn ép thần kinh thanh quản) hoặc khó thở, khó nuốt do chèn vào khí quản, thực quản, hoặc phù do chèn ép vào tĩnh mạch.
-
Vỡ phình động mạch chủ: Đây là biến chứng nặng và nguy hiểm, bệnh nhân thường tử vong trước khi nhập viện. Một số trường hợp may mắn vỡ chưa hoàn toàn cần phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cấp. Khi chưa sốc và trụy tim mạch thì các triệu chứng thường gặp là:
-
Đau ở ngực hoặc bụng, lưng. Tính chất đau thường đột ngột và đau nhiều.
-
Mạch nhanh và huyết áp không đo đươc hoặc rất thấp. Da niêm mạc nhợt do mất máu.
-
Làm chẩn đoán hình ảnh sẽ thấy dịch trong màng phổi hay sau phúc mạc. Với trường hợp này, cần khẩn trương tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, tiên lượng cũng rất khó khăn.
Điều trị phình động mạch chủ ngực và những tiến bộ mới:
Khi túi phình có kích thước ngang lớn hơn 50mm, hoặc mỗi năm đường kính túi phình tăng hơn 5mm thì cần được điều trị triệt để. Đối với phình hình túi thì chỉ cần đường kính lớn hơn 30mm đã cần can thiệp.
Nói về phương pháp mới trong điều trị, BS Ngô Tuấn Anh cho biết: Hiện nay, hầu hết các trung tâm tim mạch trong nước đều điều trị bệnh lý này bằng phẫu thuật. Phẫu thuật mổ mở, cắt bỏ đoạn phình và thay bằng đoạn động mạch nhân tạo dưới sự hỗ trợ của máy tuần hoàn ngoài cơ thể. Đây là phẫu thuật khó, đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm của các thầy thuốc. Điều trị phẫu thuật có tỉ lệ tử vong chu phẫu 5% đến 35% và tỉ lệ biến chứng vẫn còn cao, đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi và có các tổn thương khác phối hợp. Chăm sóc sau mổ cũng nặng nề và khá phức tạp.
Tuy nhiên, cùng với tiến bộ của y học, đặc biệt tiến bộ của ngành tim mạch can thiệp, bệnh nhân có thể không cần phải mổ. Một phương pháp điều trị đặc biệt sẽ thay thế phương pháp mổ truyền thống, gọi là đặt ống ghép nội mạch qua da. Đây là can thiệp ít xâm lấn với kết quả ban đầu tốt.
Đặt ống ghép nội mạch là phương pháp điều trị thay thế an toàn và hiệu quả so với phương pháp phẫu thuật vì nói không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể. Để đặt ống ghép nội mạch an toàn cần phải đánh giá kích thước của động mạch đầu xa làm đường dẫn có đủ hay không, đường đi của động mạch chủ có bị quặn xoắn hay bị gập góc, và quan trong nhất là hình thái học của túi phình có thích hợp hay không.
Các bác sĩ can thiệp sẽ luồn ống ghép qua da vào vùng mạch bị phình và ống ghép này sẽ thay thế đoạn mạch bệnh lý. Bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh chóng, không cần nằm viện lâu, theo dõi chăm sóc sau can thiệp cũng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, chi phí cho can thiệp này còn cao so với thu nhập người dân của nước ta.
Hiện nay đã có nhiều trung tâm tim mạch của nước ta áp dụng phương pháp này đạt kết quả khả quan như: bệnh viện TƯQĐ 108, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả này đã Mở ra một hướng đi mới cho những bệnh nhân có bệnh lý phình động mạch chủ ngực.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn