Ngày 12/7/2017, tại khoa Ngoại BV Bạch Mai, buổi giao ban sáng đã bị gián đoạn: các thầy thuốc và người bệnh đang rất vui mừng, xúc động tiễn chân 1 bệnh nhân được ra viện sau hơn 2 tháng điều trị; Ít có người bệnh nào ra viện mà lại được nhiều người tiễn chân, chúc mừng thân thiết như thế - nụ cười và cả những giọt nước mắt đã rơi …
Được bạn bè ở trọ cùng đưa đến bệnh viện rồi vào khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai đêm 06/5/2017: không người thân thiết ruột thịt, không bảo hiểm y tế, được chẩn đoán: shock nhiễm trùng, suy đa tạng nghi do thủng tạng rỗng, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Sau khi được hồi sức tích cực, truyền 5 lít máu trong đêm, đến 6h sáng ngày 07/5/2017 bệnh nhân đã được mổ cấp cứu với chẩn đoán xác định: Thoát vị bẹn nghẹt gây thủng, viêm phúc mạc, shock nhiễm trùng…
Hai bố con bệnh nhân Châu chia tay các bác sỹ của khoa Ngoại - BV Bạch Mai
Sau hơn 02 tháng ròng rã trên giường bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, xung quanh là cả 1 hệ thống dây, rợ, ống hút, máy thở, máy lọc, quả lọc; một màu trắng của ga phủ, băng gạc và những tiếng tít… tít khô khốc đều đều của máy monitor theo dõi; 02 lần phẫu thuật, hồi sức tích cực với đủ các loại kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc vận mạch … Có những lúc, chàng thanh niên vùng biển Khánh Hòa lực lưỡng ấy chỉ còn lại “da bọc xương”, nằm dính xuống giường bệnh, mê man, thờ ơ với mọi sự hối hả sôi động bên ngoài, thờ ơ với cả gương mặt ngơ ngác, lo lắng thất thần của người cha vừa vội vã từ Nha Trang bay ra Hà Nội, chỉ kịp mang theo mấy triệu giắt lưng sau khi nhận được tin báo về cậu con trai út. “Hai cha con vừa nói chuyện với nhau qua như hai người bạn qua điện thoại được vài hôm. Cháu nói, công việc của nó ngoài này ổn, ba mẹ không phải lo lắng gì… vậy mà không ngờ cháu lại lâm vào tình trạng thế này, chúng tôi cũng chưa kịp chuẩn bị tiền…” – Bác Trần Công Bạch nói với chúng tôi khi được mời vào phòng hội chẩn để được nghe GS. Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện chủ trì buổi hội chẩn toàn BV đã trực tiếp giải thích về tình trạng của con trai: “… nặng lắm, không biết có qua khỏi không, cháu lại không có thẻ BHYT, kinh phí điều trị lên tới cả 4 -5 trăm triệu đồng, nhưng còn chút cơ hội nào bệnh viện cũng sẽ hết sức cố gắng vì cháu mới 23 tuổi…”.
Với một chế độ nuôi dưỡng đặc biệt cùng bao nhiêu nỗ lực của các thầy thuốc nơi đây, Bệnh nhân đã qua cơn hiểm nghèo, thoát shock mất máu, hết shock nhiễm trùng, hết thở máy, hết lọc máu, hệ thống dây và ống đã được bỏ bớt dần, các dấu hiệu sinh tồn cũng dần ổn định. Em đã tỉnh táo và có thể nói chuyện được trong tư thế nằm trên giường bệnh với một gương mặt hốc hác, 2 hố mắt thẳm sâu. Sau bao nhiêu lần dự định không thành vì con vẫn chưa tỉnh, hôm nay người cha đã mạnh dạn nói chuyện với con về tương lai: “sau đận này, khỏi bệnh về quê thôi con ạ, rau cháo gì cũng được, có cha có con”. Cháu im lặng, tôi tưởng nó mệt nên không dám nói chuyện tiếp nữa. Ai dè, hôm sau, cháu nói với tôi: “con nghĩ kỹ rồi ba ạ, cũng may mà đợt này ra Hà Nội kiếm sống, rồi vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu chứ nếu ở quê chắc không qua khỏi…” – Người cha chợt hiểu ra sự im lặng của nó sau 1 đêm suy nghĩ – đúng là trong cái rủi, có cái may”
BN Châu bùi ngùi chia tay bệnh nhân và người nhà cùng phòng
Hôm GS. Ngô Quý Châu cùng BS.Long, BS. Tuấn khoa Ngoại và Phòng Công tác xã hội đến thăm để chuẩn bị tiễn Châu ra viện, em đã được 49kg, nụ cười bẽn lẽn, hai cha con rưng rưng nói lời cảm ơn mọi người. BS. Bùi Cường đi qua, biết Châu sắp ra viện cũng vào bắt tay, chúc mừng – trước đó 2 tháng, chả ai nghĩ có ngày hôm nay. Người cha định kể lại câu chuyện của con mình nhưng GS. Châu đã cười và ngăn lại: “Bác không phải nói chúng tôi biết hết rồi, chúng tôi là những người đã hội chẩn cho cháu từ những ngày đầu tiên…”.
BS. Nguyễn Minh Tuấn, người đã trực tiếp điều trị cho Châu chia sẻ: “Dù đã tiến triển tốt lên rất nhiều song bệnh nhân vẫn còn cần phải tiến hành 1 ca phẫu thuật nữa để phục hồi đường tiêu hóa đang bị rò, nhưng do thể trạng còn yếu sau một nhiễm trùng toàn thân và tại chỗ quá nặng, em sẽ được chuyển về bệnh viện địa phương tiếp tục chăm sóc và nâng cao thể trạng để khoảng 3- 6 tháng sau quay lại mổ”. Bác sỹ cũng nói: Từ Khánh Hòa ra đây rất xa, sau này em có thể mổ tại Khánh Hòa hoặc vào BV Chợ Rẫy cho tiện và cũng đỡ chi phí đi lại nhưng hai cha con đều có nguyện vọng sẽ quay trở lại Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.
Đó là câu chuyện của Bệnh nhân Trần Ngô Bạch Châu, 23 tuổi, quê ở Thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa, Nha Trang, đã tốt nghiệp ĐHKH Tự nhiên TP. HCM, ra Hà Nội làm việc tự do, ở trọ. Không có BHYT. Tổng kinh phí điều trị lên đến con số không nhỏ - 441.000.000đ (Bốn trăm bốn mươi mốt triệu đồng). Gia đình đã nỗ lực bằng mọi cách xoay xở, vay nợ nhưng cũng chỉ lo nổi khoảng một nửa, số tiền còn lại trên 200.000.000đ em đã nhận được sự hỗ trợ từ tấm lòng của các nhà hảo tâm, trong đó có các mạnh thường quân thông qua anh Trần Khánh Minh và Ban Bảo trợ Chùa Nguyên Ngộ, Q.12 – TP HCM (100.000.000đ – một trăm triệu đồng); Quỹ thiện tâm – tập đoàn Vingroup (40.000.000đ – bốn mươi triệu đồng) và nhiều nhà hảo tâm khác…
Bài, ảnh: Bạch Mai