Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Một đêm trực cùng bác sĩ cấp cứu ngoại

Có lẽ đối với các y bác sĩ cụm từ “trực cấp cứu” là vô cùng quen thuộc, tuy nhiên với những người ngoại đạo như chúng tôi, có người nhà vào viện cấp cứu trong đêm, chứng kiến một tua trực của các bác sĩ mới thấy hết nỗi vất vả, áp lực mà những người thầy thuốc đang thực hiện hàng ngày.

1473130419357_41669.png

Ca mổ cấp cứu trong đêm của khoa Ngoại

21h, bố tôi được chuyển đến Phòng Cấp cứu ngoại - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đau bụng quằn quại, bụng chướng, cứ ăn vào là nôn. Lúc đó, Khu tiếp đón đã tấp nập với rất nhiều bệnh nhân và người nhà đang làm thủ tục nhập viện. Hai ca bị tai nạn giao thông, một ca bị chấn thương do té ngã, một ca bị viêm ruột thừa chờ mổ cấp cứu… các băng ca san sát nhau. Bác sĩ, điều dưỡng tất bật luôn chân, luôn tay.

Bố tôi được các bác sĩ khẩn trương thăm khám và cho đi xét nghiệm. Kết quả siêu âm và chụp CT ổ bụng cho thấy bố tôi bị viêm phúc mạc do thủng ruột non có chỉ định mổ cấp cứu. Mọi công việc chuẩn bị cho ca mổ cấp cứu được nhanh chóng triển khai. Bố tôi may mắn khi được TS. BS Trần Mạnh Hùng - Phó trưởng Khoa ngoại tổng hợp trực tiếp cầm dao mổ. Lúc này đã là 1h sáng - bố tôi được chuyển vào phòng mổ.

Ngồi chờ ngoài hành lang, chưa bao giờ tôi thấy thời gian trôi đi chậm chạp đến thế! Kim đồng hồ nhích dần sang 2 giờ sáng. Tưởng đêm khuya thanh vắng sẽ giảm bớt những ca cấp cứu. Nào ngờ, càng về khuya càng nhiều. Phần lớn là tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Những ánh đèn xe cấp cứu cứ loang loáng quét qua cửa sổ. Những tiếng còi xe cấp cứu cứ rú ầm ầm trong đêm, lao thẳng lên sảnh khu vực tiếp đón bệnh nhân. Tôi thấy vào đến đây, có những người dù thân thể có những chỗ “nát bét”, máu me bê bết, một số do say rượu vẫn không ngớt chửi thề, văng tục…

Khu cấp cứu bỗng trở nên náo loạn khi có hai cậu con trai, mặt còn non choẹt, tóc nhuộm xanh đỏ, quần jean xé te tua dìu một người bạn vào. Chẳng biết đã xảy ra cơ sự gì, cậu thanh niên được dìu vào máu me be bét từ đầu đến chân, những người không có chuyên môn như tôi, nhìn không biết họ bị thương ở chỗ nào - chỉ thấy toàn là máu. Trong khi các bác sĩ và điều dưỡng khẩn trương thăm khám và kiểm tra vết thương thì cậu ta không những chẳng phối hợp mà còn vẫn không ngừng giãy giụa và chửi thề…

Bác sĩ Hùng cho biết, cao điểm của ca trực thường diễn ra từ 21h cho tới 2h sáng hôm sau (đó là thời gian kết thúc các cuộc ăn nhậu). Với các ca cấp cứu tai nạn do say rượu và ma túy, các bác sĩ rất vất vả bởi bệnh nhân thường quậy phá và chửi bới. Nhiều ca bệnh nhân nặng cần xử lý gấp, kíp trực phải làm việc với 150-200% công suất để chạy đua với thời gian. "Vì chỉ xử lý chậm trễ một phút, tính mạng bệnh nhân có thể không giữ được". Trực đêm luôn khiến các bác sĩ áp lực hơn vì nhiều khi bệnh nhân nhập viện dồn dập trong khi số lượng nhân viên y tế lại có hạn. Để có thể giải quyết được công việc, bác sĩ trực chính (cọc 1) sẽ phải khám và sơ bộ phân loại, tiên lượng tình hình bệnh nhân, để ưu tiên xử lý trước các ca nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

3h sáng, một chiếc xe cứu thương lại ập đến cửa phòng cấp cứu với một cháu bé mới 9 tuổi. Đang ngủ, cháu bé đột ngột bị đau bụng dữ dội và được bố mẹ gọi xe cấp cứu. Bằng kỹ năng nhạy bén nghề nghiệp, cháu bé được thăm khám và nhanh chóng xác định chẩn đoán viêm ruột thừa và phẫu thuật cấp cứu. Bố mẹ cháu bé không giấu được niềm vui khi con trai mình được cấp cứu kịp thời, không nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Đó cũng là niềm vui, hạnh phúc của người thầy thuốc khi có một ca bệnh được cấp cứu thành công, khi một bệnh nhân được bảo toàn mạng sống!

Tuy vậy, có một điều không phải ai cũng biết, để bảo vệ được tính mạng, hạnh phúc cho các gia đình bệnh nhân, đôi khi các thầy thuốc phải hi sinh, phải chấp nhận thiệt thòi vì không có đủ thời gian dành cho con cái, gia đình. Chị K.A làm điều dưỡng của phòng Cấp cứu ngoại đã 5 năm. Với chị những đêm trực bây giờ đã trở nên “nhẹ nhàng” hơn so với các đồng nghiệp trẻ. Song trong tâm trí, chị vẫn nhớ như in đêm trực đầu tiên sau khi chị nghỉ sinh đứa con đầu lòng cho đến khi con được 1 tuổi. Cả đêm đó, ruột gan chị cứ nóng ran, đến sáng về nhà mới biết con đã khóc ròng từ 21h tối đến gần sáng vì nhớ mẹ, nhớ sữa rồi mệt quá thiếp đi trong vòng tay người giúp việc….Tôi tin rằng, kỷ niệm đó không chỉ với riêng chị mà rất nhiều các bác sỹ, y tá khác đã từng trải qua!

Một đêm trực ở phòng cấp cứu ngoại, bất chấp những mệt mỏi, thiệt thòi từ công việc, gia đình, các y bác sĩ vẫn hết mình, tận tụy chăm sóc bệnh nhân. Như những cánh chim bay không biết mỏi, các y bác sĩ vẫn đang ngày đêm miệt mài đem hết trí tuệ và sức lực của mình để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho mọi người - thứ tài sản quý giá nhất mà đôi khi mỗi chúng ta không nhận thấy!

Bài: Thanh Tâm - Ảnh: Thế Anh

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image