Ở thôn Đào Xá, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, có vị thầy thuốc tên Đào Kế Việt (hơn 80 tuổi) hằng ngày cụ vẫn rong ruổi đạp chiếc xe cà tàng để chữa bệnh cho người nghèo.
Tấm lòng từ thiện đã... ăn vào máu
Khi tìm đến nhà cụ ở thôn Đào Xá, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), hỏi mới biết cụ không có nhà. Được hàng xóm cho biết cụ đang ở trạm bơm Đào Xá, tìm đến trạm bơm khi thấy người vào tìm cụ nhanh nhẹn bước ra chào. Thoạt nhìn chắc ít ai nghĩ cụ đã ngoài 80 tuổi. Tuổi mà xưa nay hiếm thấy có người vấn hoạt động hăng say với nghề như vậy.
Được hỏi về bản thân cụ Kế chia sẻ: “Bản thân tôi không quan trọng việc tiền nong, con cái tôi ai cũng thành công nên việc tôi chữa bệnh con trai, con dâu ai cũng ủng hộ, đây là động lực giúp tôi tiếp tục với nghề mà tôi vẫn yêu thích”.
|
Lương y Đào Việt Kế đang dưới thiệu về những dụng cụ thường dùng trong chữa bệnh của ông. |
Khi được hỏi có bệnh nhân nào ông lưu tâm nhất kể từ khi làm nghề ông cười bảo: “Bây giờ cô, chú đi cùng tôi sang thăm bệnh nhân nhé!”.
Theo chân vị lương y chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Tiến Lợi xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên). Bất ngờ được gặp ân nhân, ông Lợi xúc động nắm chặt tay.
Kể lại câu chuyện của mình, ông Lợi nhớ lại: “ Tôi không may bị bệnh tai biến mạch máu não, bị di chứng liệt nửa người bên trái. Điều trị ở bệnh viện Bạch Mai dùng nhiều loại Thảo dược nhưng bệnh chỉ cải thiện chút ít. Ơn trời ông Kế giúp xoa bóp, bấm huyện trong 4 ngày liền bệnh tình tôi thuyên giảm rõ rệt, đến ngày bấm huyệt thứ 3, tôi thấy cơ thể thoải mái, vận động tốt hơn”.
Ngoài ra ông Kế còn hướng dẫn người đồng đội đã từng “vào sinh ra tử” ở chiến trường cách tập luyện, xoa bóp, bấm huyệt hàng ngày.
“Sau hơn 2 tháng thực hiện theo cách ông Kế chỉ dẫn, sức khỏe tôi đã khỏe lại được 80% so với ban đầu. Vui nhất là chân tay cử động tốt, tôi lại là chỗ dựa số 1 của gia đình, nếu không có ông Kế chữa bệnh cho không biết bây giờ tôi còn đi đứng khỏe khoắn như thế này được không", ông Lợi nói trong vui sướng.
Tài năng và tâm đức của ông Đào Việt Kế đã được nhiều người nghèo trong thôn, ngoài xã biết đến và tìm đến nhờ cậy. Đến thăm gia đình của ông Nguyễn Văn Bảo ở thôn Nguyễn Xá, Xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của đại gia đình này khi có người thân mắc bệnh hiểm nghèo được chữa khỏi.
Kể lại câu chuyện ông Kế chữa bệnh cho anh trai Nguyễn Văn Bảo, ông Nguyễn Văn Cợi cho biết : “Anh trai tôi bị tai biến mạch máu não, co giật, méo mồm nói ngọng, ăn uống, đi vệ sinh, phải có người nhà giúp đỡ. Đi bệnh viện, bệnh tình cũng chỉ giảm đi trong quá trình điều trị, nhưng về nhà bệnh lại đâu lại vào đấy. Chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ được ông Kế xoa bóp, bấm huyệt, anh trai tôi tỉnh táo ra hẳn. Vì quá vui mừng và xúc động, thời điểm đó anh trai tôi đã reo lên như một đứa trẻ".
|
Ảnh về đồng đội cùng vào sinh ra tử với ông trên mặt trận |
Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng
Bước ngoặt trong quãng đời binh nghiệp của người thầy thuốc Đào Việt Kế là khi ông rời Quân Y viện 354 và viết đơn tình nguyện ra chiến trường phục vụ chiến đấu ở nước bạn Lào. Trong suốt 10 năm chiến đấu ở Lào ông đã bị thương trong một lần xả thân vào trận địa, cứu thương. Trong thời gian đó những lần hành quân qua những khu rừng trụi lá. Ông và nhiều đồng đội đã bị nhiễm chất độc màu da cam.
Khi nhiệm vụ quân ngũ kết thúc. Ông trở về quê hương trong tình trạng sức khỏe giảm sút trầm trọng. Dù vậy người cựu chiến binh già vẫn không lùi bước. Ông ngày đêm nghiên cứu tự mình xoa bóp, rèn luyện sức khỏe nâng cao thể trạng và làm thầy thuốc chữa bệnh miễn phí cho người dân.
|
Chiếc tủ chứa đựng bao nhiêu hồi ức một thời vừa chiến đấu vừa cứu người của cựu chiến binh. |
Trong quá trình khắp nơi cứu chữa người bệnh, người thầy thuốc Đào Việt Kế đã dùng phương pháp y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền, để tìm ra phác đồ điều trị tốt nhất.
Ông Kế kể về những công trình tâm đắc nhất như “Khí công dưỡng sinh”, “Trường sinh học”...Phương pháp điều trị là kết hợp bấm huyệt, châm cứu trước tiếp đến mới dùng, thuốc tiêm, thuốc uống.
Hàng chục năm hành nghề ông chữa khỏi cho hàng trăm bệnh nhân nghèo bị tai biến về tim mạch, bệnh viêm thần kinh, bệnh viêm đường hô hấp, suy hô hấp, liệt hô hấp, bệnh về tiêu hóa, phụ khoa, bệnh về mắt,...
“Đã mấy chục năm nay bố tôi dốc hết sức vì sự nghiệp Y học, chữa bệnh cứu người, chúng tôi là con rất ủng hộ quan điểm của bố, là một người thầy y phải để tâm của mình lên trên hết có như thế mới dễ dàng chữa khỏi bệnh cho người khác. Bố tôi nay cũng đã tuổi già sức yếu, không còn mạnh khỏe như xưa, bấm huyệt yêu cầu một thể lực chắc khỏe mới bấm tốt được, vì thế tôi mong cụ mãi khỏe để chữa bệnh cho người dân nghèo”, ông Đào Duy Anh con trai trưởng của ông chia sẻ.
|
Những dụng cụ mà cụ Kế hay dùng để cứu người |
Thời gian gần đây do sức khỏe yếu dần ông không còn nhiều năng lượng để bấm huyệt. Tuy nhiên hằng ngày bệnh nhân vẫn tìm đến đông, và ống Kế vẫn tận tình hướng dẫn cách xoa bóp và mách họ phương thuốc chữa bệnh rẻ tiền mà hiệu quả nhất cho mỗi người.
Chia tay Lương y Đào Việt Kế ông đọc tặng chúng tôi một bài thơ: “Xưa chiến trường không rụng. Nay về quê không suy. Nghề phúc, nghiệp phải cố. Góp cho đời thêm tươi”.
Rồi ông nói thêm: “Nghề nhân đạo trên đời là nghề cứu người. Nghề vô nhân đạo nhất nhất trên đời là làm nghề mà thiếu ý đức”.
Ông Nghiêm Xuân Thiều, trưởng thôn Đào Xá chia sẻ: “Cụ Đào Việt Kiều là một trong những thành viên người cao tuổi đống góp rất lớn vào sự phát triển của làng, một trong những việc đáng quý nhất của ông là chữa bệnh cứu người không lấy tiền. Ở thời bình này thật hiếm có những người có tấm lòng “từ mẫu” như ông Kế.
Chúc ông có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến, chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo.
Nguồn phapluatplus.vn